Biến điều không thể thành có thể
Chúng ta thường chọn làm những việc mang tính khả thi,giới hạn trong nguồn lực có sẵn, điều đó có thế giúp doanh nghiệp sống sót nhưng không thể làm nên những bước nhảy đột phá.
Ngược lại, Google quan tâm đến những điều được giả định là không thể, những vấn đề được cho rằng thiếu cơ sở để thành công.
Khi Larry và Sergy, hai sáng lập viên của Google, đang làm luận án tiến sỹ, họ phát hiện ra nhược điểm của các phần mềm tìm kiếm vào thời điểm đó, như Alta vista, Yahoo, Netscape.
Họ sáng chế ra thuật toán xếp loại kết quả tìm kiếm (page rank). Sau đó, Larry và Sergy mong bán kết quả nghiên cứu của họ với giá 1 triệu USD cho Alta Vista, nhưng họ đã không thành công trong thương vụ này.
Sau sáu tháng vất vả, những nỗ lực của họ đã đền đáp, một nhà đầu tư công nghệ cao đồng ý đầu tư cho họ với số tiền 100.000 USD. Sau đó, Google còn phải vượt qua nhiều thử thách khác để trở thành công ty có giá trị hơn 200 tỷ USD như hiện nay.
Nếu hai sáng lập viên đồng ý bán công nghệ của họ cho Alta Vista thì thế giới hiện nay có thể không có câu chuyện thần kỳ về Google.
Như vậy, đôi khi những kết quả không như mong đợi lại là nguồn thúc đẩy sáng tạo và kích thích đổi mới. Tuy nhiên ý tưởng và quyết tâm chỉ là điều kiện ban đầu, để kết quả sáng tạo được áp dụng thành công thì đòi hỏi sự tổng hợp của kỹ năng và tri thức.
Đổi mới là sự tổng hợp
Sự nhầm lẫn lớn với những người khởi nghiệp kinh doanh lần đầu và cả đối với doanh nghiệp đã thành công là chỉ cần có ý tưởng tốt, hoặc công nghệ tốt là đủ để thành công.
Các nhà sáng lập Google: Larry và Sergy đều trưởng thành từ gia đình có truyền thống học tập, bố mẹ họ đều là những giảng viên, nhà nghiên cứu cả về khoa học và công nghệ tại trường đại học danh tiếng của Mỹ, Michigan, MaryLand. Họ đã được tiếp xúc với máy tính khi còn đang ở giai đoạn sơ khai. Ngoài ra họ còn được đào tạo với nền tảng kiến thức tổng hợp.
Sự thành công nhanh chóng của Google còn có góp sức rất lớn từ giám đốc điều hành tài ba Schmidt. Ở ông, hội tụ đủ cả khả năng tư duy chiến lược về công nghệ và tài năng tổ chức, điều hành, lãnh đạo.
Tóm lại, đổi mới thành công không chỉ cần khả năng sáng tạo, vì đổi mới là quá trình áp dụng kết quả sáng tạo nhằm đem lại lợi ích và giá trị cho người dùng, cần tri thức rộng, chính sách, môi trường thuận lợi, kể cả khả năng tổ chức-điều hành.
Giải quyết mâu thuẫn
Đi từ doanh nghiệp có 2 người đến hơn 10.000 nhân viên, Google luôn phải giải quyết các mâu thuẫn một cách không thoả hiệp.
Google luôn phát triển nhanh nhưng tạo ra sự ổn định, quyết liệt trong đối đầu và cạnh tranh nhưng mềm mại trong hành động.
Sau hơn 6 tháng hoạt động, Larry và Sergy nhận thức rõ nhu cầu tài chính để mở rộng năng lực tìm kiếm và hoạt động kinh doanh.
Hai sáng lập viên đã khôn khéo trong việc thương lượng và lợi dụng tâm lý sợ bỏ mất vụ đầu tư tiềm năng, sau này sẽ đạt được doanh thu không lồ của các quỹ đầu tư, họ đã mời hai quỹ cùng đầu tư hơn 25 triệu USD vào công ty nhưng vẫn giữ bằng được quyền điều hành kiểm soát công ty để tránh khả năng phá hỏng tầm nhìn của các sáng lập viên và mục tiêu dài hạn là tạo ra đột phá công nghệ.
Các website muốn quảng cáo về sản phẩm và dịch vụ của mình được đặt ở một vị trí riêng và được xác định là nhà tài trợ để không làm mất đi sự tin cậy và chính xác của kết quả tìm kiếm.
Bên cạnh đó, Google kiếm được lợi nhuận ngày càng cao từ hoạt động quảng cáo thông minh như khách hàng sẽ tự động đặt giá cho từ khoá lựa chọn. Mỗi lần người sử dụng Internet bấm chuột vào các quảng cáo mà Google đăng tải là một lần Google có thêm tiền và càng ngày mức quá quảng cáo càng tự động tăng do chính sự cạnh tranh của khách hàng.
Việc ra đời Gmail với dung lượng 1GB và vô số các chức năng vượt trội như lưu thư đã gửi, tự động cập nhật danh sách email, ... khiến cho Gmail chiếm số lượng lớn khách hàng từ mail của Yahoo, không chỉ có như vậy, bằng thuật toán tìm kiếm Google có thể phân tích nội dung email để tìm được nhu cầu của người dùng nhằm cung cấp từ khoá đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, việc này khiến cho cả khách hàng cảm thấy được lợi nhiều hơn và người tiêu dùng cũng có được thông tin cần thiết.
Google luôn đẩy mạnh tốc độ thay đổi nhưng vẫn tạo ra sự phát triển ổn định nhờ việc cân đối giữa phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới đồng thời với phát triển về mặt nhân sự và tài chính đặc biệt là tiền mặt.
Google luôn nhận thức rõ về các người chơi trong cuộc, ai là bạn, ai là đối thủ, ai là người hỗ trợ, do đó họ biết cách kết hợp, mua lại những công ty làm bổ sung thêm năng lực của họ như Ask Jeeves, xây dựng liên minh bền vững với AOL, quyết tâm đối đầu và phá vỡ thế độc quyền của Microsoft.
Luôn để khách hàng tự do
Sứ mệnh của các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ là sáng tạo thêm thật nhiều những công nghệ mới, bổ sung chúng vào sản phẩm của mình nhưng quan trọng là hãy để khách hàng tự quyết định có nên dùng hay không và dùng vào thời điểm nào mà họ cho là thích hợp nhất và cần thiết nhất.
Apple và Google là những người hiểu rõ điều này nhất. App Store đã có hàng trăm ngàn ứng dụng nhưng người dùng hoàn toàn có thể bỏ quên. Gmail đã có tính năng 'dán nhãn' cho email từ rất lâu nhưng người dùng không bắt buộc phải dùng hay tính năng mở tập tin đính kèm bằng Google Docs có thể được thay thế bằng cách tải trực tiếp về máy… Được tự do và làm chủ thực sự thiết bị và dịch vụ là điều tất cả các khách hàng đều mong muốn.
Người dùng Internet hẳn đã rất quen thuộc với giao diện trang chủ của Google. Nếu có dịp nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua, hẳn chúng ta sẽ thấy Google đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều với vô số những tính năng mới nhưng sự quen thuộc và tiện lợi vẫn luôn được duy trì và đó là một trong lý do quan trọng khiến mọi người vẫn ở lại với Google.
Học gì từ thất bại của Google Video
Từ trước đến nay, Google luôn nổi tiếng với việc giải quyết một vấn đề bằng cách bỏ hàng đống tiền vào bộ phận nghiên cứu và phát triển. Điều tương tự cũng đã từng xảy ra với dự án Google Video. Các chuyên gia đã phải đánh giá một khối lượng lớn dữ liệu người sử dụng để thiết kế giao diện hợp lý nhất cho dịch vụ chia sẻ video. Tuy nhiên có vẻ như đây là một bước đi sai lầm của Google, mà bằng chứng là việc ngừng cung cấp dịch vụ Google Video vào năm 2009. Hãy cùng điểm lại những lý do của sự thất bại này.
Khởi đầu, Google Video sở hữu giao diện tối giản (thứ đã tạo ra thành công cho Google Search).
Tuy nhiên giao diện này sớm bị thay đổi khi Google nhận ra giao diện hiển thị kết quả video hàng ngang của họ không được mọi người ưa thích. Vì vậy, những nhà thiết kế tại Google đã tạo ra một giao diện khác với mong muốn người sử dụng ưa thích dịch vụ này hơn. Tuy nhiên những gì họ làm hoá ra lại là ‘copy’ một trong những thứ mang lại thành công cho YouTube: Thanh hiển thị những video liên quan ở cạnh phải màn hình.
Đến đây thì sai lầm chết người của những nhà thiết kế đồ hoạ đã bị những nhân viên tại Google lặp lại: Copy hay vay mượn nững ý tưởng của những sản phẩm thành công khác. Với ý nghĩ 'Nếu nó có thể giúp họ thành công, thì nó cũng sẽ giúp ta thành công', Google đã từng bước đánh dấu cho sự thất bại thê thảm của Google Video. Tất nhiên việc copy của người khác cũng mang lại thành công, ví như trong hàng trăm bản sao của trang chia sẻ link Digg, chỉ có Reddit đạt được thành công. Điều này cũng đúng với YouTube, thế nhưng bản sao thành công của trang web này, thật không may lại không phải Google Video, mà là Vimeo.
Bài học rút ra là: cải tiến một cách cẩu thả còn nguy hiểm hơn không cải tiến một chút nào. Không chỉ có vậy, tối giản hoá một trang web không phải lúc nào cũng là cách tiếp cận thành công. Thật không may cho Google, khi danh sách những trang web thất bại của họ không chỉ dừng lại ở Google Video, mà còn có Buzz, Wave. Tất cả đều đã và đang đặt ra một vấn đề khá cấp bách cho đội ngũ thiết kế tại công ty này, cũng như là một bài học kinh nghiệm xương máu cho tất cả những nhà thiết kế trang web trên toàn thế giới.
Vũ Hà (tổng hợp)