Từ khoảng đầu tháng 8, thời điểm học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội chính thức quay trở lại với trường học để chuẩn bị cho một năm học mới cũng là thời điểm lực lượng công an TP.Hà Nội vất vả hơn cả vì phải tăng cường quân số để đảm bảo an toàn giao thông. Lỗi vi phạm chủ yếu của các đối tượng tham gia giao thông này là không đội mũ bảo hiểm, không đủ tuổi, không giấy tờ và vượt đèn đỏ. Đặc biệt, địa bàn xử phạt được nhiều học sinh, sinh viên vi phạm là Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai...
Thực tế, rất nhiều học sinh các trường THPT thường sử dụng xe gắn máy để đến trường. Điều tất nhiên số học sinh này chưa đủ tuổi sử dụng xe gắn máy. Mỗi khi gần giờ tan trường, tại các cổng trường học vang lên bởi những tiếng còi xe inh ỏi với nhiều tiếng còi “lạ” do các em tự chế. Thêm vào đó là các em học sinh thường phá cách bằng việc chế tác xe gắn máy của mình với nhiều nhãn mác “ảo” mang màu sắc lòe loạt khắp thân và yên xe. Dọc các tuyến đường lớn, chúng ta dễ bắt gặp những em học sinh điều khiển các loại xe gắn máy có dán nhãn mác đầu lâu, rồng, đại bàng... Chính điều đó đã gây không ít nhức nhối cho các bậc phụ huynh, nhà trường và cơ quan chức năng.
Theo ghi nhận của PV Người đưa tin, tại các cổng trường THPT trên địa bàn TP.Hà Nội, vào thời điểm tan trường lúc 11h sáng và 17h chiều, hầu hết các em học sinh sử dụng xe gắn máy đều không đội mũ bảo hiểm và chở ba, bốn trên đường về nhà. Chuông tan trường vừa dứt, đoạn phố Nguyễn Phúc Lai (Ô Chợ Dừa) đông nghẹt bởi học sinh trường THPT bán công Đống Đa đổ ra. Năm nay, nhà trường tổ chức học ca tối nên học sinh đi xe máy càng nhiều. Như chưa từng nghe nói đến lệnh cấm, nhiều học sinh trường này vẫn vô tư chạy xe gắn máy.
Sự “giúp sức” của chủ các bãi xe xung quanh trường, lập nên những bãi xe “lậu” là một trong những nguyên do cốt yếu “giúp” các em vi phạm. Những bãi xe “lậu” này nằm cạnh các trường, tuy lấy giá cao nhưng lại thoải mái về giờ giấc, dễ dàng lấy xe mà không bị ai dòm ngó. Đó là chỗ “dung thân” duy nhất của “xế 9x”.
Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, đội trưởng Đội CSGT số 6 cũng phản ánh, chuyện học sinh vi phạm đi xe máy tới trường không phải là gia đình không biết, nhà trường không biết. Bởi, hiện nay nhiều gia đình có điều kiện mua xe cho con đi học để chúng đỡ vất vả ngay từ khi mới vào bậc THPT. Điều này coi như đã gián tiếp tiếp tay cho con vi phạm luật giao thông, còn nhà trường thì chưa xử lý nghiêm. Sự phối hợp thiếu chặt chẽ này nếu không sớm khắc phục sẽ khó lòng ngăn chặn lỗi vi phạm. Bên cạnh đó, nhiều phường trên địa bàn Hà Nội cũng đã ra thông báo đề nghị các điểm trông giữ xe không nhận xe của học sinh nhưng vì lợi ích không ít người vẫn cố tình lờ, thậm chí, nhiều chủ bãi giữ xe còn tỏ thái độ khó chịu khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này.
Một trong những nỗ lực của trường THPT Việt Đức được cho là hiệu quả, khi nhà trường đã quán triệt tới các em học sinh rất rõ ràng ngay từ ngày đầu năm học về quy định không được điều khiển xe máy tham gia giao thông. Thậm chí, ngay cổng trường cũng đã có bản nhắc nhở của hội phụ huynh học sinh để bất cứ em nào cũng có thể thấy được. Trách nhiệm đầu tiên khi học sinh đi xe máy là từ chính gia đình. Vì vậy, khi các em vi phạm sẽ được nhắc nhở yêu cầu phải tuân thủ luật giao thông. Đồng thời, nhà trường cũng mời phụ huynh tới phê bình về trách nhiệm của gia đình.
Trao đổi với PV Người đưa tin, thượng tá Trần Ngọc Ánh, đội trưởng Đội tham mưu (PC67 Công an TP.Hà Nội) nhận định, theo quy định, tất cả các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông sau khi bị công an phát hiện thì đều được gửi danh sách về trường để nhà trường phối hợp xử lý, rồi nhà trường gửi lại thông báo cho cơ quan công an. Chính vì thế, cần phải có sự quan tâm hợp tác từ gia đình, nhà trường để tăng cường tính răn đe, xử phạt.
Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ cũng cho biết, với sự thành lập của các đội công tác, xử lý học sinh, sinh viên vi phạm an toàn giao thông, trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ xử lý những học sinh đi xe máy đến trường. Bên cạnh đó sẽ giám sát chặt chẽ hơn nhằm giải quyết triệt để tình trạng này.
“Đối với những người vi phạm luật giao thông nằm trong Thông tư 02 của Bộ Công an, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra lại kiến thức Luật Giao thông. Việc làm này sẽ góp phần răn đe, trấn áp một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông đang “nhờn luật” khi tham gia giao thông”, đại tá Nguyễn Duy Ngọc - trưởng phòng PC67 CA TP.Hà Nội khẳng định. |
Tuân Đức