Ông Moon tới Thủ đô của Trung Quốc vào ngày 13/12 trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc của ông ở cương vị Tổng thống với hy vọng phục hồi mối quan hệ đang có nhiều đứt gãy giữa Bắc Kinh và Seoul.
Vào tháng 7/2016, để đối phó với mối đe dọa tấn công từ phía Triều Tiên, Hàn Quốc đã quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Bắc Kinh cho rằng, Washington có thể sử dụng radar của THAAD làm công cụ theo dõi Trung Quốc nên đã trả đũa bằng biện pháp trừng phạt kinh tế phi chính thức đối với Hàn Quốc.
Do đó, trong chuyến thăm lần này, ông Moon muốn Bắc Kinh gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trên cũng như tái khẳng định sự cam kết của Trung Quốc trong việc gây áp lực lớn hơn với Triều Tiên. Nhưng khi vừa đặt chân tới sân bay Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc lại được đón tiếp bởi ông Kong Xuanyou, Thứ trưởng Ngoại giao.
“Lịch sử Trung Quốc cho thấy, họ thường tiếp đón trọng thị đối với cường quốc và đối xử khác hơn đối với những nước yếu”, cây viết Ko Dae-hoo bình luận trên tờ Korea JoongAng Daily.
Theo tờ SCMP, lần này ông Moon còn không được tiếp đón trọng thị như Tổng thống Philippines, quốc gia có GDP chỉ bằng một phần năm so với Hàn Quốc. Philippines thậm chí còn không lọt vào top 15 đối tác lớn nhất của Bắc Kinh, trong khi Hàn Quốc là bạn hàng lớn thứ 4 của Trung Quốc, đạt 94,7 tỷ USD doanh thu xuất khẩu vào năm 2015, gấp 10 lần so với Philippines.
Khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới thăm Trung Quốc hồi tháng Bảy, ông được đích thân Ngoại trưởng Vương Nghị đón tiếp, chứ không phải bởi Thứ trưởng Ngoại giao Kong Xuanyou.
Một số nhà chỉ trích cho rằng nghi lễ tiếp đón thiếu tôn trọng của Bắc Kinh đối với ông Moon là có chủ đích, trong khi số khác cho rằng như vậy là hợp lý. Bởi ông Kong không chỉ là đại diện cho Bắc Kinh đối với tất cả các vấn đề của bán đảo Triều Tiên mà cũng là nhân vật được chỉ định phụ trách đàm phán sáu bên liên quan tới vấn đề Bình Nhưỡng.
Nếu ông Moon muốn đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán thì việc ông Moon được tiếp đón bởi ông Kong là điều cần thiết.
Một số người khác cho rằng Trung Quốc áp dụng nghi thức tiếp đón ngoại giao kiểu “bờ vai lạnh lẽo” bởi ông Moon tới thăm vào đúng dịp kỷ niệm 80 năm vụ Thảm sát Nam Kinh. Do đó, ông Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác khi đó hầu hết có mặt tại Nam Kinh chứ không phải Bắc Kinh.
Nhưng theo Giáo sư danh dự chính trị học Suh Jin-young tại đại học Hàn Quốc, “thật vô lý khi sắp xếp lịch cho Tổng thống Moon tới thăm Trung Quốc mà không biết ngày kỷ niệm 80 năm Thảm sát Nam Kinh”.
Dù những câu chuyện trên còn khá mơ hồ, nhưng có một vụ việc đã diễn ra không theo ý muốn trong chuyến thăm lần này của ông Moon: Các nhân viên an ninh Trung Quốc đã tấn công hai nhà báo Hàn Quốc chỉ vài giờ trước khi ông Moon gặp ông Tập.
Trước đó, do hai nhà báo trên bất ngờ được thông báo không được đi theo Tổng thống Moon Jae-in nên họ đã phản đối mạnh mẽ. Ngay lập tức, 15 nhân viên an ninh Trung Quốc đã vây quanh đánh hai nhà báo này khiến họ phải nhập viện.
Dù chuyến thăm của ông Moon được đánh giá là thành công trong việc thuyết phục Bắc Kinh tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm vận nhưng những sự việc nêu trên đã ghi lại những dấu ấn xấu trong lòng người Hàn Quốc.
Thậm chí, sau khi ông Moon đã về nước, hai ngày sau đó máy bay ném bom, chiến đấu cơ và máy bay trinh sát của Trung Quốc bị cáo buộc đã xâm phạm không phận Hàn Quốc trong vòng 3,5 tiếng đồng hồ.
Thêm vào đó, cuối tuần trước, Trung Quốc lại tái áp đặt lệnh cấm du khách tới Hàn Quốc, khiến cho quan hệ hai bên lại dần xấu đi sau những thành quả mà ông Moon vừa đạt được.
Xem thêm: Syria: Quân Chính phủ chiếm nhiều vùng ở Nam Damascus từ tay lực lượng thân al-Qaeda