Nghề thường xuyên "đổ máu"
Không khó khăn lắm khi chúng tôi hỏi thăm vào xóm nhặt kính của ấp Tân Hiệp (xã Tân Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Trên đường đi, chúng tôi gặp rải rác khắp nơi những bao kính vụn dựng hai bên đường. Xóm nhặt kính không phải là một khu dân cư đông đúc mà chỉ là những dãy nhà trọ bao quanh một bãi đất trống dùng để chứa kính. Những người trong xóm nhặt kính không phải là dân bản địa. Họ là một đại gia đình nhặt kính đến từ nhiều tỉnh thành tụ họp về. Đa phần đều là người miền Tây và miền Trung vào thành phố lớn để xin việc. Nhưng vì không kiếm được việc làm nên đành về đây lập nên xóm nhặt kính.
Những tấm kính được cắt gọt gia công lại
Tiếp chúng tôi giữa trưa nắng chói chang là ông Bền (51 tuổi, đến từ tỉnh An Giang). Ông là một trong những người đầu tiên của cái xóm nhỏ này làm nghề nhặt kính vỡ. Ông cho biết: "Tôi làm nghề này cũng đã gần chục năm nay. Cái nghề nhặt kính vỡ này không phải ai cũng làm được bởi, nó rất dễ bị chảy máu, rách da thậm chí là nhiễm trùng. Người bình thường, nếu nhìn thấy kính vỡ, họ có thể tránh xa để khỏi phải bị thương. Nhưng với người dân ở xóm nhặt kính chúng tôi, cứ nơi nào có kính vỡ vụn là chúng tôi tìm đến. Ngày nào nhặt được nhiều kính vỡ là ngày đó chúng tôi vui mừng vì thu nhập sẽ khấm khá hơn". Nói rồi, ông dẫn chúng tôi ra bãi kính vỡ, nơi có một số anh chị em đang miệt mài làm việc.
Tại đây, người thì rửa kính, xếp kính, người thì cắt kính, đập kính vỡ vụn bỏ vào bao lớn. Phía xa xa, một chiếc xe ba gác chở kính chạy về phía mọi người đang làm việc. Thấy vậy, chị Trang (29 tuổi, quê Nghệ An) vội dừng tay rửa kính chia sẻ: "Anh Nam chở kính về rồi kìa! Không biết hôm nay có nhặt được nhiều kính không mà về sớm thế? Công việc của chúng tôi thất thường lắm. Nó phụ thuộc vào các bãi rác và các công trình xây dựng. Ngày nào các bãi rác thải ra nhiều kính vỡ. Công trình xây dựng đặt hàng cắt kính nhiều thì ngày đó dư dả chút ít". Nói rồi, chị cùng mọi người dừng tay ra phụ anh Nam chuyển từng mảnh kính xuống xe.
Những mảnh kính lớn được di chuyển, sắp xếp nhẹ nhàng sang một bên để cắt gọt lại và bán với giá cao hơn cho người đặt trước. Những mảnh kính vụn thì đập vỡ vụn ra bán cho các xí nghiệp tái chế kính. Công việc thu nhặt kính rồi đập kính vỡ vụn ra, đòi hỏi mỗi người trong xóm phải hết sức cẩn trọng khi suốt ngày vùi đầu vào đống kính sắc bén với những đôi găng tay dày cộm. Nhưng dù có găng tay bảo hộ, cuộc sống của họ vẫn luôn phập phồng trong nguy hiểm, rất dễ bị rách da chảy máu. Bởi vậy, mỗi người làm việc ở đây không chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ, cẩn thận mà còn phải có sự khéo léo, uyển chuyển.
Vất vả, đối mặt với nguy hiểm nhưng đồng tiền họ kiếm được cũng chẳng là bao. Theo những người dân ở xóm “độc nhất vô nhị” này, mỗi kg kính vụn họ chỉ bán giá từ 300 - 500 đồng. Những ngày may mắn thì có thể kiếm được 100.000 đồng/người, còn khi xui xẻo gặp phải mưa gió bão bùng thì chỉ kiếm được 40.000 - 50.000 đồng, thậm chí có hôm không đủ tiền đổ xăng nhưng lâu rồi cũng thành quen, họ vẫn bám lấy xóm trọ nghèo này kiếm sống qua ngày.
Kính vỡ được đập vụn bán cho xí nghiệp tái chế
Mỏi mòn chờ ngày đoàn tụ
Những thợ cắt kính chuyên nghiệp Anh Đặng Thanh Tân (38 tuổi, khách hàng của xóm nhặt kính): "Tôi là chủ nhận thầu xây dựng nhà, khách hàng quen của xóm nhỏ này. Lúc trước, tôi đang đập nhà, thấy ông Bền đến chỗ tôi nhặt kính vỡ. Ông nói chỗ ông có bán lại các khung kính nhỏ được gia công lại nên khi cần là tôi đến đây mua cho rẻ. Kì thực, lúc chưa đến, tôi nghĩ họ chỉ là những người nhặt kính vỡ đơn thuần về bán kính vụn thôi nhưng khi đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Từ những mảnh kính vỡ bỏ đi, họ đã gia công, cắt gọt lại rất chuẩn và đẹp như sản phẩm của người thợ chuyên nghiệp vậy". |
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn phụ giúp chuyển những tấm kính xuống, tất cả mọi người cùng đồng thanh ngăn lại. Ông Bền nói: "Chúng tôi làm trong nghề mà chẳng ai lành lặn cả, ai cũng bị thương, sẹo đầy người. Dạo trước có con bé Hương (19 tuổi, quê ở miền Tây), mới xin vào đây làm, chưa quen nên khi đập kính bị mảnh kính bắn vào mắt, thế là hư luôn cả con mắt trái".
Rồi ông thở dài: "Chúng tôi làm việc vất vả nguy hiểm là vậy nhưng đời sống vẫn rất chật vật, khó khăn. Hồi năm ngoái, con bé Út mang bầu nhưng vì ăn uống không đủ chất, lại gắng sức làm việc nên đến khi sinh, cả hai mẹ con đã không đủ sức, đành bị chết thảm".
Như nhắc nhớ lại những chuyện buồn xưa cũ, tất cả mọi người trong xóm trở nên im lặng, và đượm một nỗi buồn của những phận đời nhỏ bé mang nặng kiếp mưu sinh. Rồi họ lại cặm cụi làm việc trong tiếng chát chúa, loảng xoảng của những mảnh kính vụn. Như để xua đi không gian u buồn bất chợt, ông Bền cười lớn: "Chuyện bị thương, chảy máu ở xóm nhặt kính chúng tôi xảy ra như cơm bữa ấy mà. Hồi thằng Huỳnh bị cả xe kính đổ tứ tung lên người, tay bị gãy mà vẫn cười tươi rói. Ít bữa sau lành bệnh lại leo xe ba gác đi nhặt kính ngay. Dân chúng tôi mang ơn những tấm kính này lắm đó chứ, nhờ nó mà chúng tôi có được một công việc sống qua ngày, có được ít đồng bạc gửi về quê".
Thực sự, những mảnh kính vỡ đã làm họ bị thương, đã làm họ chảy máu biết bao lần. Nhưng cũng chính những mảnh kính vỡ ấy đã giúp họ có được bát cơm, một số tiền gửi về quê cho gia đình. Nhìn từng con người bất chấp hiểm nguy vùi mình trong đống kính hỗn độn, sắc nhọn như đang thử thách lòng dũng cảm lòng tôi như se lại. Ở cái xóm đặc biệt này, có đôi vợ chồng quê ở miền Tây, sống không đủ ăn nên gửi lại con nhỏ cho ông bà nội rồi dắt nhau lên TP.HCM xin việc, lương công nhân không đủ chi phí cho tiền trọ, nên đành dắt díu trôi dạt vào xóm nhặt kính này.
Đáng buồn hơn là trường hợp của anh Trung (26 tuổi, quê Thanh Hóa). Tốt nghiệp kĩ sư xây dựng, tuổi trẻ đang phơi phới, nhưng khi đi xin việc gặp lúc khó khăn, không nơi nào nhận trong khi anh vẫn phải sống và có tiền gửi về quê cho bố mẹ. Chính vì thế, anh vào đây làm "kĩ sư cắt kính" sống qua ngày. Anh kể: "Mỗi khi trời mưa không đi làm, nhìn màn mưa rơi, lòng ai cũng dâng lên một nỗi buồn man mác nhớ quê hương, gia đình. Có đôi vợ chồng vào đây làm, muốn dẫn con đến cùng sinh sống cho gần mẹ gần con. Nhưng vì sợ trẻ con hiếu động, chạy nhảy khắp nơi, vấp phải kính thì tiền làm không đủ cho tiền thuốc, họ đành chôn sâu nỗi nhớ, cố gắng làm việc tích góp tiền và hẹn ngày đoàn tụ".
Hạ Du