Nhức nhối vấn đề trợ giúp cho người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em bị bạo hành

Nhức nhối vấn đề trợ giúp cho người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em bị bạo hành

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 06/08/2019 20:02

Nhiều câu hỏi liên quan tới chế độ, chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật được các đại biểu nêu tại phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật.

Xem xét hạ độ tuổi người cao tuổi hưởng trợ cấp

Sáng 6/8, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 14, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật.

Chịu trách nhiệm giải trình chính là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Tin nhanh - Nhức nhối vấn đề trợ giúp cho người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em bị bạo hành

Toàn cảnh phiên giải trình.

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho hay bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi và người khuyết tật cho thấy vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: Mức trợ cấp còn thấp; một số người cao tuổi và người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, việc làm; nguồn lực bố trí cho các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội còn hạn chế; một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật; năng lực cán bộ cơ sở làm công tác trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội hết sức quan trọng này…

Là cơ quan của Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Luật Người cao tuổi và Luật Người khuyết tật, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên giải trình nhằm đánh giá trách nhiệm của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương trong thực hiện công tác người cao tuổi, người khuyết tật, qua đó có căn cứ và cơ sở thực tiễn nhằm điều chỉnh chính sách và tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với già hóa dân số và tình trạng khuyết tật ngày càng gia tăng, thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền của đối tượng yếu thế nói chung và người cao tuổi, người khuyết tật nói riêng.

Tin nhanh - Nhức nhối vấn đề trợ giúp cho người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em bị bạo hành (Hình 2).

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh bày tỏ: “Phiên giải trình là diễn đàn mở với sự tham gia của nhiều bên nhằm mục đích công khai, minh bạch trước cử tri và nhân dân cả nước về thực trạng quản lý nhà nước trong công tác người cao tuổi, người khuyết tật; làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Qua đó, thống nhất về nhận thức và đồng thuận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật trong thời gian tới; từng bước tháo gỡ các khó khăn, phòng ngừa và tiến tới gỡ bỏ các rào cản trên con đường bao vệ, bảo đảm và thực thi quyền của người cao tuổi, người khuyết tật để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước”.

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận thực tế triển khai các hoạt động của một số bộ, ngành, địa phương với công tác người cao tuổi còn chậm, chưa chủ động lồng ghép các hoạt động của ngành với công tác người cao tuổi. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi, thiếu quan tâm chỉ đạo, chưa xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể còn coi công tác người cao tuổi chỉ là hoạt động phong trào, nhân đạo, từ thiện; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là ở một số địa phương miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Đời sống của người cao tuổi và người khuyết tật còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước trong khi mức trợ cấp xã hội còn thấp, chỉ bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% so với chuẩn nghèo nông thôn. 

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu cho người cao tuổi, người khuyết tật còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đúng mức. Rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại cho người khuyết tật là một trong những vấn đề khó khắc phục, nhất là khu vực đô thị, khó bảo đảm lộ trình bảo đảm tiếp cận giao thông và công trình công cộng theo quy định của Luật Người khuyết tật.

Phát biểu sau phần giải trình của bộ trưởng Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong nêu vấn đề nhiều cử tri đề nghị về việc giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội với người cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Quan điểm của bộ LĐ-TB&XH như thế nào?

Một vấn đề liên quan tới chính sách khởi nghiệp với người cao tuổi. Nhiều người cao tuổi cũng rất có nhu cầu để vay vốn, để khởi nghiệp, để sản xuất, để định hướng phát triển kinh tế gia đình nhưng gần như chúng ta chưa có chính sách nào có thể giúp người cao tuổi tiếp cận với dòng vốn để phát triển kinh tế. Chúng ta nên tính toán chính sách giúp cho người cao tuổi và gia đình của họ hay không?

Nhiều đại biểu khác trong phiên giải trình cũng đặt các câu hỏi xoay quanh các chính sách, mức trợ cấp xã hội, các chính sách liên quan tới người khuyết tật.

Tin nhanh - Nhức nhối vấn đề trợ giúp cho người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em bị bạo hành (Hình 3).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại phiên giải trình.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ nhất trí với quan điểm các đại biểu về việc nâng mức trợ cấp xã hội với người cao tuổi và người khuyết tật. Cố gắng sớm nhất cuối năm nay sẽ báo cáo Chính phủ xem xét vấn đề này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cũng đồng tình với việc xem xét độ tuổi người cao tuổi từ 80 xuống 75. Nhưng, để thực hiện việc này cần phải sửa Luật hoặc cần có Nghị quyết về vấn đề này mới có thể thực hiện được.

Cũng bày tỏ ý kiến của mình về những chính sách cho người khuyết tật, bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch hội bảo trợ người khuyết tật trẻ em mồ côi TP.HCM cho rằng, người khuyết tật không trông chờ vào vấn đề trợ cấp xã hội mà trông chờ vào các chính sách của nhà nước tạo cho người khuyết tật có điều kiện vươn lên. Cho nên, trợ cấp xã hội có nâng lên nữa thì cũng chưa thấm vào đâu. Vì thế, bà đề nghị nghiên cứu các chính sách làm sao tạo điều kiện để người khuyết tật hoà nhập, tự vươn lên bằng chính sức lao động của mình. 

“Chúng tôi kiến nghị nên tạo điều kiện cho người khuyết tật có thể học được một nghề, ngoài các trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật thì vấn đề dạy nghề trong các cơ sở sản xuất theo dạng dạy nghề, truyền nghề rất quan trọng. Thay vì trợ cấp xã hội thì có thể dạy nghề”, bà Hoàng Thị Khánh nêu.

Giải pháp nào cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại? 

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đặt câu hỏi: “Về vấn đề bảo đảm an toàn cho người khuyết tật, trong vấn đề bạo lực xâm hại tình dục. Theo báo cáo, kể cả báo cáo của bộ Văn hoá cũng nói trong năm 2018 có khoảng 1.500 người là nạn nhân của bạo lực gia đình, các báo cáo của hội người cao tuổi cũng đề cập đến vấn đề này. 40% phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật đã từng ít nhất một lần bị bạo lực. Đề nghị bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch, bộ LĐ-TB&XH cho biết giải pháp, kế hoạch để bảo vệ đối tượng phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật?”.  

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Về bạo lực xâm hại phụ nữ trẻ em nhiều nơi, chúng ta có đầy đủ chính sách hỗ trợ nhưng nhiều địa phương không biết, tổ chức thực hiện chính sách mơ hồ. Vừa rồi, tôi có đi kiểm tra cùng một số đoàn, 2/3 số phụ nữ trẻ em bị xâm hại là không được trợ giúp, có hỏi lý do vì sao không được trợ giúp thì xã nói không nắm được.

Câu chuyện về bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em thì vừa qua Uỷ ban Tư pháp đã tiến hành mấy phiên giải trình, chúng ta cũng chất vấn trước Quốc hội về vấn đề này. Thời gian gần đây tôi cũng biết, Quốc hội lập 3 đoàn giám sát tối cao về chống xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có người khuyết tật.

Tuy nhiên, tinh thần chung giải quyết vấn đề này là đối với việc phòng chống xâm hại bạo lực đối với phụ nữ trẻ em, tôi đề nghị xử lý một cách nhanh nhất đối với các vụ bạo lực, xâm hại được phát hiện.

Thêm nữa, có thể đối với bạo lực, xâm hại tình dục ở trẻ có những yếu tố, chứng cứ khó hơn so với các lĩnh vực vi phạm khác nhưng cần áp dụng các chế tài một cách nghiêm minh nhất.

Cần hỗ trợ những người bị xâm hại, bị bạo lực. Nhân chuyện này, phải làm bài bản hơn, căn cơ hơn và có lẽ phải xây dựng một đề án về phòng chống, bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em”

“Phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội về người cao tuổi, người khuyết tật”, bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.