Hơi ấm truyền thống cần lưu giữ
Đề cập tới vấn đề này, bác Trần Văn Khánh (75 tuổi, trú tại Ba La, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Trong giai đoạn phát triển hiện nay, việc tổ chức lễ cưới theo mô hình hiện đại, văn minh, tiết kiệm là điều nên làm và cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Thế nhưng, điều tôi phân vân đó là nếu tinh giản nhiều khâu, nhiều thủ tục quá liệu có làm mất đi nét đẹp truyền thống vốn có của nó.
Đặc biệt, trước đây các đám cưới thường quy tụ rất đông anh em bạn bè của bố, mẹ, anh, chị em cô dâu chú rể và bốn bên nội, ngoại trong gia đình thì nay chỉ còn một số đến dự đại diện. Tiếp đến là việc tổ chức ăn uống đình đám không còn nữa liệu có tránh được những lời đàm tiếu của bạn bè, họ hàng nội tộc, nhất là đối với những thôn quê, vùng sâu vùng xa nơi vẫn in đậm các nét văn hóa truyền thống?!.
Cùng chung quan điểm, bác Nguyễn Thị Tuất (72 tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết thêm: "Thông thường đối với mỗi đám cưới, đám hỏi đều phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục mà cha ông ta đã để lại từ trước đến nay. Từ chuyện thách cưới, nghi lễ ăn hỏi cho tới lễ xin dâu, rồi rước dâu. Điều quan trọng nhất trong đám cưới đó là ngày quan trọng để tất cả người thân của hai bên gia đình cô dâu chú rể gặp mặt, chúc phúc cho cô dâu chú rể trong ngày trọng đại này thì nay không còn nữa. Như vậy liệu có làm mất đi nét đẹp đám cưới từ xa xưa đến nay chúng ta vẫn làm và tổ chức?".
Từ trước đến nay, khi nhắc tới chuyện cưới hỏi các bên gia đình thường lên lịch rất kĩ với các phương thức, công đoạn chuẩn bị chu đáo để không mất mặt, xấu hổ với hàng xóm, láng giềng vì tư tưởng trăm năm mới cưới một lần.
Chính vì những quan niệm như vậy cho nên lễ cưới truyền thống thường có sự góp mặt đông đủ các bên nội ngoại, người thân và bạn bè của cô dâu chú rể cũng như các thành viên khác trong gia đình. Đây cũng chính là nét đẹp truyền thống từ xa xưa mà ông cha ta để lại. Cho đến nay, các thế hệ sau này vẫn mãi noi theo, kế thừa và phát huy nhiều nghi thức độc đáo đó.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển chung của nhân loại, việc phát huy những nét văn minh hiện đại cũng là điều đáng bàn và vừa qua việc tổ chức đám cưới tập thể do Thành đoàn Hà Nội đứng ra tổ chức cho 20 bạn trẻ đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ với hình thức tổ chức tiết kiệm hơn, văn minh hơn, đồng thời cũng không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của nó với những nghi lễ đặc trưng như: Có sự đại diện của hai bên gia đình cô dâu chú rể phát biểu trọng thể trong buổi lễ, mời khách dự trầu cau, lễ giao bôi, rót rượu mời khách.
Mô hình sẽ được nhân rộng
Bà Nguyễn Thị Ngà, Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết: "Thực hiện chỉ thị của Thành ủy Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã thực hiện mô hình tổ chức đám cưới tập thể thí điểm tại quận Hoàng Mai, sắp tới là quận Hà Đông và huyện Đông Anh. Đến cuối năm, chúng tôi sẽ phấn đấu tổ chức được toàn bộ 29 quận, huyện của thành phố. Qua đó sẽ tạo được phom, khung định hình chuẩn phù hợp với các phong tục, tập quán tại địa phương để các quận, huyện đoàn nhân rộng, thực hiện trong những năm tiếp theo.
Thành quả đạt được trong lần vừa rồi rất đáng khích lệ, trong đó công tác tổ chức thực hiện đóng vai trò đặc biệt quan trọng, chúng tôi phải phối hợp với các đoàn thể khác như hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân để họ hiểu, thay đổi nhận thức và nhận được sự ủng hộ của người dân".
Đề cập tới nét văn hóa trong lễ tổ chức cưới hiện đại và một số ý kiến về các trường hợp có địa vị trong xã hội, gia đình giàu có không dễ gì thay đổi nhận thức, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết: "Trước đây, cưới truyền thống thường là 1/1 thì nay là 10/10 sẽ rất tốt, ý nghĩa nhân văn rất lớn chắc chắn thu hút đông đảo được đa số người dân đồng tình, ủng hộ tham gia.
Còn đối với những gia đình giàu có, có địa vị xã hội thì người ta đã làm từ lâu rồi, thậm chí là lố bịch, đi ngược lại với phong tục, tập quán của dân tộc và cả hiện tại".
Quỳnh Chi