Để góp phần bảo vệ trẻ em và hạn chế tội phạm chưa thành niên, nhất là từ thực tế nạn xâm hại tình dục bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng, từ năm 2014 đến năm 2019, Trung tâm Tư vấn Pháp luật cho người chưa thành niên (thuộc Hội Luật gia Việt Nam) đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật miễn phí tại các địa phương cho hơn 700 đối tượng đặc thù là phụ nữ và trẻ em.
Các vấn đề tuyên truyền gồm: Luật Hôn nhân và gia đình, luật Bảo vệ trẻ em, luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, các biện pháp bảo vệ dấu vết, chứng cứ.
Trong những lần đi tuyên truyền ấy, bà Đặng Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm cùng những cán bộ đi cùng đoàn không thể quên những câu chuyện mà các học sinh tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) chia sẻ về việc mình bị xâm hại tình dục.
“Năm 2014, chúng tôi tiếp xúc tại ngôi trường này để tuyên truyền cho 220 học sinh và 70 cô giáo. Lúc đầu, chúng tôi tuyên truyền cả học sinh nam và nữ. Nhưng, khi giảng xong thì tôi mời các học sinh nữ ở lại. Dạy các con tất cả những từ ngữ trong pháp luật như: Hiếp dâm, dâm ô, giao cấu như thế nào. Đa phần các con khi được hỏi đều nói không biết như thế nào là bị giao cấu, xâm hại”, bà Đặng Thị Thanh chia sẻ.
Theo lời của bà Thanh, khi đưa ra các tình huống bị xâm hại tình dục giảng cho các học sinh tại trường này, bà thật sự sốc và bất ngờ khi có một em học sinh nữ bị xâm hại nhiều lần: “Sau khi giảng xong, có một nữ sinh đứng lên nói bị bạn của anh trai quan hệ tình dục rất nhiều lần ở nhà. Kể về hoàn cảnh của mình, nữ sinh cho hay mẹ của mình đã mất, nên ở với bố. Khi xảy ra sự việc, nữ sinh có nói với bố nhưng bố không quan tâm. Bản thân nữ sinh mặc cảm vì mình khiếm khuyết, cũng giống như vật bị bỏ đi nên gia đình cũng không quan tâm. Nghe đến đây mà chúng tôi xót lòng”.
“Sau khi lắng nghe những chia sẻ của nữ sinh và các học sinh trong buổi giảng, chúng tôi đã thông báo cho ban giám hiệu nhà trường biết. Sau đó, chúng tôi được thông tin lại là đã ngăn chặn được tình trạng này”, bà Thanh bày tỏ.
Bà Thanh kể thêm về câu hỏi của một nam thanh niên tại trường giáo dưỡng mà bà có dịp được tiếp xúc: “Có lần, chúng tôi đi thực tế ở trường giáo dưỡng, các cháu đều ở tuổi chưa thành niên nhưng rất đáng thương. Khi chúng tôi đưa phiếu khảo sát để tìm hiểu nguyên nhân, thì được biết nguyên nhân một phần là do cha mẹ ly hôn, lang thang ngoài đường và vi phạm pháp luật. Liên quan đến xâm hại tình dục, có cháu hỏi chúng tôi “cô ơi, cháu 14 tuổi và bạn nữ cũng 14 tuổi, bạn ấy thích cháu thì cháu ngủ với bạn ấy. Nhưng, bạn nữ chẳng làm sao còn cháu lại bị truy tố”. Với câu hỏi này, chúng tôi mới thấy rằng các cháu không nhận thức được như thế nào sẽ vi phạm pháp luật. Nếu biết trước về pháp luật, tôi tin rằng các bạn nam này chưa chắc đã phạm tội”.
Bên cạnh câu chuyện của nữ sinh khiếm thị trên, cùng những lần khảo sát tại một số tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái… với nhiều câu chuyện xót xa về xâm hại tình dục, các thành viên của Trung tâm Tư vấn Pháp luật cho người chưa thành niên quyết tâm hành động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như các tình huống xâm hại tình dục đến các học sinh, phụ huynh.
Bà Thanh trăn trở: “Còn rất nhiều nơi mà chúng tôi chưa thể đến, do sức khoẻ có hạn và các thành viên chủ yếu là các cán bộ đã về hưu. Thế nhưng, chúng tôi rất mong muốn có thể góp một phần sức nhỏ của mình tuyên truyền sâu rộng về xâm hại tình dục trẻ em đến đông đảo các trẻ chưa thành niên, để các em biết bảo vệ mình và không xảy ra những vụ án, hậu quả đáng tiếc liên quan đến xâm hại tình dục”.