Và đi chùa thì không đời nào dẫn đến cảnh “tan cửa nát nhà” cả. Sự liên tưởng của tôi chỉ xuất phát từ chỗ niềm say mê đi chùa của mẹ thật chẳng khác gì cái bà bán hàng đa cấp trong bài viết kia. Mẹ tôi nhiều tuổi rồi. Cả đời mẹ đã chăm sóc rất tốt cho gia đình, đặc biệt là hai cô con gái. Thế nên cái nguyện vọng đi chùa của mẹ, bất kể thế nào, mọi người trong nhà vẫn phải chấp nhận.
Đó là khoảng năm 2010, một ngày cuối tuần, gia đình chúng tôi đi thăm Thiền viện Tam Đảo. Một ngôi chùa nằm trên núi, tách biệt cuộc sống trần tục. Sự tu hành nghiêm mật của các thầy chùa khiến chúng tôi cảm động, ngưỡng vọng. Mẹ tôi ngay lập tức đòi gặp thầy trụ trì để xin ở lại chùa, dù chẳng mang theo tư trang cá nhân nào. Chưa có ai trong số chúng tôi lúc đó lường hết được mọi chuyện, đặc biệt là bố. Tôi vẫn còn nhớ ông chỉ cười cười, "chắc được 3 ngày thì bà ấy lại bảo lên đón về”.
Sự việc không diễn biến theo cách đó, mẹ tôi ở chùa được vài hôm thì điện thoại nhắc chị e tôi mang các vật dụng cần thiết lên cho mẹ. Chúng tôi sắp xếp đi ngay… Khi chuẩn bị chia tay “vợ yêu” để về Hà Nội, bố tôi trông buồn hẳn. Còn chị e tôi nói với nhau, cứ như thể vừa bị mất mẹ.
Những ngày sau đó rất khó khăn về mặt cảm giác. Bố ở một mình trong căn nhà trống trải không có “vợ yêu”. Gia đình chị tôi dọn về ở cùng bố, cố để khỏa lấp sự cô đơn. Tôi thì chỉ về được vào hai ngày cuối tuần. Lần nào về tôi cũng đi thẳng vào bếp. Và lần nào tôi cũng hình dung mẹ đang đứng đó nấu món gì đợi chúng tôi về ăn.
Có một nỗi niềm nghẹn lại nơi cổ họng, tất nhiên, chẳng phải vì không có món ăn nào đang đợi. Khi lên phòng gặp bố, tôi thường bắt đầu nói những chuyện vui, kể lể này nọ, hỏi han xem ông có đi đâu chơi, gặp gỡ ai hay không, tôi thường nằm lì trên giường của ông nhiều giờ. Cũng không rõ vì sao tôi làm thế nhưng dường như đó là một nhu cầu.
Ảnh minh họa.
Suốt nhiều năm từ khi mẹ tôi đi chùa cho đến giờ, bố tôi vẫn chưa thể quen. Thời gian đầu, bố điện thoại cho tất cả những họ hàng, người quen thân để chia sẻ việc bị “vợ bỏ”- theo cách nói của bố. Khi tất cả mọi người đều đã biết, đều đã khuyên mẹ nên về nhà mà chẳng được, bố vẫn chưa thể quen.
Điện thoại của 4 đứa chúng tôi (tức 2 chị e và 2 chàng rể) thường đổ chuông nhiều lần trong một đêm nhưng khi bật lên nghe thì bố không nói gì. Tôi ở xa, sốt ruột vô cùng, cố chờ đến 6h sáng điện thoại sang cho bố thì ông bảo đêm không ngủ được nên nghịch máy thôi, chả biết là đang gọi cho các con. Chị ở gần, cứ mỗi lúc thấy bố nháy điện thoại lại co cẳng chạy xuống phòng hỏi ông thế nào. Ông bảo không có gì…
Chúng tôi muốn đưa ông đi chơi gần, xa, có lúc ông đi (nhưng tất nhiên vẫn buồn) và hầu hết là than mệt đòi ở nhà. Đưa ông đi nhà hàng ăn sáng với bún cá và cà phê thì được nhưng lâu dần cũng chán, không đi nữa.
Điều duy nhất khiến bố vui và háo hức là nghe tin “vợ yêu” về nhà (trong vài ngày chủ yếu là để đi châm cứu). Bố mở băng đĩa thuyết pháp kinh kệ suốt từ sáng đến đêm để “vợ yêu” của bố cảm thấy như đang ở chùa.
Khi tôi sinh Thái Kent, đau đớn và khó nhọc, rất cần có mẹ, nhưng tôi không khóc. Khi chồng tôi bảo: “Anh điện thoại cho mẹ để báo tin e đã sinh con mà gọi mãi không được”, tôi không khóc. Khi chồng tôi đi công tác, mình tôi vừa phải ôm con mới sinh được 2 tháng tuổi vừa lo cho con lớn ăn học, tôi không khóc. Khi mẹ về nhà để làm thủ tục đi Lào với các thầy chùa, mẹ sang thăm tôi rồi bảo “mẹ đã nói chỉ đẻ một đứa mà không nghe, đẻ thêm làm gì cho khổ”, tôi không khóc. Tôi nghe chị bảo “mẹ hỏi không biết em có giận mẹ không”, tôi cũng không khóc, không khóc…
Khi thầy Thích Quảng Lâm (chùa Tảo Sách) còn ở Mỹ, tôi đã viết email chân thành hỏi thầy về việc mẹ đi chùa. Thầy trả lời, nên khuyên mẹ ở nhà, có tuổi rồi, tu tại gia thôi, nhưng nếu không khuyên được, cũng đừng cố cản mẹ mà mang tội bất hiếu.
Một lần đi công tác, tôi gặp Katherine người Úc. Khi nói chuyện gia đình, chị cho biết bố mẹ đã li dị, còn tôi thì kể mẹ vào ở chùa. Katherine thốt lên ngạc nhiên: “She is an independent woman!” (bà ấy là một phụ nữ độc lập). Tôi cố giải thích, Katherine vẫn không thể tin một phụ nữ trong một gia đình thuần Việt với quá nhiều ràng buộc như mẹ tôi lại có thể dứt bỏ hoàn toàn mọi thứ để thực hiện điều mình thích. Trong suy nghĩ của chị, hẳn Việt Nam không thể tiên tiến đến thế…
Mẹ ở thiền viện Tam Đảo khoảng hơn 2 năm thì chúng tôi đưa mẹ về thiền Viện Sùng Phúc cho tiện đi lại thăm nom. Mẹ gầy, xanh và nhiều bệnh, thường kêu đau ốm. Nhưng không chịu về chữa bệnh một cách dứt điểm mà cứ ai mách thuốc gì lại uống thuốc đó, chẳng cần biết nguồn gốc, tác hại ra sao. Thỉnh thoảng mẹ cũng than thở ở chùa lắm va chạm chứ không phải đơn giản. Nhưng mẹ vẫn không về nhà.
Tôi chưa đủ tuổi và chưa đủ sự từng trải để triết lý về cuộc đời. Nhưng rõ ràng có những “vòng xoáy” mà tuổi nào cũng vẫn có thể bị cuốn vào đến mức nhiều khi k tài nào minh định rạch ròi.
Đào Hồng Anh