Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD được lắp đặt ở Hàn Quốc để bảo vệ khỏi mối đe dọa đến từ tên lửa Triều Tiên đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong thời gian qua.
Bên cạnh sự phản đối của Nga và Trung Quốc, ngay cả chính những người dân sống gần nơi loại vũ khí tiên tiến nhất thế giới được triển khai cũng không giấu được sự giận dữ.
Soseongri là ngôi làng gần nhất với khu vực THAAD được lắp đặt hồi tháng 3 vừa qua.
Trong những ngày này, hình ảnh quen thuộc diễn ra ở Soseongri là máy bay trực thăng quân sự bay trên cao, hàng đoàn dài xe tải tiến vào làng và những người nông dân già phản đối Mỹ đối đầu với hàng trăm cảnh sát.
Việc triển khai hệ thống THAAD làm dấy lên các cuộc biểu tình trong nhiều tháng. Cảnh sát đã được huy động khi người dân liên tục ra giữa đường ngăn chặn các xe tải chở thiết bị tên lửa tiến vào làng.
Trong bộ phim tài liệu có tên Soseongri vừa được công chiếu, một nhóm làm phim Hàn Quốc đã khắc họa hình ảnh chân thực nhất về một huyện nông nghiệp bình yên bỗng chốc lao vào chiến trường đầy căng thẳng mang quy mô quốc tế.
Hầu hết các nhân vật chính trong bộ phim đều là người già và từng trải qua năm tháng Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Những ký ức của họ về cuộc chiến này vẫn còn in dấu ấn đậm nét.
“Những thứ này chỉ gợi lại cho chúng tôi về chiến tranh”, một dân làng nói.
Việc triển khai THAAD đã vấp phải nhiều luồng phản ứng ở Hàn Quốc. Một cuộc điều tra cho thấy khoảng một nửa những người được hỏi ủng hộ sự hiện diện của vũ khí Mỹ, 1/3 trong số đó phản đối và phần còn lại chưa quyết định.
Những người ủng hộ cho rằng hệ thống này sẽ bảo vệ an toàn cho chính mình, trong khi những người khác lại coi đây là kế hoạch củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc.
Còn với dân làng Soseongri, họ tham gia biểu tình chống THAAD vì lo ngại bản thân sẽ là mục tiêu đầu tiên khi Triều Tiên phóng tên lửa.
Trên tay là biểu ngữ “THAAD rời đi, hòa bình đến”, những người già cả tự làm những chiếc lều tạm bợ trên đường để cố gắng ngăn chặn xe tải quân sự.
Ngoài sự ngăn cản của lực lượng an ninh, đã có hàng trăm nhà hoạt động ủng hộ THAAD đổ về làng để lên án họ là “tín đồ của Triều Tiên” và “nuôi dưỡng cho tội ác”. Thậm chí các nhóm này còn đe dọa tính mạng của các cư dân nơi đây.
Sự sợ hãi của dân làng là điều hiển nhiên khi họ từng trải qua cuộc xung đột khiến hàng triệu người chết ở bán đảo Triều Tiên. Cuộc chiến đến nay chỉ tạm dừng lại mà chưa thể có được một thỏa thuận hòa bình.
“Chúng tôi từng bị tấn công bằng máy bay trong chiến tranh Triều Tiên. Cảm xúc và tinh thần của tất cả đã bị tổn thương”, một dân làng cho biết.
Đạo diễn Park Bae-il nói ông đã cố gắng làm nổi bật cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực làm rung chuyển cuộc sống hàng ngày của những người nông dân già ở nơi vốn rất yên bình.
“Tất cả các phương tiện truyền thông chỉ nói về chính trị và ngoại giao xung quanh THAAD nhưng hiếm khi cho thấy sự ảnh hưởng lên người dân đằng sau cuộc tranh cãi này”, Park nói.