Không đất, không vốn thì đi hầm than
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, bà Trần Thị Sáng (74 tuổi, ngụ ấp 21, xã Khánh Thuận, huyện U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau), người có 30 năm trong nghề cho hay: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, không có đất sản xuất, quanh năm chỉ đi làm thuê, làm mướn. Nhà đông con nên cảnh bữa đói bữa no là chuyện thường ngày. Mấy đứa con nheo nhóc, không được ăn học tử tế, không có việc làm nên chỉ ở nhà bám bố mẹ. Từ lúc tôi học được nghề hầm than, cuộc sống gia đình dần ổn định hơn”.
Mưu sinh nhưng cũng phải bảo vệ rừng Chính quyền địa phương huyện U Minh thông tin, hiện nay, nhiều gia đình trên các lâm phần rừng tràm huyện U Minh đang thực hiện nghề hầm than để kiếm thêm thu nhập. Qua đó, nhiều hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo trên lâm phần có công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Nghề hầm than không phải là nghề mới nhưng với giá các loại nguyên liệu sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày đang tăng cao, đã khiến nhu cầu sử dụng nguyên liệu than của người dân cũng tăng lên, tạo điều kiện cho người dân xứ rừng phát triển nghề một cách mạnh mẽ. Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, nhiều người dân mưu sinh bằng nghề hầm than có đời sống kinh tế dần ổn định. Thế nhưng, những nguy hiểm từ nghề là không thể tránh khỏi, nhất là những tác động đến rừng. Nhiều người dân cũng dần tự ý thức được việc bảo vệ rừng phải hài hòa với lợi ích cá nhân. Đa số người dân chỉ tập trung hầm than theo mùa chứ không ồ ạt như trước đây. Bà con cũng ý thức phát triển nghề thành nét đẹp truyền thống, không xô bồ chạy theo lợi nhuận. |
Nguyễn Linh