Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 4, 01/06/2022 15:04

Bất kỳ ai cũng có thể mắc hoặc lây bệnh đậu mùa khỉ nhưng có những trường hợp dễ bị mắc bệnh và nguy cơ cao chuyển nặng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền, bị suy giảm miễn dịch nguy cơ cao mắc đậu mùa khỉ. Nhóm người này cũng có triệu chứng nghiêm trọng hơn và nguy cơ tử vong cao khi mắc bệnh này. Ngoài ra, cán bộ, nhân viên y tế cũng có nguy cơ cao phơi nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian dài hơn.

Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh, bất cứ ai tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ mắc bệnh cao.

Người từng tiêm vắc-xin đậu mùa vẫn có khả năng được bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng hoạt động tiêm chủng vắc-xin đậu mùa tạm dừng từ rất lâu kể từ khi căn bệnh này được thanh toán năm 1980. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả khi đã tiêm vắc-xin đậu mùa, mọi người vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân và người khác.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM cho biết, vắc-xin phòng bệnh đậu mùa đã có từ lâu và nhiều người đã được tiêm. Theo một nghiên cứu, vắc-xin đậu mùa có tác dụng hơn 80% với bệnh đậu mùa khỉ.

Ngày nay còn một số hãng nghiên cứu và phát triển vắc-xin đậu mùa nhưng rất ít. Tuy vậy, bác sĩ Khanh cho rằng, hiện người dân chưa cần tiêm vắc-xin phòng đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ trước đây chỉ mang tính chất cục bộ, bùng phát thành từng cụm nhỏ. Do tính đặc thù của bệnh cũng như virus gây bệnh khá nhẹ nên mọi người chưa cần nghĩ tới việc tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ thời điểm hiện tại.

"Theo tôi, ở giai đoạn hiện nay, người dân nên lắng nghe những thông tin chính thống từ Bộ Y tế để biết những biện pháp phòng bệnh từ sớm, tránh nguy cơ lây lan”, bác sĩ Khanh chia sẻ với VTC.

Hôm 23/5, WHO cũng cho biết không cần thiết phải tiêm chủng hàng loạt để ngăn sự gia tăng đột biến các ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, với tốc độ bùng phát và chưa rõ nguyên nhân của bệnh, cơ quan y tế này kêu gọi mọi người thực hành vệ sinh tốt và quan hệ tình dục an toàn để giúp kiểm soát sự lây lan của bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) và WHO, để giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ bạn cần:

- Tránh tiếp xúc với những người gần đây được chẩn đoán nhiễm virus đậu mùa khỉ hoặc những người đã bị nhiễm bệnh.

- Đeo khẩu trang nếu bạn tiếp xúc gần với người có triệu chứng.

- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và theo dõi các triệu chứng nếu gần đây bạn đã thay đổi bạn tình.

- Tránh tiếp xúc với động vật có thể mang virus, bao gồm động vật bị bệnh hoặc chết và đặc biệt là những động vật có tiền sử nhiễm bệnh, chẳng hạn như khỉ, động vật gặm nhấm và chó đồng (cầy thảo nguyên).

- Thực hành tốt vệ sinh tay như rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Sử dụng đồ bảo hộ cá nhân khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

- Chỉ ăn thịt động vật đã được nấu chín kỹ, rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.

Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây truyền qua các bề mặt và vật dụng, vì vậy bạn nên tránh chạm vào các đồ dùng đã tiếp xúc với người hoặc động vật bị bệnh.

Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết: “Đây là một loại virus siêu bền bên ngoài vật chủ là con người, vì vậy nó có thể sống trên các vật thể như chăn, ga trải giường, khăn mặt,…”.

“Bạn cần thường xuyên giặt quần áo và ga trải giường ở nhiệt độ cao”, ông Emmanuel Andre, giáo sư y khoa tại Đại học Ku Leuven của Bỉ, khuyến nghị.

Nếu nghi ngờ bản thân đã mắc bệnh đậu mùa khỉ, bạn nên cách ly bản thân và không tiếp xúc cơ thể với những người khác, sau đó nên đi khám kịp thời.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng tấy và đau lưng. Các vết phát ban và tổn thương sau đó thường nổi lên trên mặt, bàn tay, bàn chân, mắt, miệng hoặc bộ phận sinh dục trong vòng 1 – 5 ngày. Các nốt phát ban đó sẽ chuyển thành những nốt sần nổi lên và sau đó là mụn nước - chứa chất dịch màu trắng trước khi vỡ ra và đóng vảy.

Tuy nhiên, nhiều triệu chứng của bệnh này có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn như thủy đậu, mụn rộp hoặc giang mai, do đó, xác nhận y tế là rất quan trọng. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ, bạn sẽ cần phải cách ly cho đến khi khỏi bệnh. Bệnh thường nhẹ và hầu hết mọi người khỏi bệnh trong vòng 2 – 4 tuần. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh lưu ý, bạn có thể sẽ cần phải ở lại bệnh viện chuyên khoa để ngăn ngừa bệnh lây lan sang người khác.

Minh Hoa (t/h theo VTC, VOV)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.