Ranh giới từ con nghiện ma túy trở thành tội phạm hết sức mỏng manh, một người mắc nghiện ma túy, có thể do vô tình hoặc cố ý nhưng đều rất dễ vượt lằn ranh trở thành kẻ phạm tội, thậm chí thành tên tội phạm nguy hiểm. Bởi vậy, cả xã hội cần chung tay phòng ngừa và chống tệ nạn và tội phạm ma túy nói chung, đặc biệt ma túy đá để bảo vệ cuộc sống.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Những án mạng đau lòng
Ngày càng xuất hiện những vụ án mạng kinh hoàng do kẻ phạm tội dùng ma túy đá bị ảo giác gọi là “ngáo đá”. 1h ngày 16/7, người dân ở khu phố Thọ Môn, phường Đình Bảng, Thị Xã Từ Sơn, Bắc Ninh đang say ngủ thì bị dựng dậy bởi thông tin kinh hoàng: tên Nguyễn Tiến Hiếu (SN 1993, người địa phương) dùng ma túy bị "ngáo đá" đã vác dao sát hại ông Nguyễn Văn Hoan là cha đẻ hắn một cách điên cuồng.
Bị con trai bất ngờ xông vào chém liên tiếp, ông Hoan gượng bỏ chạy, nhưng Hiếu vẫn tiếp tục đuổi theo dùng dao đâm người cha già. Hiếu là đối tượng nghiện ma túy đá, từng phải đi điều trị bệnh tâm thần nhưng không thuyên giảm, vẫn thường xuyên có biểu hiện hoang tưởng, nói cười một mình. Tên Hiếu đã bị tạm giữ để điều tra về hành vi “Giết người”.
Trước đó, tại TP. Hà Nội xảy ra vụ tên Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1966, ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) đã khống chế một thai phụ 22 tuổi, là người yêu của hắn trong phòng trọ, sau đó điên cuồng đánh đập, hãm hiếp cô này nhiều lần trong đêm.
May mắn nạn nhân thoát ra được và đến cơ quan chức năng trình báo, hung thủ bị khống chế, bắt giữ nhưng không thể tính đếm được những tổn thương nghiêm trọng mà cô gái và thai nhi phải chịu đựng nguy hại đến mức nào.
Cũng vì ma túy đá, tối 16/6/2013, tên Trương Tùng Bách đã bắt cóc cô con gái mới 9 tháng tuổi trong nhiều giờ, tay lăm lăm một khẩu súng, đe dọa giết bất cứ ai dám lại gần. Sau đó, gia đình đã phải khẩn cầu lực lượng công an áp dụng mọi biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hành vi manh động của Bách có thể nguy hiểm đến cháu bé và những người xung quanh.
Khi lực lượng chức năng giải cứu cháu bé, tên Bách liên tục chửi bới và sử dụng bình xịt hơi cay để chống trả. Cũng may, cuối cùng kẻ “ngáo đá” đã bị tóm gọn, cháu bé đã được giải cứu an toàn. Tên Bách sau đó bị khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Không may mắn như cháu bé con của hung thủ Bách trong vụ án kể trên, dư luận còn nhắc đến vụ hai bé gái song sinh 7 tháng tuổi đã chết thảm dưới bàn tay của gã phê ma túy Phan Văn Mạnh (24 tuổi, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Mạnh là đối tượng nghiện nặng đang chờ chính quyền địa phương hoàn tất hồ sơ để đưa đi trại tập trung cai nghiện.
Trong thời gian chờ cai nghiện, tên Mạnh say bồ đà đã cầm dao chặt đá rượt đuổi chém mẹ, chị bị thương ở vai, đầu. Chưa dừng lại, Mạnh chạy ra đường dùng dao chém 3 người khác bị thương, sau đó Mạnh tiếp tục chạy sang hàng xóm, gây ra cái chết thảm khốc cho hai bé gái hàng xóm. Với hành vi trên, trong cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, Phan Văn Mạnh đều bị tuyên án tử hình về tội “Giết người”.
Cần sự chung tay của các ban ngành
Theo nhận định của Bộ Công an, dưới tác động của tội phạm ma túy trong khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta có xu hướng gia tăng về quy mô, tính chất và mức độ nghiêm trọng, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm. Sáu tháng đầu năm 2013, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 2.637 vụ với 3.531 đối tượng, vận chuyển 160 kg heroin, trong đó có 62 vụ vận chuyển với số lượng đặc biệt lớn.
Chỉ tính riêng tuyến biên giới Việt – Lào, Việt– Trung, 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 2.637 vụ với 3.531 đối tượng vận chuyển hơn 160 kg heroin.
Trên địa bàn Hà Nội, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy thông qua công tác bắt giữ, quét vét các điểm tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp trong 5 năm trở lại đây, 70% người nghiện ma túy “đá” độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi chiếm gần 30%. Đáng cảnh báo, gia tăng số người dùng ma túy “đá” nhưng cái khó là đấu tranh và phát hiện những kẻ nghiện ma túy đá, vì nghiện ma túy đá không có biểu hiện rõ ràng như heroin.
Đây chính là nguyên nhân chưa có một thống kê cụ thể về số người nghiện loại ma túy này trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, đại diện Công an Hà Nội khẳng định, “dân chơi” dùng “hàng đá” đang tăng chóng mặt, đã “loang” rộng ra cả giới trí thức, công chức Nhà nước, không phân biệt giới tính.
Với quyết tâm phòng, chống tệ nạn ma túy và kiểm soát, bài trừ tội phạm ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của riêng một bộ, ngành nào mà là của toàn xã hội. Điều này thể hiện trước hết ở việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật về phòng chống tệ nạn ma túy.
Công tác tuyên truyền tiếp tục được duy trì và không ngừng sáng tạo với phương châm “hướng về cơ sở” với nhiều hình thức phong phú. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh tuyên truyền với cách làm phù hợp, xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình “khu dân cư không có người vi phạm pháp luật”, “khu dân cư không có tệ nạn ma tuý”, “dòng họ chấp hành pháp luật, nói không với tệ nạn và tội phạm”.
Các ban ngành chức năng cũng phải xây dựng kế hoạch bổ sung hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp luật về công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; thực hiện hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng chống ma túy đối với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh với tệ nạn và tội phạm ma tuý cần phải được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, liên tục hơn nữa trong việc tấn công, trấn áp tội phạm ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, từng bước kiểm soát và làm chuyển biến tình hình ở nhiều địa phương.
Thực tế, những năm qua ngành tòa án nhân dân đã thực hiện chủ trương tăng cường xét xử lưu động các vụ án ma túy, mại dâm tại địa bàn xảy ra tội phạm. Trung bình mỗi năm, có hàng ngàn vụ án ma túy, mại dâm được xét xử lưu động. Việc này không chỉ nâng cao tác dụng trừng trị tội phạm mà còn giáo dục, phòng ngừa chung. Qua khảo sát ở những nơi triển khai nhiều phiên tòa lưu động, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật đều có chuyển biến tích cực.
Theo Pháp luật Việt Nam