Đã 43 năm ngày Bác đi xa nhưng trong tâm trí ông Lê Minh Thưởng (xóm 2, xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An), hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc luôn hiện hữu. Suốt mười năm thực thi nhiệm vụ bảo vệ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, cũng chừng ấy năm, ông được vinh dự theo chân Bác đi khắp mọi miền của tổ quốc. Qua những chuyến đi đó, người cận vệ già học được rất nhiều đức tính cao đẹp từ con người của Bác.
Tấm ảnh đáng nhớ một thời của ông (Ông Thưởng ngồi giáp phía tay trái bác, trên tay ôm một bé gái)
Những kỷ niệm một thời
Đã gần sang tuổi 80 nhưng những ký ức về Bác lại không bao giờ phai nhạt đối với ông Lê Minh Thưởng. Nói chuyện với chúng tôi, người cận vệ già cho biết, điều ông học được ở Bác đó là nguyên tắc sống cần, kiệm, liêm, chính. Nằm trong đoàn quân về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ông Thưởng được chọn vào đội ngũ bốn người cận vệ bảo vệ Bác và lãnh đạo cao cấp của Chính Phủ từ năm 1960 đến 1969. Ông đã nhảy cẫng lên khi nhận được nhiệm vụ này. Đơn giản là vì, ngày nào cũng được gặp Bác, điều mà hàng triệu người Việt Nam lúc bấy giờ ao ước.
Công việc chính của ông Thưởng là bảo vệ vòng trong, lo chuẩn bị những bữa cơm, nước uống, thuốc men, giấc ngủ cho Bác Hồ. Sống gần người lãnh tụ đáng kính, ông cảm nhận được sự giản dị, gần gũi và tiết kiệm. Gặp người lạ, bao giờ Bác cũng ân cần hỏi thăm những câu hỏi quen thuộc như: Chú tên gì? Quê quán ở đâu? Gia đình thế nào? Vợ con ra sao?. Chính những câu hỏi đơn giản này tạo cho người đối diện sự gần gũi. “Đối với anh em cận vệ chúng tôi, Bác đối xử như những đứa con trong nhà. Vui thì vui hết mình, nhưng khi làm việc thì lại nghiêm túc tuyệt đối. Có hôm tôi thấy Bác nghỉ việc sớm nên đưa cơm lên cho Người dùng trước. Tuy nhiên, Người tuyệt đối không ăn mà ngồi đợi đến bữa mới dùng”, ông Thưởng nhớ lại.
Người lính cận vệ già bảo, cứ mỗi khi đến một địa điểm mới bác lại dạy những quy tắc sống. Đi ăn tiệc, Bác thường dặn trước, cái gì mà mình đã ăn thì phải ăn hết, còn ăn không hết thì phải gói mang về. Bởi vì bỏ dở đồ ăn sẽ rất phí. Bác không bao giờ lãng phí bất cứ một cái gì. Ăn xong rồi Bác bảo phải thu dọn cho ngăn nắp, đĩa ra đĩa, chén ra chén…để bớt thời gian cho người phục vụ. Ông Thưởng kể: Có một lần anh em chúng tôi đang gác cho Bác làm việc. Do đứng cách khá xa nên Bác đã đọc to bài thơ để đố chúng tôi: “Thương chàng nhớ lắm chàng ơi. Bộ khôn đi thuyền, thủy khôn bằng ngựa”. Tôi đã phát hiện chỗ mà Bác đã đánh đố là chữ “bộ” và “thủy”. Đáng lẽ hai chữ này phải hoán đổi cho nhau. Đó là lần đầu tiên tôi được Bác khen giỏi. Sau đó Người căn dặn nói chuyện thì phải tập trung lắng nghe, cái gì không hiểu thì phải hỏi lại chứ đừng giấu dốt”. Đó là nguyên tắc làm việc với Bác mà người đàn ông này luôn khắc ghi.
Người lính cận vệ tự hào khoe với chúng tôi về tấm ảnh cực kỳ quý giá mà ông được chụp với Bác Hồ và gần đủ các các thành viên trong Ủy viên Bộ Chính trị. Đó là thời điểm trước khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trở thành người thiên cổ một ngày. Chúng tôi thấy lạ là mặc dù sắp bước sang tuổi 80 nhưng khi nhìn vào ảnh ông có thể chỉ rõ từng người trong bức ảnh đen trắng. Ông đọc rành rọt đọc tên từng người trong ảnh: Đây là ông Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, Phạm Hùng, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Vũ Kỳ. Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở giữa. Ông Thưởng lúc đó bế trong lòng một cháu bé, ngồi bên phải Bác Hồ. Đối với ông, bức ảnh này là báu vật vô giá
Cả đời ông Thưởng luôn quan niệm học tập tấm gương Bác Hồ từ những cử chỉ, hành động nhỏ. Một lần Bác đi công tác Hải Phòng, xe đang chạy thì một đàn vịt của dân đang băng qua đường. Lái xe cố tránh nhưng không được. Lúc đó mấy con bị cán chết. Thấy vậy, Bác liền bảo lái xe quay lại đền cho họ.
Ông Thưởng nhớ lại những kỷ niệm khi sống cùng Bác
Lập nhiều chiến côn săn bắt cướp
Phải khiêm tốn, biết thì nói không biết thì hỏi, giờ giấc phải nghiêm túc đó là những điều mà ông luôn ghi nhớ sau mười năm được gần Người. Nói chuyện với chúng tôi, ông nhớ lại, Bác không bao giờ uống rượu. Những lúc tiếp khách, Người cũng nâng cốc nhưng không uống. Đi thăm và làm việc ở đâu, Bác không bao giờ cho phép tổ chức theo kiểu "tiền hô hậu ủng".
Sau khi Bác mất, ông Thưởng được điều về công tác ở Cục Cảnh sát nhân dân theo nguyện vọng của mình. Sau đó, ông Thưởng được cử đi học chuyên tu. Năm 1981, người cận vệ ngày nào được chuyển về Công an Nghệ Tĩnh với chức vụ Đội trưởng đội săn bắt cướp. Nhiều năm ở trong đội bắt cướp, ông cùng đồng đội đã lập được nhiều chiến công vang dội. Có lẽ kỷ niệm vị tổ trưởng này nhớ nhất là bắt gọn nhóm băng cướp do Toọng (Trương Hiền) cầm đầu và với 30 đệ tử. Thời đó, băng này từng là nỗi kinh hoàng của người dân TP. Vinh (Nghệ An). Hay vụ án do tên trùm troocmj cắp lừng danh một thưở Sáu Côi. Được biết, để bắt băng nhóm này, cấp trên cấp cho ông 60 người để thực hiện chuyên án nhưng ông chỉ nhận 20 người có năng lực nhất. Bởi vì, ông Thưởng sợ không đủ chi phí và chỗ ăn uống cho họ. Đến ây giờ, khi nhắc về chuyên án bắt tên Sáu Côi, nhiều người vẫn còn nhớ rõ và khâm phục người lính già. Sau này ông Lê Minh Thưởng nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân huy chương khác. Có lẽ quý giá nhất là Huy hiệu Bác Hồ tặng năm 1968.
Ông Thưởng vẫn luôn tự hào về gia đình của mình. Bố ông là đảng viên, lão thành cách mạng, còn anh trai là liệt sỹ. Có lẽ, chính tấm gương của người cha đã thôi thúc ông luôn phấn đấu khi trên cương vị là một người lính cận vệ của Bác hay một người chiến sỹ công an. Người lính già tự hào khoe: “Có lẽ trên đất nước Việt Nam chưa ai được diễm phúc như tôi. Mười năm được bảo vệ Bác Hồ và tôi còn được gặp cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đó là điều không phải ai cũng có được”.
Được biết, dòng họ Lê và gia đình nhà ông còn nhận được nhiều vinh dự lớn. Đó là vào ngày 16/3/2012, năm cây thị trong vườn nhà ông đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam gắn biển "Cây di sản Việt Nam”. Năm cây thị có niên đại gần 700 năm tuổi, từng gắn với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa xã hội của vùng đất xứ Nghệ. Đây là nơi nghỉ chân của tướng Lê Văn Hoan. Nơi buộc voi của vua Quang Trung trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh năm 1789. Quả của năm cây thị này cũng là lương thực chủ yếu, cứu sống nhiều người dân trong nạn đói năm 1945. Đó là những điều độc đáo mà ông tự nhủ mình phải bảo vệ và gìn giữ nó chỉ vì muốn lưu lại lịch sử cho dân tộc.
Những ngày tháng theo Bác đi “vi hành” Kỷ nệm mà ông thấy bồi hồi nhất là khi được cùng Bác đi chợ Đồng Xuân vào năm 1964. Năm đó được mùa, đời sống người dân có phần được cải thiện. Bác gọi đồng chí Hoàng Quốc Thị (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nội thương phụ trách hàng hóa trong nước) chuẩn bị cho dân ăn Tết. Đó là một ngày mưa trở rét. Bác đi đôi ủng cao gót, mặc áo mưa, đội mũ len, quàng khăn che phần cằm để hóa trang khỏi bà con phát hiện. Lúc đó mấy anh cận vệ lấy chậu cảnh trong nhà bỏ lên xe rồi đẩy đi chợ Tết. Đi đến hàng thịt, Bác lại nói giọng Nghệ An: “Mánh thịt ni răng nấy tiền?”. Người chủ cửa hàng nghe không hiểu và có vẻ nghi ngờ. Sợ bị phát hiện, người dân sẽ bủa vây theo. Ông Thưởng nhanh ý đẩy bác sang hàng khác và nói thay: “Thịt này bao nhiêu tiền một cân vậy?”. |
Kim Long - Hà Hằng