Mới đây, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Đào Ngọc Dung đã trình bày những nội dung sơ bộ của đề án Cải cách Bảo hiểm xã hội (BHXH). Đề án này sẽ được hội nghị Trung ương 7 cho ý kiến vào tháng Năm tới.
Cụ thể, có 2 phương án được trình ra. Phương án 1, lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 và lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án 2, nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.
Những thông tin này ngay lập tức lại khiến dư luận nóng lên. Bởi đây không phải lần đầu tiên bộ LĐ,TB&XH đưa đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu này ra bàn luận.
Thực tế, để đạt được độ tuổi nghỉ hưu như hiện tại (nam 60 và nữ 55), với nhiều người không phải là đơn giản.
Những người công nhân gắn bó với công việc đứng máy sản xuất cả ngày, họ đứng cả tuổi trẻ của mình, đứng thêm 5 năm là nhiều vấn đề kéo theo, trong đó có cả sự suy giảm về sức khỏe. Có lẽ sẽ có, nhưng không phải là phổ biến vì để đạt được đến tuổi nghỉ hưu là 60, nhiều lao động nữ sẽ phải rất nhọc nhằn. Hành trình dài ấy, liệu họ có đủ khỏe mạnh để vượt qua? Hay đơn giản là những nhân viên tại các công ty môi trường, cấp thoát nước, họ - dù là nữ 60 tuổi hay nam 65 tuổi, cũng rất khó khăn.
Hoặc với những công chức cả đời cống hiến cho sự nghiệp, không ham vinh hoa phú quý, không mảy may vơ vào lòng mình cho đầy túi tham, thì chắc hẳn, họ cũng không muốn gắn bó lâu với cuộc sống gò bó, tranh giành. Họ muốn về hưu sớm hơn cả những công nhân kia thì sao?
Lý do của những lần đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đều na ná giống nhau. Sợ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, sợ chế độ hiện hành đang thiếu công bằng. Trong lần giải trình mới đây trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thẳng thắn so sánh: “Không có đất nước nào thiết kế chính sách hào phóng như vậy, đóng ít hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng dài, ngoài hưởng phần Nhà nước hỗ trợ, lại hưởng cả phần doanh nghiệp đóng”. Đây cũng chính là một trong những lý do để tăng tuổi nghỉ hưu theo 2 phương án kể trên.
Mặc dù Bộ trưởng bộ LĐ,TB&XH trấn an dư luận rằng, “cả 2 phương án đều được điều chỉnh có lộ trình để tránh gây sốc cho xã hội”, nhưng vẫn còn đó rất nhiều điều lo lắng.
Tôi tự hỏi, với bộ máy còn đang cồng kềnh như hiện nay, kéo dài tuổi nghỉ hưu liệu có giải quyết thực sự được tất cả những vấn đề thực tế đang đặt ra? Sử dụng quỹ bảo hiểm như thế nào, cân đối nó là việc của các nhà làm chính sách, nhưng người lao động cần có sự rõ ràng hơn trong chế độ với riêng họ.
Nhiều công ty hiện nay đã và đang bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tiến tới có thể không cần đến nhiều lao động mà hoàn toàn nhường lại công việc cho máy móc, kể cả sự "chỉ đạo", quản lý. Như vậy thì sự đào thải với những công nhân này là nguy cơ hiện hữu. Làm sao họ không lo lắng cho được?
Các công ty sẽ tuyển lao động trẻ bằng cách nào khi thu nhập hàng tháng của mỗi công nhân không đủ để chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày của bản thân họ? Chúng ta bước vào giai đoạn dân số vàng, cũng có nghĩa là nguồn nhân lực rất dồi dào. Vậy, kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu thì việc bố trí việc làm cho họ sẽ ra sao? Có đảm bảo công việc cho số lượng vốn đã hùng hậu lại được kéo dài thêm từ 2-5 năm nữa?
Với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu này, có lẽ chỉ những người chọn nghề công bộc thanh cao nhưng lại gục ngã trước điều toan tính, lóa mắt trước phú quý, hư danh, sa ngã trong vòng xoáy quyền lực, tha hóa, biến chất... sẽ muốn bám víu mãi vào một chiếc ghế mà không chịu nhường đường cho "tuổi trẻ, tài cao". Cũng có thể, họ còn muốn tăng tuổi nghỉ hưu vượt qua tuổi 65, lên 70 và lên cao nữa, cao mãi.
Rõ ràng, để có được một giải pháp tối ưu thì các cơ quan chức năng phải tính toán nhiều thêm nữa. Phải có một lộ trình chi tiết hơn, cụ thể hơn, hợp lý để không đánh đồng giữa những lao động khu vực công và khu vực tư, để làm sao hài hòa mong muốn của tất cả mọi người.
Cần có ý kiến cá nhân của chính người lao động, công chức, viên chức sẽ chịu ảnh hưởng từ những chính sách này, để họ lên tiếng là thực tế nhất.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.