Nhọc nhằn đời nữ thợ mộc
Làng thợ mộc thuộc ấp Tiên Tây Vàm nằm bên bờ sông Hàm Luông từ hàng trăm năm. Nghề mộc của làng nổi tiếng các tỉnh miền Tây Nam Bộ, cuộc sống người dân thời trước cũng nhờ đó mà no ấm. Thế nhưng, các cơ sở chế biến gỗ hiện đại được trang bị máy móc tối tân ra đời đã cạnh tranh khốc liệt với làng nghề truyền thống. Người thợ mộc thủ công dần mai một do không còn "đất" để sống.
Ông Lê Văn Lâm (55 tuổi, ấp Tiên Tây Vàm, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành) làm công cho cơ sở mộc Tấn Lộc hơn chục năm, cho biết: "Trước đây, làng mộc Tiên Tây Vàm chỉ toàn thợ nam nhưng khi các cơ sở chế biến gỗ hiện đại ra đời, nhiều cơ sở thủ công nhỏ lẻ bị phá sản. Mấy ông thợ nam đâm ra chán nản rồi nhậu nhẹt, đá gà, đánh bài. Mấy bà vợ thấy cảnh nhà khốn khó, chồng lại bất đắc chí nên đành học cách làm mộc, gánh thay phần việc của chồng, làm thuê cho các cơ sở còn trụ vững. Người trong ấp xưa giờ đã quen làm mộc, ruộng vườn không có bao nhiêu, chỉ biết trông chờ từ lương thợ mộc".
Chị Út cần cù bên công việc chà nhám
Chị Nguyễn Thị Giàu (34 tuổi, ngụ ấp Tiên Tây Vàm) chia sẻ: "Nhà khó khăn, một mình chồng làm không đủ lo cho mấy đứa con tuổi ăn tuổi học nên mình đi theo giúp đỡ. Nghề mộc cũng không có gì khó, chịu khó nhìn, nghe chồng hướng dẫn, làm riết rồi quen tay. Cơ sở cũng có nhiều chị em làm nghề, mình cũng không thấy ngại ngùng". Chị Út Nhỏ (43 tuổi), chủ cơ sở Tấn Lộc, nơi chị Giàu làm việc cho biết: "Giàu giỏi lắm, mỗi ngày làm được khoảng 10 cái ghế, sức làm cũng như đàn ông không kém bao nhiêu. Từ chỗ theo chồng học lỏm, sau ba năm, Giàu thành thợ chính thức của cơ sở. Ngoài Giàu, cơ sở còn một số chị em khác vì hoàn cảnh gia đình nên cũng bươn chải theo nghề mộc".
"Nghề thợ mộc ngán ngẩm nhất khi người thợ thao tác trên máy móc. Nếu lơ là một chút thì chuyện mất ngón tay hay đứt gân, đứt lìa bàn tay... cứ diễn ra như cơm bữa. Từ hồi làm nghề đến giờ, tôi bị thương mấy lần, may mà không để lại thương tật lâu dài. Ngoài làm mộc, tôi không biết làm gì nữa, ruộng vườn thì không có, làm công nhân may thì lại không quen tay, cầm cây gỗ quen rồi", chị Nguyễn Thu Hồng (32 tuổi) chia sẻ.
Không chỉ thương tật do thao tác trên máy, người nữ thợ mộc còn đối mặt với các bệnh về đường hô hấp, cột sống, thoát vị đĩa đệm... Các chị thường xuyên hít thở không khí có nhiều mạt cưa, bụi bặm nên dễ mắc bệnh ho, lao phổi. Mỗi ngày, các chị phải đứng hơn 8 tiếng đồng hồ để thao tác trên máy hay lom khom thực hiện các công đoạn bào, đẽo, chà nhám. Từ đây, các loại bệnh liên quan đến cột sống, thoát vị đĩa đệm có cơ hội bộc phát.
Dựa vào nhau để sống
Những bàn tay thô ráp, đầy sẹo nhỏ sẹo to, có cái do máy móc gây ra, có chỗ vì dằm gỗ gâm vào cứ đưa qua đưa lại nhuần nhuyễn. Nhiều gương mặt mệt mỏi, tay vỗ nhẹ vào lưng xoa bớt cái đau mỏi hành hạ sau hàng giờ miệt mài làm việc. Chị Giàu chia sẻ: "Nghề nào cũng có bệnh nhưng vì miếng cơm manh áo thì phải lao vào. Từ ngày các công ty may mặc xây dựng ở đây, họ đặt làm bàn ghế may, chúng tôi mới có công ăn việc làm ổn định. Trước cũng chỉ sản xuất bàn ghế, giường, tủ nhưng không cạnh tranh lại với mấy chỗ có máy móc thao tác tinh xảo".
Làng mộc Tiên Tây Vàm từ chủ đến thợ đều là nữ, cùng thương yêu, bảo bọc nhau trong tình hình khó khăn chung. Trong những lúc nông nhàn hoặc chị em nào chưa có việc làm ổn định, sẵn gỗ tạp ở vườn nhiều vô số kể như mít, xoài, cóc..., họ cùng nhau chế biến, đục bào thành nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu dân sinh và sản xuất. Những chị em sống chết với nghề thợ mộc đều không có đất sản xuất, hoàn cảnh khó khăn. Dẫu biết nghề mộc phù hợp với nam giới nhưng để có chút tiền lo cho gia đình và con cái ăn học, các chị, các mẹ không ngại cực khổ, lao lực ngày đêm chăm chỉ bên máy cưa, máy bào.
Thực tế, làng mộc Tiên Tây Vàm có hơn 95% thợ nữ, thì cũng xấp xỉ một nửa trong số đó có hoàn cảnh khó khăn, sa cơ lỡ vận phải lao động cật lực ở xưởng gỗ. Dù cực khổ trăm bề, làng mộc "tóc dài" vẫn hăng say làm việc. Từ bàn tay thô ráp, các mẹ các chị cho ra đời những sản phẩm dân sinh gắn liền với đời sống bình dân. Sản phẩm của các chị không thuộc hạng cao cấp nhưng chất chứa nhiều tâm sự cũng như cái tâm chăm chút của người thợ mộc lành nghề.
NGỌC LÀI - NGUYỄN SƠN