Clip người dân Ninh Thuận ngụp lặn mưu sinh giữa dòng sông Dinh
Thượng nguồn sông Dinh nằm ở độ cao hơn 600m so với mực nước biển, từ núi Gia Rích, xã Phước Bình, huyện Bác Ái chạy dài và uốn lượn qua nhiều thác ghềnh hơn 100km đưa nước xuống vùng hạ lưu thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. (Ảnh: Duy Quan
Từ mấy trăm năm qua, sông Dinh không chỉ cung cấp nguồn nước tưới sản xuất mà còn có nguồn thủy sản dồi dào cho nhiều thế hệ người dân sống ven sông đánh bắt, mang lại thu nhập, ổn định cuộc sống. (Ảnh: Duy Quan)
Ngày 15/11, PV báo Người Đưa Tin đã đến sông Dinh. Mặt trời vừa ló rạng, ngay dưới chân cầu An Đông đã có hàng chục người lội ra giữa sông và dầm mình giữa dòng nước ngụp lặn để cào hến, bắt ốc,… (Ảnh: Duy Quan)
Chiếc cào hến, cào ốc, được làm bằng khung sắt có hình chữ nhật hoặc hình tròn rộng khoảng 0,2m, dài khoảng 0,8m, được hàn gắn từ những thanh sắt to cỡ ngón tay trỏ nó tiếp xúc trực tiếp với cát ở đáy sông. (Ảnh: Duy Quan)
Khi cào, người ta cho cây cào ngập sâu xuống đáy sông rồi kéo lê từ khoảng 5-7m và nhấc lên, rồi trút những thứ “hầm bà lằng” mắc trong túi lưới vào những chiếc thau nhựa được thả bồng bềnh trên mặt nước như những chiếc phao. Sau đó, dùng một chiếc rổ nhựa đãi, rửa bùn, cát cho đến khi trong rổ đọng lại hàng trăm con hến có kích thước bằng móng tay hoặc bằng đầu ngón tay cái rồi trút vào chiếc bao tải, đưa vào bờ bán cho các chủ “vựa” với vài nghìn đến vài chục nghìn đồng mỗi kg. (Ảnh: Duy Quan)
Anh Phan Gia Đạt (35 tuổi, ngụ thôn Phú Thọ, phường Đông Hải, TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) cầm điếu thuốc lá vừa mồi lửa “rít” liền mấy hơi rồi nói: “Tôi thì chuyên đi biển, nhưng khi nào biển động ở nhà phụ vợ đi cào hến, tuy không khá giả nhưng cũng đủ tiền trang trải hàng ngày”. (Ảnh: Duy Quan)
Còn chị Võ Thị Kim (27 tuổi, ngụ thôn Phú Thọ, phường Đông Hải, TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ: “Tôi theo mẹ đi cào hến từ năm lên mười tuổi và bám nghề cho đến nay. Mỗi buổi sáng, hôm nào được thì cũng được 30 đến 50kg, hôm nào xui thì cũng được vài kg. Nghề này cũng giúp cuộc sống gia đình ổn định, dành dụm được ít tiền, nuôi con cái ăn học”. (Ảnh: Duy Quan)
Tuy nghề làm ăn trên sông nước dễ kiếm tiền nhưng cũng không ít nguy hiểm, đã có trường hợp người đi cào hến, cào ốc bị sụt chân vào cái hố lớn sâu hoắm do xe xáng cạp tạo nên trong lúc đào lấy cát giữa dòng sông Dinh. (Ảnh: Duy Quan)
Khoảng 11 giờ, trời nắng nóng và cũng là thời điểm nước triều lên, mọi người tất tả thu dọn đồ nghề, kéo nhau lên bờ và bắt đầu đem “vật phẩm” của mình đi bán. “Nghề này cứ ngụp lặn suốt ngày nhưng cũng chỉ đủ tiền trang trải qua ngày. Những ngày nước lớn là cả gia đình đều ngưng không làm nữa”, chị Võ Thị Kim, nói thêm. (Ảnh: Duy Quan)
“Một ngày làm vất vả đôi khi cào lên chỉ là những hạt sỏi, đá to”, chị Nguyễn Thị Kim Liên (ngụ thôn Phú Thọ) buồn bã nói. Tạm biệt bà con cũng là lúc mặt trời lên cao, PV bỗng chợt nghe những câu hát văng vẳng như để sẻ chia nhọc nhằn bên dòng sông Dinh. (Ảnh: Duy Quan)