Tết Đoan ngọ (còn gọi là tết giết sâu bọ), diễn ra vào ngày mùng 5/5 âm lịch, là ngày tết truyền thống của người dân nhiều nước Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên...
Trong ngày Tết Đoan Ngọ cơm rượu nếp là món ăn được nhiều gia đình người Việt lựa chọn vì theo quan niệm của người xưa, trong hệ tiêu hóa của con người có nhiều loại sâu bọ, ký sinh trùng lưu trú, nếu không diệt trừ thì chúng sẽ sinh sôi ngày càng nhiều gây hại cho cơ thể.
Cơm rượu nếp được chế biến bằng cách nấu chín gạo nếp sau đó để nguội và ủ với men rượu trong 3 -4 ngày. Thành phẩm thu được là rượu cái có vị cay, ngọt, mùi thơm đặc trưng của rượu và hơi ướt.
Theo y học cổ truyền, cơm rượu có tính nóng, nên vào ngày mùng 5/5 âm lịch (là ngày cực dương, ngày sâu bọ sinh sôi nhiều nhất, bao gồm ký sinh trùng trong cơ thể con người), người ta thường ăn cơm rượu để ngăn những ký sinh trùng này có cơ hội phát triển.
Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Xuân Thắng (Trưởng khoa y học cổ truyền - phục hồi chức năng bệnh viện Nhân dân 115), nhiều nghiên cứu đã chỉ ra cơm rượu có tác dụng giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch, thúc đẩy tiêu hóa, tăng cường trao đổi chất, bổ sung sắt, ngăn ngừa thiếu máu, làm đẹp da…
Tuy nhiên, cơm rượu nếp không phải là món ăn thích hợp với tất cả mọi người, nhất là người có thể trạng nóng.
Theo y học cổ truyền, người không cân bằng giữa âm và dương là người có thể trạng nóng. Phần âm không lấn át được phần dương và biểu hiện nóng trội lên.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng này là cảm giác nóng, ngủ không yên, bứt rứt, hay nổi mụn, nước tiểu vàng, lưỡi đỏ không có rêu lưỡi hoặc rêu lưỡi vàng,…
Người có thể trạng nóng không nên ăn cơm rượu vì càng làm cho tình trạng trên trở nên tồi tệ, một số người có thể xuất hiện nhiều mụn trứng cá hơn.
Ngoài ra, các đối tượng nên hạn chế ăn cơm rượu nếp trong ngày Tết Đoan Ngọ là trẻ nhỏ, người đang gặp các vấn đề về dạ dày, bệnh nhân bị dị ứng, người mắc bệnh chàm, người nổi nhiều mụn trứng cá hoặc mụn nhọt.
Minh Hoa (t/h)