Những án tù bất hạnh của gia tộc Bạc Hy Lai

Những án tù bất hạnh của gia tộc Bạc Hy Lai

Thứ 2, 09/09/2013 06:39

Vụ xét xử Bạc Hy Lai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, Trung Quốc đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong thời gian gần đây. Liệu những tội danh tham ô, nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền của Bạc Hy Lai có thành án hay không vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Tuy nhiên, lật giở lịch sử của gia tộc họ Bạc, người ta sẽ thấy rằng, dường như có một “lời nguyền” tù tội đối với gia tộc của Bạc Hy Lai - người từng một thời được coi là ngôi sao sáng trên chính trường Trung Quốc…
Từ bản án oan của cha ruột
Thực tế, Bạc Hy Lai không phải là một người xuất thân “tầm thường”. Cha của Bạc Hy Lai là Bạc Nhất Ba - một nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một “công thần lập quốc” từng tham gia cách mạng Trung Quốc từ những ngày đầu, cùng thế hệ với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Theo những tài liệu được công khai, Bạc Nhất Ba sinh năm 1908 tại tỉnh Sơn Tây.
Tới năm 1925, 17 tuổi, Bạc Nhất Ba gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thời gian đầu, Bạc Nhất Ba chủ yếu làm công tác binh vận, do vậy nhiều lần bị bắt giam vào ngục. Tới năm 1946, khi cuộc nội chiến Trung Quốc nổ ra, Bạc Nhất Ba bắt đầu giữ những chức vụ lãnh đạo trong quân đội.
Năm 1949, sau khi cuộc nội chiến kết thúc với phần thắng lợi thuộc về Đảng Cộng sản ở Trung Quốc, Bạc Nhất Ba trở thành một trong những gương mặt chủ chốt của chính quyền Trung Quốc mới. Bạc từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, từ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc gia kiêm Phó Thủ tướng Quốc vụ viện.
Năm 1963, Bạc Nhất Ba được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Quốc gia, tham gia hoạch định Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 của Trung Quốc. Đây có thể nói là thời kỳ đỉnh cao quyền lực của chính trị gia họ Bạc. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cuộc Cách mạng Văn hóa “long trời lở đất” nổ ra đã kéo Bạc Nhất Ba vào vòng lao lý.
Cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông lãnh đạo nhằm mục đích loại bỏ các thành phần “tư sản tự do”, tuy nhiên, thực chất là để Mao Trạch Đông lấy lại quyền kiểm soát Đảng Cộng sản Trung Quốc sau cuộc Đại nhảy vọt bị thất bại dẫn đến sự tổn thất quyền lực đáng kể của Mao so với đối thủ chính trị là Lưu Thiếu Kỳ, và cũng để loại bỏ những người bất đồng ý kiến như Đặng Tiểu Bình hay Bành Đức Hoài,... Bạc Nhất Ba cũng là một đối tượng bị “loại bỏ”. Hồng vệ binh - lực lượng chính của cuộc Cách mạng Văn hóa liệt Bạc Nhất Ba vào “Tập đoàn 61 tên phản Đảng” và kết án Bạc 12 năm tù giam.
Bản án oan khuất của Bạc Nhất Ba cũng kéo theo sự liên lụy của tất cả các thành viên gia đình họ Bạc. Bà Hồ Minh - vợ ông Bạc Nhất Ba, mẹ ruột của Bạc Hy Lai cũng từng bị đấu tố và giam cầm, đầy ải cho tới chết trong nhà giam thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Hai anh trai của Bạc Hy Lai là Bạc Hy Vĩnh và Bạc Hy Thành cũng bị tống giam trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa khiến gia đình họ Bạc tan nát, mỗi người một nơi.
Bản thân Bạc Hy Lai cũng bị đưa ra tòa xét xử trong thời kỳ này. Lúc đó Bạc mới chỉ 17 tuổi, song vì cất giữ những tài liệu về thân thế và quá trình hoạt động cách mạng của cha mình, Bạc Hy Lai đã bị Giang Thanh và “bè lũ 4 tên” vu cáo là “tàng trữ văn kiện bí mật” và kết án 5 năm tù giam.
Trong suốt thời gian ngồi tù, Bạc Nhất Ba vẫn thể hiện sự trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính trị gia thất thế họ Bạc vẫn hằng ngày đọc sách về chủ nghĩa Mác - Lênin cùng các trước tác của Mao Trạch Đông và kiên quyết đấu tranh với bè lũ phản động Lâm Bưu cũng như Giang Thanh và phe cánh.
Tiêu điểm - Những án tù bất hạnh của gia tộc Bạc Hy Lai
Gia đình Bạc Hy Lai những năm 60.
Sự đấu tranh quả cảm và kiên định này có lẽ là lý do khiến Bạc Nhất Ba được Đặng Tiểu Bình cất nhắc sau khi ông được minh oan. Năm 1976, sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Giang Thanh và “bè lũ 4 tên” cũng bị lật đổ, Bạc Nhất Ba được sửa sai và được Đặng Tiểu Bình bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Trung ương, một cánh tay phải đắc lực cho lãnh tụ họ Đặng thời bấy giờ. Tuy nhiên, có lẽ lúc bấy giờ, Bạc Nhất Ba cũng không nghĩ được rằng “lời nguyền” tù tội với gia tộc họ Bạc vẫn chưa kết thúc.
Đến án tử hình của vợ hai
Trong số 3 người con trai của Bạc Nhất Ba, Bạc Hy Lai là người ít năng động nhất, song cũng lại là người thành công nhất. Năm 1977, sau khi trở về Bắc Kinh làm Phó Thủ tướng, Bạc Nhất Ba sắp xếp cho con trai của mình từ nông thôn về Bắc Kinh học đại học. Một năm sau đó, Bạc Hy Lai trở thành nghiên cứu sinh của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Tại đây, Bạc Hy Lai làm quen và nảy sinh tình cảm với Cốc Khai Lai - con gái của Cốc Cảnh Sinh, thiếu tướng không quân Trung Quốc và cũng là một người bạn của Bạc Nhất Ba. Điều oái oăm là khi còn lao động cải tạo ở nông thôn, Bạc Hy Lai đã kết hôn với Lý Đan Vũ - con gái của Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Lý Tuyết Phong và đã có một đứa con trai. Tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn cản được Bạc Hy Lai quyết tâm bỏ vợ, bỏ con theo tiếng gọi của tình yêu với Cốc Khai Lai.Năm 1984, sau 7 năm chung sống, Bạc Hy Lai quyết định đệ đơn ly hôn với Lý Đan Vũ. Cũng trong năm đó, Bạc quyết định kết hôn với Cốc Khai Lai. Cuộc hôn nhân với Cốc Khai Lai đã khiến Bạc trả một cái giá rất đắt. Đầu tiên là sự thù hận của Lý Tuyết Phong - “nhạc phụ đại nhân” của Bạc.
Người ta nói rằng, lúc còn sống, Lý Tuyết Phong từng có lời thề rằng, ngày nào ông còn sống thì Bạc Hy Lai đừng hòng trở lại Bắc Kinh. Nhiều người cho rằng, đây chính là lý do vì sao trong suốt một thời gian dài từ năm 1984 cho tới năm 2004, Bạc Hy Lai cứ “quanh quẩn” ở Liêu Ninh mà không có cách nào về được Bắc Kinh.
Mãi tới năm 2004, sau khi Lý Tuyết Phong qua đời vì bệnh nặng thì Bạc Hy Lai mới được trở lại Bắc Kinh và ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Thương mại. Tới Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17, Bạc Hy Lai được bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Bí thư Trùng Khánh, trở thành “hạt giống đỏ” của thế hệ lãnh đạo thứ 5 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ bản thân Bạc Hy Lai cũng không ngờ được rằng, chỉ vài năm sau đó, không chỉ “giấc mơ lãnh tụ” của mình đã tan tác vì sự “lộng quyền” của người vợ hai mà Bạc đã hy sinh tất cả để cưới về.
Ngày 15.11.2011, Cốc Khai Lai - vợ Bạc Hy Lai đã dùng thuốc độc sát hại doanh nhân người Anh Neils Heywood - một đối tác làm ăn của gia đình Bạc Hy Lai – Cốc Khai Lai trước đây. Nguyên nhân được cho là vì những mâu thuẫn trong chuyện làm ăn và kinh tế.
Tuy nhiên, vụ án sau đó đã bị Vương Lập Quân - Giám đốc Công an Trùng Khánh, cánh tay phải của Bạc Hy Lai giấu nhẹm đi. Mãi tới 28.1.2012, sau khi có trong tay bằng chứng chắc chắn, Vương mới đến thông báo cho Bạc về việc Cốc Khai Lai là kẻ chủ mưu giết Neils Heywood.
Bạc đã nổi nóng, tát Vương rồi ngày hôm sau, tuyên bố cách chức giám đốc công an của Vương. Sợ rằng Bạc Hy Lai sẽ thủ tiêu mình để bảo vệ vợ, Vương Lập Quân đã chạy tới lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, Tứ Xuyên để xin bảo hộ song không thành.
Sau khi Vương Lập Quân bị bắt và khai ra tất cả mọi chuyện, ngày 14 tháng 3 năm 2012, Cốc Khai Lai bị bắt. Tới ngày 20 tháng 8 năm đó, vợ của Bí thư Trùng Khánh bị đem ra xét xử về tội giết người. Kết thúc phiên tòa, Cốc Khai Lai bị tuyên án tử hình nhưng được hoãn thi hành án 2 năm.
Sau khi Cốc Khai Lai bị bắt không lâu, Bạc Hy Lai cũng bị khai trừ khỏi Đảng rồi bị bắt để điều tra về tội tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực ngay trước thềm Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 18 mà trước đó, nhiều người cho rằng Bạc Hy Lai sẽ trở thành gương mặt chủ chốt trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc.
Những cáo buộc tại phiên tòa diễn ra cuối tháng 8 vừa qua có thể khiến Bạc Hy Lai phải đối diện với mức án ít nhất là 15 năm tù giam và cao nhất có thể là án chung thân, thậm chí là tử hình. “Lời nguyền” tù tội dường như vẫn chưa chịu buông tha gia tộc họ Bạc.
Phương Anh
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.