Người Huế hay ví von: Chợ 30 Tết là chợ của người nghèo. Bởi đa số những gia đình khác đều chủ động sắm tết từ trước, chỉ bớt lại ít rau quả và hoa tươi cho ngày cuối cùng thì vẫn còn những người chờ đến ngày 30 hàng hóa hạ giá hết mức mới ra mua.
Theo báo Thanh Niên, hoa giấy của làng Thanh Tiên (Huế), thường được bán từ trước 23 tết để người mua về thay hoa trên bếp cúng đưa ông Táo. Những cành hoa giấy hiếm hoi còn sót lại đến trưa 30 tết được bán lỗ 8.000 đồng/cặp (giá trước đó là 10.000 đồng).
Chợ chiều 30 vẫn đầy đủ hoa lay ơn, bánh tét, chè nấu sẵn, gà làm sạch, chuối cau, thịt cá… Nhưng những tảng thịt heo làm từ sáng sớm đã chuyển màu ôi tái, vài ba cành hoa nở đã quá độ, cả người bán và người mua đều muốn mua nhanh bán vội để về sum họp bên mâm cơm chiều cuối cùng của năm.
Người bán còn nán lại đến chiều 30 đa số cũng là những người nghèo, bởi nếu "ôm" hết số hàng tồn về nhà đồng nghĩa với cái Tết sẽ có phần thiếu hụt.
Báo Tiền Phong vừa thông tin, trong ngày cuối cùng trước khi bước sang năm mới, mặc dù đã giảm giá "kịch kim" nhưng hàng nghìn cành đào, gốc đào, chậu quất… tại các chợ hoa xuân Tết 2019 khu vực Hà Nội rơi vào tình cảnh “bán mãi không ai mua”.
Thời tết ấm nóng về ban ngày khiến đào bung nở khi mà Tết chưa đến khiến đào rớt giá. Đến ngày cuối cùng, những người làm nghề "đánh bạc với trời" chỉ hy vọng sẽ bán được ít để thu lại được vốn liếng ban đầu đã bỏ ra.
Một tiểu thương chia sẻ: "Những ngày đầu tôi bán với giá 500.000đ một cây giờ chỉ còn 100.000đ thôi. Mong lấy lại được vốn ban đầu".
Cũng theo báo Tiền Phong, trong ngày 30 Tết, khá đông người dân vẫn đổ ra phố Chùa Bộc - phố mua sắm sầm uất nhất ở Hà Nội, để săn những món hàng hạ giá “đổ đầy” vỉa hè giá từ các cửa hàng thời trang.
Như đã thành quen, rất nhiều người tiêu dùng đợi đến ngày cuối cùng để mua vì sẽ được giá tốt nhất.
Tuy nhiên bên cạnh những người bán hàng nán lại để mong bán rẻ cho hết hàng thì theo báo VietnamNet, rất nhiều tiểu thương thẳng tay đập bỏ, chặt gốc hoa đào và quất đem về, không bán rẻ chiều 30 Tết.
Đó là cảnh tượng đang diễn ra ở chợ hoa Gia Định (TP.Hồ Chí Minh). Cảnh mua bán khẩn trương hơn giữa trưa khi ban quản lý chợ hoa liên tục phát loa thông báo các tiểu thương chuẩn bị hoàn trả mặt bằng.
Anh Sơn – một tiểu thương cho biết, những chậu cúc trước đó bán 12 triệu nay phải hạ xuống 3-4 triệu, những chậu họa loại nhỏ cũng hạ giá xuống dưới 50% nhưng nhiều người vẫn cố ép giá. "Tôi chấp nhận bán hòa vốn hoặc lỗ một chút, tuy nhiên giá thấp quá thì nhất định không bán, thà đập bỏ", anh Sơn nói.
"Xót lắm nhưng tôi không còn cách nào khác vì giờ giao mặt bằng đã đến"- một người bán quất kiểng xót xa.
Trong khi đó, một người bán quất cảnh khác là anh Minh Sơn (Bến Tre) cho hay: “Mình bán rẻ thì năm sau người dân lại canh đến 30 Tết mới đi mua thì chỉ có nước khóc ròng".
H.Y (tổng hợp)