“Kim chỉ nam” từ giám đốc bóng đá
Ở MU và Arsenal, những nhà quản lí (“manager” thay vì chỉ là “coach” - HLV đơn thuần) như David Moyes và Arsene Wenger gần như một tay lo đủ thứ chuyện. Bởi thế, họ mới phải cuống cuồng vắt giò lên cổ mà chạy khi “chợ người” đi vào thời điểm chốt sổ nhằm mộ quân sau 2 tháng bế tắc.
Trong khi đó, hãy nhìn sang Tottenham hay Man City - hai CLB bạo chi nhất ở Premier League mùa này, vai trò của các giám đốc bóng đá trở nên thực sự rõ nét.Txiki Begiristain giúp Manuel Pellegrini dễ dàng thực hiện ý đồ “Latinh hóa” Etihad với những tân binh như Fernandinho, Navas, Negredo hay Demichelis.
Tại Tottenham, quyết định bổ nhiệm Franco Baldini giữ chức vị trên là một bước ngoặt lớn giúp Spurs đánh đâu thắng đó ở “chợ hè”. Thay vì phải một tay che trời hoặc chỉ “nhờ vả” được đôi chút nơi các giám đốc điều hành, Moyes hay Wenger có thể nhẹ gánh hơn nhiều nếu bên cạnh họ là các quan chức cấp cao chuyên lo các vấn đề bóng đá quan trọng như chuyển nhượng.
Nhân tố Van Persie
Khái niệm “nhân tố Van Persie” giờ đây đã được cả nước Anh thuộc nằm lòng. Chính thương vụ bom tấn mà MU thực hiện năm ngoái với chân sút người Hà Lan là nhân tố quyết định giúp “Quỷ đỏ” qua mặt mọi kẻ thách thức để giành chức vô địch quốc gia thứ 20 trong lịch sử.
Bởi thế, ở mùa hè này, các “ông lớn” ở Premier League kiên quyết không để xuất hiện một “nhân tố Van Persie” thứ hai nữa. Liverpool từ chối lời đề nghị hơn 40 triệu bảng của Arsenal cho Luis Suarez, MU chẳng đời nào bán Wayne Rooney cho Chelsea hay có nằm mơ, Tottenham cũng không để Gareth Bale cập bến Old Trafford.
Đơn giản, nếu những thương vụ trên trở thành sự thật, Liverpool sẽ tự tay trao toàn bộ hi vọng về một suất Top 4 cho đối thủ cạnh tranh Arsenal còn MU coi như “bán” luôn…chức vô địch cho Chelsea. Kết quả là năm nay, không có chuyện Top 6 Premier League bòn rút ngôi sao của nhau và xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai.
Không có đất cho người Anh ở… Premier League
Một nghịch lí đau buồn cho bóng đá xứ sương mù trong cuộc chạy đua “vũ trang” rầm rộ của Premier League là các tên tuổi bản địa hầu như bị ngó lơ. Nếu không, những trường hợp của Andy Carroll (từ Liverpool chính thức sang West Ham) hay Steven Caulker (bị Tottenham bán sang Cardiff) đều đáng bị xem là bước lùi trong sự nghiệp của họ.
Khi mà Premier League lập kỉ lục mới về tổng ngân sách “đi chợ” với cột mốc 630 triệu bảng, có tới 445 triệu bảng trong số đó đã chảy ra nước ngoài. Một năm bóng đá buồn cho người Anh ở VCK World Cup 2014 tại Brazil sẽ đến chăng?
Luật im lặng
Tottenham chính là nạn nhân của sự chủ quan và ồn ào không đúng chỗ khi mộ quân hè này. Tưởng như Spurs sẽ có được Willian từ Anzhi sau khi tiền vệ người Brazil vượt qua cuộc kiểm tra y tế tại một bệnh viện gần White Hart Lane thì bất ngờ, mọi chuyện lại đột ngột đổi chiều khi Chelsea vào cuộc.
Kết quả là sau cùng, Willian đã chấp nhận đầu quân cho The Blues với giá 32 triệu bảng. Lẽ ra, Tottenham cần phải duy trì “luật im lặng” cho tới khi chính thức sở hữu được mục tiêu thay vì sớm để lộ thông tin ra ngoài.
Săn “sát thủ”: Trâu chậm uống nước đục
Để chiến thắng, tất nhiên các CLB phải xuyên thủng được mành lưới đối phương và để thực hiện điều đó, không gì tốt hơn chuyện có được những cây săn bàn hàng đầu. Tuy nhiên, trừ hai “trọc phú” AS Monaco và PSG, hầu hết các “ông lớn” ở khắp lục địa già hè này đều không thể đưa về một “sát thủ” thượng thặng nào.
Chelsea mất cả mùa hè để theo đuổi hết Radamel Falcao, Edinson Cavani, Robert Lewandowski hay Wayne Rooney nhưng cuối cùng, tân binh mà Jose Mourinho đưa về lại là…lão tướng Samuel Eto’o. Arsenal dùng cả “núi tiền” hỏi mua Gonzalo Higuain và Luis Suarez nhưng sắp tới, Wenger chỉ có thể đặt niềm tin vào người cũ Olivier Giroud.
MU, Bayern Munich, Real Madrid…cũng đành hài lòng với những trung phong vốn có trong đội hình. Rõ ràng, trong một mùa hè mà cả châu Âu “điên cuồng” đi săn tiền đạo xuất sắc, những CLB chậm chân sẽ chẳng thể toại nguyện.
Theo Dân trí