Theo thống kê của cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (bộ Lao động - Thương binh và xã hội), ở Việt Nam có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của bộ Công an nghiên cứu đối với 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy, khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ. Trong đó, số em bị bố đánh chiếm 23% - gấp 5 lần tỉ lệ bị mẹ đánh.
Bên lề hội thảo "Bạo hành trẻ em - hỗ trợ chăm sóc và điều trị tổn thương mắt", GS.Bruce Moore - Chuyên gia khúc xạ Nhãn nhi, đại học Nhãn khoa New England (Mỹ) cho biết, một số hành vi đối với trẻ em có thể tác động và gây ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và thị giác của trẻ nhỏ như hội chứng rung lắc ở trẻ nhỏ có thể như, khiến trẻ bị giảm thị lực và mù lòa.
Ngoài ra, cũng theo GS.Bruce Moore, với những thương ở mắt do bạo hành có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng như: Rách giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, mù vĩnh viễn... trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn tới tử vong.
BS.Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc chuyên môn bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng cho hay: Một số hành động gây ra rung lắc mạnh người lớn hay làm với trẻ nhỏ đó như tung trẻ lên không trung, đột ngột nhấc bổng trẻ lên gây ra rung lắc… Khi trẻ còn nhỏ, các tổ chức trong mắt lúc này là những mô mềm lỏng lẻo, nếu bị rung lắc đột ngột rất dễ bị tổn thương gây xuất huyết dịch kính, xuất huyết võng mạc, chấn thương nhãn cầu. Nặng có thể gây ra xuất huyết trong vỏ não làm tổn thương tới các đường dẫn truyền thần kinh thị giác…
"Tất cả các tổn thương của trẻ ở mắt thường khá kín đáo. Đặc biệt trẻ ở giai đoạn chưa biết nói sẽ không thể nói được cho bố mẹ mắt trẻ đang mờ. Khi những tổn thương đó không được phát hiện kịp thời gây ra hậu quả nghiêm trọng là bị hỏng mắt, mù lòa viễn vĩnh. Trẻ bị mất đi ánh sáng khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng tới tương lai định hướng nghề nghiệp của trẻ về sau này.
Mắt là một cơ quan đặc biệt hơn so với cơ quan khác, trong thời gian những năm tháng đầu đời thị lực phát triển đóng vai trò rất quan trọng. Nếu trong giai đoạn phát triển đó, mắt không phát triển tốt hoặc mắc các bệnh lý về mắt sẽ gây ra nhược thị vĩnh viễn không thể phục hồi được”, BS.Nguyên nói.
Bên cạnh đó, BS.Nguyên cũng chia sẻ thêm, bạo lực với trẻ nhỏ là hành vi cả xã hội cần phải lên án. Bạo lực với trẻ nhỏ không chỉ là đánh đập trẻ mà cần phải hiểu theo một cách rộng hơn có thể trẻ bị bỏ hoặc không quan tâm tới sức khỏe trẻ em. Tất cả các vấn đề dù vô tình hay cố ý gây ra tổn thương mắt cho trẻ em nếu không được phát hiện sớm sẽ gây ra tổn thương về thị lực lâu dài.
Bạo lực với trẻ nhỏ có thể có từ ngay lúc hình thành bào thai. Trẻ không được mẹ chăm sóc tốt trong bụng mẹ cơ quan về mắt cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ, mẹ có những bệnh nhiễm virus nhưng không được điều trị có thể làm ảnh hưởng tới mắt của trẻ em, tổn thương võng mạc. Hoặc trong quá trình sinh đẻ đường dưới nếu mẹ bị nhiễm các vi khuẩn, nấm, lậu khi sinh có thể gây viêm nhiễm ở mắt, làm cho giác mạc bị viêm loét đục giác mạc. Một số thủ thuật sản khoa có thể làm cho giác mạc bị tổn thương.
“Để phát hiện ra những tổn thương sớm ở mắt trẻ cần phải đi khám sớm. Đặc biệt trẻ sơ sinh mới sinh ra cần phải được đi khám mắt để phát hiện các vấn đề về mắt để được can thiệp kịp thời. Tuyệt đối không tạo ra những rung lắc mạnh trẻ và không dùng bạo lực như tát để dạy bảo trẻ vì có thể ảnh hương tới mắt”, BS.Nguyên nhấn mạnh.
Nguyễn Huệ