Người mắc bệnh dạ dày
Các loại lẩu cay như lẩu kim chi, lẩu Thái chua cay, lẩu gà ớt hiểm... dù đem lại cảm giác ngon miệng nhưng lại không phù hợp với những người đang mắc bệnh dạ dày vì có thể khiến dạ dày bị kích thích và tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Những người đang mắc bệnh về dạ dày nên tránh ăn lẩu cay, có ớt hoặc sa tế, thay vào đó có thể lựa chọn những món lẩu thanh đạm hơn như lẩu nấm.
Ngoài ra những người bị nóng trong, lạnh sớm, dùng thuốc nhuận tràng, bệnh nhân bị bệnh gan không nên ăn lẩu cừu vì loại đồ ăn này không tốt cho sức khỏe.
Người có đường huyết không ổn định
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, dù mức độ nặng hay nhẹ thì cũng nên chú ý khi ăn lẩu. Không nên ăn quá nhiều cá, tôm. Đặc biệt những người có mức tiểu đường không ổn định thì lại càng không nên ăn.
Lý do là bởi trong lẩu chứa rất nhiều chất dinh dưỡng "tàng hình", bạn sẽ khó kiểm soát được lượng thức ăn mình đã nạp vào. Vì vậy, hãy cố gắng lưu ý.
Người mắc bệnh gout
Bệnh nhân gout nếu có ăn lẩu thì nên ăn ít hải sản và thịt động vật, đồ uống thì nên chọn nước lọc. Nguyên tắc dinh dưỡng chung của bệnh nhân gout là trước hết nên chọn các món ăn chứa thành phần chủ yếu là thực phẩm chay, có thể ăn thêm một lượng thịt nhỏ, tốt nhất là không chọn hải sản và nội tạng.
Hầu hết các loại trái cây và rau quả là thực phẩm ít purine, đặc biệt là bắp cải, cà rốt, khoai tây, rong biển và các loại dưa.
Ngoài ra, nhóm người bị gout cũng nên hạn chế ăn nấm vì món này chứa lượng purine cao, những bệnh nhân bị tăng acid uric máu không nên ăn phần đáy nồi lẩu, đặc biệt, không uống nước lẩu. Bởi vì, các gia vị như hạt tiêu, ớt, mù tạt,... có thể gây bùng phát các cơn gout, ăn càng ít càng tốt.
Người bị béo phì, mỡ máu cao
Nhóm người này nên hạn chế ăn lẩu. Nếu ăn thì nên chọn loại lẩu nước suông nhạt hơn so với các loại nước lẩu có nhiều dầu mỡ. Một trong những điều quan trọng nhất là chú ý kiểm soát việc cho thêm các loại thực phẩm chứa chất béo và năng lượng cao trong khi ăn.
Không nên chọn lẩu vị cay vì thường sẽ kết hợp với nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, bạn nên chọn các loại nước thanh đạm nhất, lẩu rau củ quả luôn là ưu tiên hàng đầu. Trong bữa ăn, tốt nhất bạn nên ăn lẩu chay hoặc chọn rau củ quả để ăn thay vì chọn các món giàu năng lượng hoặc chất béo.
Người bị bệnh cao huyết áp
Bệnh nhân bị cao huyết áp nên hạn chế ăn các sản phẩm thịt chế biến và ưu tiên thức ăn nhẹ nhàng, thanh đạm. Ở những bệnh nhân cao huyết áp ăn lẩu phải kiểm soát lượng muối, đặc biệt với một số thực phẩm có tính chất ngấm mặn như đậu phụ, các loại khoai, các loại thực phẩm chế biến sẵn như viên thịt cá, xúc xích. Những món ăn này, nếu nấu lâu có thể bị ngấm muối mặn hơn, ăn nhiều dễ dàng bị tăng lượng muối quá mức. Đồng thời nên hạn chế uống nước lẩu vì muối thường đọng ở đáy nồi nhiều hơn.
Cần phải nhắc nhở thêm rằng, nhiều người thích ăn lẩu với đồ uống lạnh sẽ dễ làm hỏng đường tiêu hóa, đặc biệt là tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác.
Một số lưu ý khi ăn lẩu:
- Khi ăn lẩu chúng ta thường hay ăn các loại thịt sống, cá sống, loại rau sống. Trong quá trình ăn uống dễ bị vi sinh vật gây bệnh và nhiễm trứng ký sinh trùng. Do đó, cần phải nấu sôi trong khi ăn để đạt được hiệu quả khử trùng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Không ăn khi thức ăn quá nóng để tránh tổn thương miệng và niêm mạc thực quản, dẫn đến loét miệng và thực quản hoặc gây hại cho răng, nướu và gây ra đau răng dị ứng.
- Không nên ăn lẩu trong thời gian dài bởi sẽ làm cho dịch dạ dày, mật, dịch tụy và các tuyến tiêu hóa khác hoạt động không bình thường dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đau bụng và tiêu chảy.
- Nước dùng lẩu tốt nhất là khi vừa được chế biến xong. Nước lẩu không nên sử dụng nhiều lần, càng không nên tái sử dụng nước lẩu để qua đêm.
- Không nên cho cùng lúc nhiều nguyên liệu vào nổi lẩu khi ăn và không để thực phẩm quá chín. Nếu bạn cho hải sản tươi vào nồi cùng các loại thịt sống, nội tạng động vật và các loại rau củ có chứa tinh bột, nồi lẩu của bạn sẽ trở thành một món ăn hỗn tạp mùi vị. Hơn thế, bạn còn có nguy cơ mắc ký sinh trùng gây hại cho hệ tiêu hóa.
Minh Hoa (t/h)