Những đứa trẻ già trước tuổi
Nhìn cô bé Quỳnh khuôn mặt đen đúa đang liến thoắng chào mời khách mua hàng, tay thoăn thoắt đếm tiền, không ai nghĩ em vẫn chưa tròn 14 tuổi. Là chị cả trong một gia đình có 3 chị em (ở Tân Lang, Phù Yên, Sơn La) nên Quỳnh đã sớm nhận thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình còn nghèo khó. Quỳnh từ chối các chàng trai trong bản để đến Hà Nội cùng người chị buôn bán.
Việc buôn bán làm cho những đứa trẻ già trước tuổi
“Cửa hàng” bán dưa hấu, mía do Quỳnh và hai người bạn cùng bản đứng bán nằm bên ven đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), thực chất chỉ là chiếc bạt căng ra để che mưa che nắng. Bên cạnh đống dưa hấu là chiếc giường một nhỏ xíu đựng tất cả vật dụng của 3 em, từ quần áo, ba lô cho tới chăn gối để ngủ.
Quỳnh kể: “Bọn em phải dậy từ sáng sớm để xếp hàng bán, 11h đêm hết khách mới đi ngủ. Mấy ngày Hà Nội nắng nóng vừa rồi 3 đứa ngủ chung chiếc giường này nên cũng khó chịu lắm. Vệ sinh thì đi nhờ mấy chú ở công trường đằng sau. Nhiều khi các chú đi vắng khóa cổng công trường bọn em đều phải nhịn đấy chị ạ".
Thu nhập hàng tháng được 2 triệu đồng, Quỳnh gửi về cho gia đình 1,5 triệu đồng, còn lại Quỳnh giữ để mua thẻ điện thoại liên lạc về với gia đình và phòng mua những gì cần thiết, thuốc men khi bị ốm. Hỏi các em có sợ không khi mà hàng đêm phải ôm nhau ngủ ngay cạnh vệ đường, thì cả 3 đều lí nhí: “Sợ". Không sợ sao được khi đêm đến, mọi người ai về nhà nấy, thành phố chìm sâu vào tĩnh lặng sẽ có bao nhiêu nguy hiểm đang rình rập các em, đặc biệt các em là con gái đang trong độ tuổi trưởng thành.
Trong đôi mắt Quỳnh hiện lên vẻ đượm buồn nhưng cứng cỏi
Tới đâu hay tới đó...
Không có việc làm ngay như Quỳnh, cậu bé Triệu Văn Hiển tự tìm về Thủ đô theo chúng bạn cùng xã Hòa Sơn (Hữu Lũng, Lạng Sơn) để tìm một công việc kiếm sống. Sinh ra không biết mặt bố là ai, mẹ cũng bỏ đi mất tích để lại em với người bà đã đến tuổi “gần đất xa trời”. Sau một lần bị ốm, bà Hiển yếu hẳn, không còn sức lực để làm việc gì nữa. Cậu bé Hiển 12 tuổi quyết định theo chúng bạn về Hà Nội với mong muốn kiếm được chút tiền gửi về giúp đỡ bà.
Lang thang ở Hà Nội 1 tuần trời chỉ với 20.000 đồng trong túi, Hiển cũng xin được vào phụ giúp một hàng bán bún trong chợ Đồng Xuân. "Em vừa phải bưng bê, rửa bát, lau bàn ghế làm tất cả những công việc mà người chủ sai bảo. Thỉnh thoảng thấy em làm chậm chạp hay không vừa ý bà chủ cũng mắng mỏ và dọa trừ lương. Nhưng em quen rồi, chỉ cần em ngoan ngoãn không cãi lại thì bà chủ vẫn trả em một triệu tiền lương để em gửi về cho bà", Hiển cho biết.
Vì không muốn thuê phòng trọ tốn chi phí nên Hiển xin bà chủ cho em ngủ ngay tại quán. Hôm thì ngủ trên bàn, hôm thì ngủ trên ghế. Hiển cho biết, đêm ở chợ cũng rất nhiều đứa trẻ đến ngủ như em.
Ngày chúng đi bán báo, đánh giầy, làm thuê làm mướn đêm đến lại về trèo lên những phản thịt lợn nằm ngủ. Vì chạy cả ngày mệt mỏi nên đặt lưng xuống là em ngủ ngay, chẳng cần biết ở đâu, có ai xung quanh không. Hỏi Hiển định làm ở đây mãi sao? em chỉ im lặng không nói gì. Rồi bất chợt, Hiển đứng dậy: “Thôi em phải đi xách nước về rửa bát đây chị ạ, cứ tới đâu hay tới đó...".
Đinh Nhung