Hàng loạt tranh chấp phí bảo trì
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản có tới 36% tranh chấp liên quan đến phí bảo trì (tính trên 108 dự án có tranh chấp). Thực tế đây là tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua tại nhiều dự án ở Hà Nội và TP.HCM, có nhiều chung cư đã bàn giao nhiều năm và đang xảy ra tình trạng xuống cấp.
Thời gian qua, hàng loạt các dự án cư dân phải căng băng rôn đòi chủ đầu tư phí bảo trì bị chiếm dụng nhiều năm... Đơn cử, dự án Star City (81 Lê Văn Lương, Hà Nội, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư) được hoàn thành và bàn giao từ năm 2014. Nhưng tới nay, phần quỹ bảo trì mà chủ đầu tư mới bàn giao cho cư dân chỉ khoảng 2,4 tỷ đồng, trong tổng số hơn 30 tỷ đồng.
Nhiều chủ đầu tư khác cũng trong tình trạng “chây ì” không trả phí bảo trì cho ban quản trị, như: Công ty Cổ phần May Thăng Long, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư số 250 Minh Khai (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); Công ty Sản xuất thương mại BMM, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư BMM (phường Phúc La, quận Hà Đông); Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 - Vinaconex, chủ đầu tư chung cư nhà B Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm)...
Trước đó, sở Xây dựng TP.Hà Nội cũng đã công khai danh sách 9 chủ đầu tư chây ì bàn giao phí bảo trì gồm Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng số 18 (COMA 18); Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (Vinaconi)…
Không chỉ dùng dằng trong việc bàn giao phí bảo trì, ở không ít tòa nhà, chính ban quản trị lại “nhập nhèm” số tiền này. Cụ thể, cư dân chung cư cao cấp Sông Hồng Park View (Đống Đa) cho rằng việc sử dụng quỹ bảo trì của ban quản trị nơi đây còn nhiều khuất tất nên đã đấu tranh suốt nhiều năm nay. Có thời điểm, Trưởng ban quản trị - người đứng tên chủ tài khoản quỹ bảo trì trị giá 20 tỷ đồng đã không có mặt tại nhà riêng trong nhiều ngày và điện thoại không liên lạc được nên cư dân đã gửi đơn trình báo đến cơ quan công an.
Tại TP.HCM, phát biểu tại hội nghị chuyên đề công tác quản lý nhà nước về chung cư trên địa bàn TP, lãnh đạo sở Xây dựng TP.HCM công bố 31/44 chung cư có tranh chấp phí bảo trì.
TP.HCM đề xuất bỏ phí bảo trì chung cư
Sau quá nhiều xung đột tại các chung cư trên địa bàn liên quan đến số tiền 2% phí bảo trì, mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất bỏ khoản phí này để tránh gây rắc rối.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhận định tranh chấp tại các chung cư nếu không được giải quyết có thể sẽ dẫn đến phát sinh những bất ổn xã hội. Trước tình hình này, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng: Tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư thời gian vừa qua phần nhiều liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì. Nếu luật pháp vẫn buộc thu khoản phí này sẽ tiếp tục phát sinh tranh chấp không biết đến bao giờ mới kết thúc. Do đó, nên bỏ khoản phí này khi người dân mua nhà.
Lý giải về điều này, ông Hải nói: “Không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu, mà có thể thực hiện đóng hằng năm; hoặc nếu phát sinh vấn đề cần phải có chi phí, cư dân sẽ đóng góp. Khảo sát ở nhiều nơi, nước ngoài cũng có nơi chia nhỏ khoản này ra thu hằng tháng, hằng quý cùng với phí quản lý. Khi kinh phí vận hành sử dụng hết, số dư ra sẽ lập quỹ để bảo trì”.
Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này còn nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khi trao đổi với báo chí về vấn đề phí bảo trì chung cư, từng nhận định việc tài khoản của 2% phí bảo trì nên chỉ có một người trong ban quản trị làm chủ tài khoản dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân.
Để tránh bất cập, tranh cãi, ông Châu cho rằng luật cần quy định rõ chủ tài khoản của ban quản trị chung cư phải có từ hai người trở lên làm làm đồng chủ tài khoản để tránh trường hợp lạm quyền, trục lợi. Trong đó nên có một thành viên trong ban quản trị là đại diện của chủ đầu tư và người này cũng phải có tên trong tài khoản của ban quản trị để cùng giám sát số tiền này.
Trong khi đó, ông Phan Thành Hưng, Phó Chủ tịch Cengroup cho rằng: “Nếu như chúng ta không quản lý được lại đề xuất bỏ, cấm, dừng thì không nên. Thực ra, kinh phí bảo trì là rất tốt. Vấn đề là chúng ta phải quản lý nó theo cách như thế nào cho đúng”.
Theo ông Phan Thành Hưng, thông thường, chủ đầu tư các dự án đã thu quỹ bảo trì thì phải có trách nhiệm bàn giao cho cư dân và phải có sự giám sát của cơ quan nhà nước. Các quy định của pháp luật đã đầy đủ, do vậy vấn đề chính là các bên liên quan có thực hiện đúng hay không. Đơn cử như, luật quy định đơn vị nào không bàn giao thì phải tổ chức cưỡng chế. Nhưng trên thực tế, chưa có chung cư nào bị cưỡng chế tài khoản.
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng lại nêu bất cập, quy định hiện hành Nhà nước sẽ cưỡng chế, buộc phải đóng nhưng gần như các chủ đầu tư không có tiền mặt trong tài khoản.
“Muốn cưỡng chế bằng tài sản khác thì phải định giá tài sản nhưng chưa có quy trình nên chưa thể thực hiện được” - ông Hải phân tích. Trên thực tế, từ khi Luật Nhà ở năm 2015 có hiệu lực đến nay, chưa có trường hợp nào cưỡng chế bằng tài sản, chủ yếu vẫn là cưỡng chế hành chính.
Dù luật đã có nhưng thực tế bài toán 2% phí bảo trì chung cư vẫn còn quá nhiều bất cập. Giữ hay bỏ, bỏ hay giữ, quản lý thế nào vẫn là câu hỏi chờ cơ quan chức năng xem xét.
Lê Lan