Tội gì cũng có thể bị xử bắn
Ở Triều Tiên có 19 loại tội có thể tử hình. Ngoài 17 tội trạng được quy định trong bộ luật hình sự thì “phản quốc” và “phản bội dân tộc” cũng là lí do chính đáng của tội tử hình. Ngoài ra có rất nhiều tội trạng có “ghi chú” với nội dung sẽ tử hình nếu tình tiết nghiêm trọng dù chỉ là những tội như buôn lậu, làm tiền giả...
Với các quan chức cấp cao thì “thất bại trong cải cách” hay “tham ô” đều có thể là lí do đưa họ ra pháp trường. Đặc biệt, ở Triều Tiên, bất kính, xúc phạm lãnh tụ cũng có thể bị tử hình.
Tóm lại, không ai biết rõ tổng cộng chi tiết có bao nhiêu loại tội sẽ tử hình, chỉ biết rằng xử bắn là việc thường thấy ở Triều Tiên. Triều Tiên cũng là một trong số ít những nước còn lại trên thế giới áp dụng xử bắn công khai.
Cải cách tiền tệ thất bại, Bộ trưởng bị bắn vì… là con địa chủ
Tháng 11/2009, Triều Tiên tiến hành cuộc cải cách tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 1959. Nhưng sau cuộc cải cách, toàn bộ thị trường Triều Tiên tê liệt, giá cả nội địa tăng chóng mặt. Nội bộ Triều Tiên đổ trách nhiệm và chỉ trích lẫn nhau kịch liệt.
Ông Pak Nam Gi (người được khoanh đỏ) bị tử hình vì là con địa chủ.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch Tài chính lúc bấy giờ Pak Nam Gi bị cách chức, và bị nhiếc móc nặng nề trong cuộc “đại tranh luận Trung ương Đảng”. Sau đó ông bị khép vào tội “con trai địa chủ, xâm nhập vào hàng ngũ cách mạng” và bị xử tử hình.
Anh hùng dân tộc cũng bị tử hình bằng 99 phát đạn
Thượng tướng Ryu Kyong là người từng được coi là anh hùng dân tộc, khi ông này đứng sau lên kế hoạch cho vụ bắt giữ hai nữ phóng viên Mỹ ở khu vực sông Tumen biên giới Trung Quốc. Đây là vụ việc đã khiến cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton phải đích thân tới Triều Tiên để làm cái việc mà báo chí nước này mô tả là “cúi đầu xin lỗi” trước lãnh tụ Kim Jong Il. Công lao của Ryu Kyong khiến ông ngay lập tức được phong liền 2 danh hiệu anh hùng dân tộc.
Tháng 11/2010, Ryu Kyong được cử làm đại diện cấp cao của Triều Tiên cùng Hàn Quốc hội đàm bí mật sau sự kiện nã pháo ở đảo Yeonpyeong. Lúc đó hai bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, đồng thời hướng tới một cuộc hội đàm cấp cao.
Những tưởng sẽ được thưởng công, nhưng bất ngờ thay, khi về nước, Ryu Kyong bỗng bị kết tội “tiết lộ bí mật quốc gia” cùng một loạt tội danh như nhận hối lộ, kiếm tiền phi pháp. Báo chí Triều Tiên viết rằng trong lúc Ryu Kyong đi hội đàm, chính quyền đã tịch thu được một lượng tiền cực lớn trong nhà ông. Vị anh hùng dân tộc bỗng chốc trở thành kẻ phản quốc, bị xử bắn công khai bằng 99 viên đạn liên tiếp trước sự chứng kiến của nhiều quan chức cấp cao khác. Những người này sau đó còn bị buộc phải viết lời nhận xét đi kèm lời thề trung thành với đất nước.
Không rõ nguyên nhân sâu xa đằng sau vụ tử hình Ryu Kyong là gì. Chỉ có một số nguồn tin trên báo chí nước ngoài đồn đoán rằng đó là một vụ thanh trừng nội bộ.
Tử hình bằng đạn pháo để “sợi tóc tử tội cũng không còn”
Sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, các vụ tử hình quan chức cấp cao ở Triều Tiên không những không giảm đi mà có vẻ còn có xu hướng tăng lên.
Trong thời gian quốc tang cha mình, Kim Jong Un đã tử hình khoảng 10 cán bộ cao cấp của quân đội Triều Tiên
Báo chí Hàn Quốc đưa tin, ngay trong thời gian quốc tang cha mình, Kim Jong Un đã ra lệnh tử hình Thứ trưởng Quốc phòng và khoảng 10 nhân vật có tên tuổi khác trong quân đội vì “vi phạm kỷ luật”, “bất kính” trong tang lễ lãnh tụ Kim Jong Il. Thậm chí Thứ trưởng Quốc phòng Kim Chol còn bị tử hình bằng đạn pháo, với phán xét “không được để sót lại dù một sợi tóc của tử tội” chỉ vì ông này uống rượu và cười cợt trong thời gian tang lễ.
Tuy nhiên, phía Triều Tiên chưa bao lên tiếng xác nhận hoặc phủ nhận những thông tin này.
Theo Trí Thức Trẻ