Nhộn nhịp từ nhà tới... chùa
Chúng tôi về chùa Kiến Sơ (xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội) vào đúng những ngày Vu Lan báo hiếu. Khung cảnh yên tĩnh của một ngôi chùa vùng ngoại ô những ngày này bị thay bởi những tiếng quét dọn, tiếng rửa bát đũa lanh canh. Đa phần dân cư ở đây sống dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi nhưng mọi người vẫn bớt chút thời gian lên chùa, giúp đỡ các ni chuẩn bị cho ngày lễ. Trò chuyện với chúng tôi, thầy Thích Đàm Chuyên, sư trụ trì chùa Kiến Sơ cho biết: "Đối với phật tử cũng như chúng sinh, ăn chay mùa Vu Lan cũng là cách để tích đức, báo hiếu.
Theo quan niệm nhà Phật, tất cả chúng sinh đều luân hồi vì nghiệp chướng kiếp này mà kiếp sau có thể bị đầu thai làm súc sinh như: Trâu, bò, gà, chó... Vào mùa Vu Lan mọi người ăn chay, tránh ăn thịt, cá... là một hình thức từ bi, đem tâm đức đó để báo hiếu cha mẹ, người thân và cũng là để "giải nghiệp" cho mình. Từ những ngày đầu tháng cho tới rằm tháng 7 âm lịch, nhiều chùa đã lên lịch làm cỗ chay đãi phật tử thập phương. Đối với những người không có thời gian lên chùa thì có thể tự làm cỗ chay hoặc mua đồ ăn sẵn để ăn trong những ngày này".
Đồ chay bây giờ nhìn không khác đồ mặn là mấy
Cũng theo lời kể của thầy Thích Đàm Chuyên thì từ những ngày đầu tháng đã có nhiều phật tử lên chùa giúp việc và ăn chay cùng với nhà chùa. Những người này ban ngày đi làm, nhưng cứ tầm chiều là họ đến chùa dọn dẹp, sau đó ăn chay và tụng kinh niệm phật. Bởi theo tục lệ người Việt, mùa Vu Lan trùng với ngày lễ xá tội vong nhân (vào rằm tháng 7) nên bao giờ tại các chùa sẽ tổ chức lễ Vu Lan trước. Sau đó, về các gia đình mới tự làm mâm cúng người thân đã khuất.
Bởi thế những ngày trước rằm tháng 7, phật tử, người bình thường lên chùa rất đông. Họ tự tổ chức nấu cỗ chay và những người đến lễ chùa đều được mời ăn miễn phí. Cỗ chay thường rất đạm bạc, chỉ cơm với dưa, cà, đậu phụ và những sản vật địa phương. Tuy nhiên, không khí tại chùa rất nhộn nhịp, nhất là vào các buổi chiều tối. "Chúng tôi tổ chức đại lễ vào một ngày nhất định, thường là vào ngày 12 hoặc 13 tháng 7 âm lịch. Tất cả phật tử khắp nơi ai có lòng về chùa đều được mời cỗ. Trong ngày đó, có tới mấy chục người phục vụ mới có thể đáp ứng được lượng khách đến lễ phật và ăn uống" - Thầy Thích Đàm Chuyên cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, đa phần những người lên chùa là những người trung niên, có cả nam lẫn nữ. Bác Nguyễn Thị Hương, một phật tử cho biết: "Theo lẽ nhà Phật, vào những ngày này nếu ăn chay, niệm phật sẽ giải được phần nào nghiệp chướng cho mình và người thân dưới suối vàng. Con người ai cũng phải luân hồi, cha mẹ mình cũng vậy. Vì thế không sát sinh, phát tâm niệm phật là cách giúp cho cha mẹ mình ở thế giới bên kia bớt khổ. Nhiều người bạn của tôi đã chuyển hẳn sang ăn chay, bản thân tôi cũng ăn chay từ đầu tháng. Những hôm ít người, chúng tôi tự nấu cỗ chay bằng những món đơn giản. Nhưng ngày đại lễ thì chúng tôi sẽ đặt các cửa hàng đồ chay làm sẵn. Tuy nhiên, những ngày này, họ rất đông khách nên nhà chùa thường nhờ chúng tôi đặt trước mấy ngày".
Chùa Quán Sứ là nơi nhiều người tìm đến để cầu siêu và ăn cơm chay
Các cửa hàng đồ chay... vào mùa
Ăn chay trong chùa hay ăn chay ở nhà đều như nhau Thầy Thích Đàm Chuyên cho biết: "Nhiều người cứ nghĩ phải nhất thiết lên chùa ăn chay mới thực sự là tích đức, báo ơn. Nhưng thực ra, ăn chay trong chùa hay tại gia cũng giống như nhau. Quan trọng là mỗi người phải có được ý thiện mà không giết hại chúng sinh. Như vậy là đã thực hiện đúng ý nghĩa của lễ Vu Lan". |
Đối với những ngôi chùa vùng ngoại ô, họ vẫn sống theo phương châm tự cung, tự cấp nên các dịch vụ cỗ chay không phát triển mạnh. Rời vùng ngoại ô yên bình, chúng tôi trở lại nơi phố thị và ghé qua những quán bán đồ chay, lúc này mới cảm nhận hết được không khí mùa Vu Lan. Trong vai một khách hàng đặt cỗ chay, chúng tôi vào tiệm đồ chay Âu Lạc (đường Láng, Hà Nội) để hỏi giá. Căn tiệm nhỏ nhưng có nhiều người đang miệt mài làm việc.
Họ đang bận làm theo những đơn đặt hàng từ trước. Bà chủ cửa hàng nói với chúng tôi: "Giá mỗi mâm cỗ chay dao động từ 300.000 đồng cho tới 700.000 đồng tùy vào lựa chọn của khách. Trung bình, mỗi mâm có từ 7 đến 10 món ăn khác nhau và chúng tôi sẽ làm theo giá tiền mà khách hàng chọn. Nếu đồng ý đặt hàng, chúng tôi sẽ cử người đến tận nơi phục vụ hoặc chế biến sẵn từ cửa hàng, mang đến chỉ việc dùng ngay". Bà chủ hàng còn cho biết, phải đặt hàng trước mấy hôm và thông báo cho họ trước rằm tháng 7 bởi: "Sau rằm tháng 7, người dân vừa kết thúc mùa ăn chay nên số lượng tiêu thụ hàng giảm rất nhiều. Vì thế, chúng tôi chỉ làm cầm chừng theo những đơn của khách quen" - bà chủ này nói.
Chị Đặng Thị Yến (phố Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội), khách đến đặt đồ chay cho biết: "Từ đầu tháng, các cửa hàng chay đều rất bận rộn. Những người như chúng tôi vì công việc nên phải mua đồ về nhà nên cũng hơi bất tiện vì phải đợi chờ bởi mình mua ít". Cũng theo chị Yến, nhiều người ở nội thành thường tranh thủ ngày thứ 7 hoặc chủ nhật để lên chùa niệm phật và ăn chay. Cơm chay nhà Phật một mâm cũng sáu người.
Để dự cơm chay tại chùa, nếu bạn đi lẻ thì phải chủ động ghép mâm hoặc nhờ các phật tử tình nguyện mặc áo nhà chùa xếp chỗ. Nếu bạn đi đông người thì nên tới các bàn báo cơm để đăng ký trước. Chị Yến cũng cho biết: "Ở Hà Nội chùa Quán Sứ sẽ tổ chức lễ Vu Lan vào ngày 12 - 14/7 âm lịch. Vào ngày đó, mọi người có thể tới cầu siêu và ăn cơm chay. Tuy nhiên, chùa Quán Sứ lúc nào cũng đông người nên chúng tôi thường ghé qua các chùa khác như chùa Tảo Sách, chùa Lý Triều Quốc Sư... nhưng tâm lý nhiều người vẫn muốn đến chùa Quán Sứ hơn".
Cũng theo khảo giá của chúng tôi thì giá đồ chay vào dịp này không chênh lệch nhiều so với thời điểm trước tháng 7. Bởi lẽ các quán bán đồ chay đều bán cho khách hàng quen là chính chứ không phục vụ thị trường như các mặt hàng khác nên không có chuyện lợi dụng để tăng giá. "Mặc dù số lượng người mua hàng có tăng trong những dịp này nhưng vẫn chủ yếu là những mối hàng quen trước đây. Có điều, thay vì họ ăn chay mỗi tuần một hoặc hai bữa, vào những ngày này họ ăn chay liên tục nên số lượng người mua có tăng. Ngoài ra, những người mới đầu đến mua hàng cũng có, tuy nhiên số lượng không nhiều vì họ mua sẵn đồ ở siêu thị rồi" - một nhân viên ở quán Âu Lạc cho biết.
Phạm Thiệu