Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, doanh số bán ô tô điện ở châu Âu dường như đang chậm lại khi người tiêu dùng chờ đợi những mẫu xe tốt hơn, rẻ hơn sẽ xuất hiện trong 2-3 năm nữa.
Doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện (xe thuần điện) ở châu Âu đã tăng 47% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, nhưng thay vì ăn mừng, các hãng xe hơi lớn như Tesla, Volkswagen và Mercedes-Benz lại tỏ ra u ám.
Lãi suất cao và thị trường trầm lắng đang khiến khách hàng mất hứng thú, bằng chứng là lượng đơn đặt hàng xe điện của Volkswagen chỉ bằng một nửa so với năm ngoái.
Các đại lý ở Đức và Ý cũng như nghiên cứu của 4 công ty phân tích dữ liệu toàn cầu cho biết, nguyên nhân đằng sau mức tiêu thụ chậm hơn là sự bất ổn về kinh tế, khiến người tiêu dùng không tin rằng xe điện đáp ứng nhu cầu của họ về độ an toàn, phạm vi hoạt động và giá cả.
“Vấn đề chính là sự không chắc chắn”, ông Thomas Niedermayer, người đứng đầu một đại lý ô tô ở Bavaria (Đức), cho biết.
“Nhiều người cho rằng công nghệ sẽ cải tiến và thà đợi 3 năm nữa để có mẫu xe tiếp theo còn hơn là mua một chiếc xe sẽ nhanh chóng mất giá trị ngay bây giờ”, ông Niedermayer giải thích.
Gia đình bà Flavia Garcia và ông Tom Carvell ở Edinburgh (Scotland, Vương quốc Anh) vẫn đang lái chiếc xe Toyota Auris cũ kỹ đã sử dụng 15 năm nay.
Khi lệnh cấm xe chạy bằng xăng và dầu diesel đang đến gần, hai người đã cân nhắc việc mua một chiếc xe điện để thay thế, nhưng cuối cùng lại bị trì hoãn vì thiếu cơ sở hạ tầng sạc, lo ngại về tuổi thọ pin và giá cả.
AutoTrader cho biết, xe điện mới ở Anh vẫn đắt hơn trung bình 33% so với các mẫu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Và hầu hết các mẫu xe mới đang nhắm đến người tiêu dùng bình dân sẽ không được tung ra thị trường sớm nhất trước năm 2025.
Nhưng vào thời điểm đó, chúng sẽ phải cạnh tranh với những chiếc xe điện thương hiệu BYD hay Nio đến châu Âu từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc được cho là có lợi thế về giá hơn 30% so với các đồng nghiệp châu Âu.
“Các vị muốn làm điều đúng đắn cho môi trường, nhưng có cảm giác như các vị đang chuẩn bị cho một khoản đầu tư rất tốn kém, điều này sẽ khiến cuộc sống của các vị trở nên phức tạp hơn một chút”, bà Garcia cho biết. “Có lẽ chúng tôi sẽ mua một chiếc xe lai (xe hybrid) trước”.
Schmidt Automotive Research cho biết, doanh số bán xe điện ở Tây Âu sẽ đạt 1,8 triệu chiếc, chiếm 15,7% thị phần xe điện vào năm 2023, 2,0 triệu chiếc vào năm 2024 (16,5%), 2,6 triệu (20,0%) vào năm 2025, tiến tới 9,2 triệu (65%) vào năm 2030. Tây Âu bao gồm 5 thị trường lớn là Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha.
Ở Đức, ý định mua xe điện vẫn không thay đổi trong năm qua, một cuộc thăm dò của công ty nghiên cứu người tiêu dùng The Langston Co cho thấy. Điều đó có nghĩa là mặc dù số lượng xe điện được bán đang tăng nhưng số người muốn mua xe điện thì không.
Doanh số bán hàng tăng trưởng có thể chỉ đơn giản là một dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang gặp khó khăn trong việc sản xuất xe điện do tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng cuối cùng cũng có thể đáp ứng được các đơn đặt hàng dự phòng, chứ không phải là dấu hiệu của nhu cầu tăng cao, đại diện của The Langston Co cho biết.
Ông Philip Nothard, đại diện công ty Cox Automotive, cho biết giá trị còn lại của xe điện thấp cũng khiến người mua ngần ngại vì các công ty và nhiều người tiêu dùng chọn xe mới dựa trên giá trị thu được khi bán xe đi.
“Chúng tôi gọi sự kết hợp của giá trị còn lại thấp, nguồn cung cao và nhu cầu thấp là thung lũng tử thần mà ngành xe điện sẽ phải trải qua trong năm 2024-2027”, ông Nothard cho biết thêm.
Tóm lại, doanh số bán ô tô điện ở châu Âu tăng trưởng chậm hơn có thể là do nhiều yếu tố, bao gồm sự không chắc chắn của người tiêu dùng, thiếu cơ sở hạ tầng sạc, giá cao hơn so với ô tô truyền thống và sự chậm trễ của các mẫu xe giá cả phải chăng. Các nhà sản xuất ô tô hiện đang phải đối mặt với thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng đồng thời đảm bảo lợi nhuận trong thị trường xe điện đang phát triển.
Minh Đức (Theo Reuters, Forbes)