Đào, phở và piano - hiện tượng phim Việt
Đào, phở và piano là một dự án điện ảnh về đề tài lịch sử, dân tộc được đón nhận một cách sôi nổi nhất. Đây là hiện tượng chưa từng có trước đây của các bộ phim cùng thể loại.
Được gọi là một hiện tượng phim Việt bởi có nhiều cái lạ, cái "độc nhất" mà Đào, phở và piano sở hữu. Phim ra trước, trailer có sau, âm thầm ra phim, âm thầm chiếu, đi ngược với tốc độ phát triển vũ bão của thị trường điện ảnh.
Phim được vận hành theo lối mòn truyền thống, không tập trung vào các chiến lược quảng bá rộng rãi. Với vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, phim chỉ đủ để phục vụ cho việc thiết lập bối cảnh, hậu kỳ và hoàn toàn "nói không" với chi phí marketing.
Tuy là sản phẩm được Nhà nước đặt hàng, bị động trong cơ chế làm phim song Đào, phở và piano trở thành một hiện tượng được săn đón hơn bao giờ hết.
Thành công nhờ vào hiệu quả của "truyền thông miệng", được khán giả quảng bá hộ, một chiến dịch quảng cáo ít tốn kém nhưng hiệu quả đến khó tin mà bất kể bộ phim nào cũng ao ước có được.
Nhìn vào Đào, phở và piano thấy một mảng đề tài lịch sử còn đầy vấn đề để bàn luận. Trên hết là tinh thần của một tác phẩm giàu giá trị tuyên truyền chạm được đến đại bộ phận công chúng, thể hiện được niềm yêu thích và sự say mê nhất định đối với vấn đề gốc rễ, nguồn cội của một dân tộc.
Ở một khía cạnh khác, lịch sử trong nhà trường vẫn thường nhận về những nhận xét khô khan, khó nắm mắt. Tuy nhiên, truyền tải và diễn đạt lịch sử ở góc độ khác mang lại tinh thần mới, sự hồ hởi tìm tòi và chiêm nghiệm sự bi hùng, oanh liệt của dân tộc là một điều đáng để phát huy.
Thường được biết đến là phim tuyên truyền, đề tài lịch sử, dân tộc trong các tác phẩm điện ảnh Việt gặp ít nhiều khó khăn trong việc làm mới bản thân cũng như tiếp cận khán giả. Thế nhưng, đó không phải là tất cả để trở thành rào cản để đề tài này có bước tiến lớn trong tương lai.
Vậy nhu cầu xem phim dân tộc, lịch sử của khán giả Việt được thể hiện thế nào?
Nhu cầu của khán giả là chất lượng
Chia sẻ về vấn đề khán giả hiện nay có quan tâm đến dòng phim lịch sử, dân tộc hay không, anh Nguyễn Minh Phúc - người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, đánh giá phim điện ảnh cho biết: "Khán giả vốn luôn quan tâm kể cả khán giả trẻ và khán giả trưởng thành. Tại sao đối tượng khán giả trưởng thành quan tâm? Bởi vì tính nguồn cội, chưa kể tâm lý của chúng ta trước giờ là không có nhiều phim hay về yếu tố lịch sử, dân tộc. Phim của mình thường lấy các văn hoá nước ngoài, những câu chuyện xa lạ.
Ngược lại, tại sao giới trẻ quan tâm? Vì thế hệ GenZ và sau đó có thể là Gen Alpha, thì tính nguồn cội càng ngày càng mỏng manh. Phải thành thật rằng các bạn có một biển thông tin, các bạn biết rất nhiều nhưng bù lại những giá trị nguồn cội như cải lương, tuồng chèo, các chiến tích cha ông,... không có nhiều tư liệu để các bạn xem. Do đó, những phim có yếu tố lịch sử như vậy mà may mắn được truyền thông tốt, hoặc có được hiệt ứng tốt như Đào, phở và Piano thì sẽ thu hút người xem hơn.
Các bạn sẽ có cái để làm tư liệu tra cứu rằng ngày xưa và bây giờ khác nhau những gì. Có một sự thật rằng càng hiện đại, càng văn minh thì chúng ta càng cần phải hướng đến những giá trị nguồn cội".
Anh Nguyễn Minh Phúc cho biết thêm, nói đúng hơn về nhu cầu xem phim dân tộc, lịch sử của khán giả Việt đó chính là nhu cầu được xem phim chất lượng, dù cho đó là thể loại nào.
Mặt bằng chung vè phim lịch sử, dân tộc ở Việt Nam chưa thực sự đạt tới độ "hoành tráng" mà khán giả mong muốn. Khán giả quan tâm đến các dòng phim giải trí thương mại nhiều hơn, bởi dòng phim này có đủ kinh phí để đầu tư nhiều khâu sản xuất và quảng bá.
Ngược lại, phim lịch sử còn e dè về vấn đề kinh phí, cần một lượng đầu tư rất lớn về kịch bản, về bối cảnh, phục trang,...