Sảy thai, sinh non có thể xảy ra ở bất kỳ chị em phụ nữ mang thai nào. Nguyên nhân có thể do thai nhi hoặc người mẹ. BS. Trần Vũ Quang, bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới sảy thai, sinh non dưới đây:
* Nguyên nhân từ thai nhi:
Thai nhi mang nhiễm sắc thể bất thường là nguyên nhân nhân sảy thai sớm phổ biến. Khảo sát cho thấy, có tới 60% các ca sảy thai sớm là do nhiễm sắc thể không tương xứng. Nhiễm sắc thể là cấu trúc rất nhỏ trong tế bào, mang mã di truyền ADN. Trong tế bào của người bình thường sẽ có 23 cặp nhiễm sắc thể gồm 1 nửa từ mẹ và 1 nửa từ bố. Trong quá trình thụ tinh, vì lý do nào đó từ trứng hoặc tinh trùng mà các cặp nhiễm sắc thể không khớp với nhau theo đúng quy cách. Khi đó, phôi thai được thụ tinh sẽ mang nhiễm sắc thể bất thường, không phát triển được và dẫn tới sảy thai sớm.
* Nguyên nhân từ mẹ:
-Tử cung bất thường và thiểu năng cổ tử cung: Tử cung bất thường cũng là một trong những nguyên nhân sảy thai sớm thường gặp ở phụ nữ. Nếu tử cung bị "dị dạng" hoặc có vách ngăn sẽ cản trở phôi thai làm tổ trên thành tử cung, hoặc chặn dòng dưỡng chất cung cấp đến phôi thai dẫn đến sảy thai sớm. Ngoài ra, cổ tử cung yếu hay không hoàn thiện về chức năng cũng là yếu tố khiến thai kỳ bị chấm dứt sớm. Bởi từ cuối tam cá nguyệt đầu tiên, thai nhi đã đủ lớn để gây ra tác động lên cổ tử cung. Nếu cổ tử cung quá yếu hoặc chưa hoàn thiện sẽ không giữ được bào thai nằm bên trong tử cung dẫn đến sảy thai.
- Rối loạn miễn dịch: Một số trường hợp nguyên nhân sảy thai sớm lại do tình trạng rối loạn miễn dịch của cơ thể. Khi hệ miễn dịch hoạt động không đúng chức năng, nó sẽ xem tinh trùng như một dị vật hay vi trùng từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào tạo ra phản ứng kháng tinh trùng hay tìm cách tiêu diệt tinh trùng. Đôi khi, tinh trùng đã thụ tinh thành công, tuy nhiên cơ thể mẹ không chấp nhận bào thai này và tạo ra kháng thể phospholipid, tấn công vào bào thai, gây ra sảy thai sớm.
-Vấn đề tuyến giáp (cường giáp và nhược giáp) và bệnh tiểu đường: Nghiên cứu cho thấy rằng, nếu người phụ nữ gặp các vấn đề về tuyến giáp như cường giáp, nhược giáp hay tình trạng tiểu đường không được kiểm soát sẽ gây ra những bất lợi lớn cho thai nhi, dễ dẫn tới sảy thai sớm.
-Buồng trứng đa nang (PCOS): Hội chứng buồng trứng đa nang không chỉ gây vô sinh ở nữ giới mà còn là nguyên nhân sảy thai sớm ở nhiều bà bầu. Khi mắc buồng trứng đa nang, cơ thể phụ nữ sẽ có nồng độ nội tiết tố nam testosterone quá cao, gây ra các vấn đề về rụng trứng và kinh nguyệt bất thường. Đa nang buồng trứng còn dẫn tới tình trạng kháng insuline, gây cản trở sự hình thành và phát triển của lớp nội mạc tử cung, ngăn không cho bào thai bám vào thành tử cung, dẫn tới sảy thai sớm. Khảo sát cho thấy có khoảng 5 - 10 % phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc phải hội chứng PCOS.
*Do sự thiếu hiểu biết của các ông bố, bà mẹ:
-Xoa bụng bầu quá nhiều: Xoa bụng bầu-hành động tưởng như vô hại, hay được xem như là cử chỉ âu yếm đứa con thì lại có thể gây hại cho thai nhi. Khi xoa bụng sẽ gây ra những cơn co thắt, nếu liên tục dễ dẫn đến động thai, sảy thai hoặc sinh non.
Do đó, bà bầu chỉ nên xoa bụng thật nhẹ nhàng và không xoa nhiều lần trong ngày. Với người có tiền sử bị sảy thai thì nên tránh xoa hoặc vỗ tay lên bụng.
-Tự ý sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ: Không nên dùng thuốc đối với phụ nữ có thai, nhất là 3 tháng đầu. Nếu sử dụng thuốc trong quá trình mang thai có thể gây ra dị tật thai nhi, sảy thai hoặc sinh non.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp phải dùng thuốc, nếu không dùng chữa bệnh cho thai phụ sẽ nguy hiểm cho thai nhi. Đó là trường hợp thai phụ bị các bệnh như tăng huyết áp, hen suyễn, tiểu đường, động kinh, một số bệnh nhiễm khuẩn. Trường hợp này bắt buộc dùng thuốc chữa bệnh, nếu không dùng có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi, thậm chí gây ra quái thai. Và khi sử dụng thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý sử dụng.
-Vận động mạnh: Những tháng cuối cùng của thai kỳ, đặc biệt những ngày gần ngày sinh nở là những ngày nhạy cảm với bà bầu, những hoạt động massage núm ti có thể khiến bà bầu bị chuyển dạ sớm và có thể sinh non, những hoạt động tình dục vào lúc này cũng khiến ảnh hưởng tới thai nhi và dễ khiến chuyển dạ sinh non.
- Hút thuốc, sử dụng rượu bia: Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh sự liên quan giữa hút thuốc, sử dụng rượu bia khi mang thai dẫn đến nguy cơ sảy thai, sinh non, bé nhẹ cân…
Trong quá trình mang thai, tuyệt đối không nên hút thuốc (ngay cả trường hợp hút thuốc thụ động cũng có hại cho thai nhi), không nên uống quá nhiều rượu bia, cà phê.
-Mặc quần áo quá chật, đi giày cao gót: Khi mang thai, bà bầu nên tránh xa những đôi giày cao gót và quần áo bó. Bởi khi đó, nếu vẫn đi giày cao gót thì nguy cơ té ngã là rất cao, do cơ thể nặng nề và trọng tâm bị lệch nhiều về phía trước. Việc mặc quần áo chật chội, bó sát cũng khiến cho mẹ bầu mệt mỏi và gây ra sự chèn ép cho thai nhi.
-Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Các loại hóa chất hay nước tẩy rửa đều không tốt cho bà bầu. Kể cả thuốc nhuộm tóc, dung dịch lau nhà hay thuốc diệt côn trùng… đều có thể gây ra những tác động xấu khi mang thai, ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, gây sảy thai hoặc dị tật.
-Ăn uống bừa bãi, không có chế độ: Khi mang bầu, các chị em không nên ăn đồ gỏi sống, ăn đồ ăn nhanh, chế biến sẵn. Bởi các loại thực phẩm chưa được làm chín kỹ có thể chứa loại vi khuẩn như E.coli, listeria, campylobactor, salmonella gây nguy cơ sảy thai, sinh non, thai lưu.
Tránh ăn các loại thực phẩm tăng nguy cơ sảy thai như đu đủ xanh, gan động vật, rau ngót, dứa…
Ngoài ra, sữa tươi nếu chưa được qua khâu tiệt trùng thì không nên uống. Bởi có thể trong sữa chứa khuẩn listeria làm tăng nguy cơ sảy thai.
Có một điều cần lưu ý đối với các bà mẹ, khi mang bầu đừng tưởng ăn nhiều là tốt cho con. Nếu ăn uống không có một chế độ, ăn vô tội vạ, ăn không kiểm soát khiến thai phụ tăng cân quá mức dẫn tới tình trạng tiểu đường thai kỳ, có thể gây sảy thai, sinh non, dị tật thai nhi.
Bà bầu nên nhớ rằng, tất cả những gì mình ăn, uống đều đi qua nhau thai đến bào thai, con bạn cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Hãy suy nghĩ kỹ để chọn những thức uống, thực phẩm tốt cho em bé trong bụng.
BS. Trần Vũ Quang, bệnh viện Phụ sản Trung ương