Tôi đến gặp chị P.T.D. (36 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình) tại một quán cà phê yên tĩnh ở ngoại thành TP.HCM. Kể về cuộc sống như địa ngục của mình, chị D. không giấu nổi những giọt nước mắt tủi nhục.
Ngày lấy chồng, chị hạnh phúc trong những lời tán tụng của bạn bè, bởi nhà chồng khá giả, không phải vất vả mưu sinh. Thế nhưng, ít ai ngờ được rằng phía sau cuộc sống được “chồng nuôi” là những đêm dài rơi nước mắt vì tủi nhục.
Chị D. kể, chị lên xe hoa về nhà chồng năm 35 tuổi - cái tuổi mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải e sợ sẽ khó tìm được một tấm chồng.
Chồng chị là M., chủ một công ty lớn. Dù biết anh M. đã từng có một cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhưng vì ấn tượng ban đầu, cùng những lời hứa ngọt ngào của anh M. nên chị D. gật đầu đồng ý cùng anh về chung một nhà.
Những tưởng hạnh phúc muộn màng sẽ sớm cho hoa thơm trái ngọt, nhưng về sống cùng nhau, chị dần hiểu ra hôn nhân không hề đơn giản như chị tưởng tượng.
Nói đến đây, chị D. rơm rớm nước mắt: “Trước khi cưới anh, tôi có một công việc ổn định, lương cao. Thế nhưng, gia đình anh mong muốn con dâu mới trở thành “hậu phương” vững chắc cho chồng. Họ không muốn tôi đi làm. Họ nói, họ cần tôi ở nhà để toàn tâm lo cho chồng, cho gia đình chồng. Tôi quyết định nghỉ việc ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình để chồng yên tâm công tác. Từ ngày nghỉ làm, việc chi tiêu trong gia đình tôi đều phải ngửa tay xin chồng”.
Theo lời kể của chị D., vì anh M. là người làm ra tiền bạc chính trong gia đình, nên mọi khoản thu-chi đều do anh quản lý, anh M. đưa cho chị một chiếc thẻ ngân hàng để chị chi tiêu các khoản trong gia đình. Dù thế, trước khi chi, chị D. phải liệt kê chi tiết danh sách rồi đưa cho chồng. Nếu anh ta đồng ý, chị mới có quyền rút tiền chi tiêu.
“Đáng sợ hơn, đến tiền đi chợ nấu bữa cơm, anh cũng tính toán chi ly từng đồng. Mỗi bữa, anh chỉ cho tôi vài chục đi chợ rồi yêu cầu tôi phải ghi lại các khoản một cách chi tiết. Nếu tôi ghi sai, anh ta sẽ làm ầm lên và chì chiết tôi đoảng, chi tiêu hoang phí”, chị D. tâm sự.
Ngoài việc thắt chặt tài chính, chồng chị D. còn là một người nóng tính. Bản tính ấy bộc lộ nơi làm việc cũng như ở nhà. Trên cương vị lãnh đạo, anh M. thường quát nạt nhân viên, về nhà, M. cũng không tiếc lời mắng nhiếc, cay nghiệt với vợ con.
Anh bắt lỗi chị từ những việc nhỏ nhặt như ngủ dậy muộn (giờ thức dậy theo quy định của chồng chị D. là 5h- PV), nhà lau chưa “soi gương” được, cơm nấu muộn...
Mỗi khi tức giận, anh ta chỉ vào mặt chị và nói: “Cô là đồ ăn bám, chả làm được gì nên hồn”. Nghe chồng xỉ vả, chị D. chỉ biết thầm lau nước mắt.
Dường như nỗi đau bất tận đã khiến chị rơi vào khoảng lặng mông lung. Lấy chồng ở cái tuổi quá lứa lỡ thì, chị vẫn không thể có được hạnh phúc viên mãn, dù thế chị vẫn tự an ủi mình: “Tôi sẽ cố gắng tìm cho mình một công việc để đi làm, thời gian rảnh rỗi tôi sẽ tiếp tục chăm sóc gia đình. Tôi còn trẻ, còn sức khỏe, con là lộc trời cho, còn công việc, tự tôi sẽ khẳng định một lần nữa”.
“Tôi mong mỏi có một đứa con, với hy vọng chồng sẽ thay đổi mà vun đắp hạnh phúc vốn đã muộn màng này, nhưng... cuộc đời đâu phải cứ muốn là được”, chị D. ngậm ngùi.
(Còn nữa)