Những băn khoăn về phòng chống tham nhũng

Những băn khoăn về phòng chống tham nhũng

Thứ 4, 30/10/2013 08:36

Trong buổi thảo luận chiều 29-10, gần như tổ đại biểu nào cũng băn khoăn về kết quả công tác phòng chống tham nhũng (PCTN).

Không muốn vạch áo cho người xem lưng!

Các nghị quyết của Đảng cũng như các báo cáo của Chính phủ đều nhận định là công tác PCTN chưa đạt yêu cầu, chưa ngăn chặn và từng bước đẩy lùi theo mục tiêu đề ra. Vậy tại sao? Không phải vì thiếu pháp luật, cũng không thiếu bộ máy. Đã có đủ các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, rồi kiểm toán nữa. Bên cạnh đó, còn có hẳn Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư làm trưởng ban và hệ thống ban nội chính từ trung ương tới 63 tỉnh/thành.

Vậy thì theo tôi, nguyên nhân là chúng ta không muốn vạch áo cho người xem lưng. Đâu đó vẫn có những cơ quan chủ trương  đóng cửa bảo nhau, thậm chí có chỉ thị nghiêm cấm đưa tin nội bộ ra ngoài. Nhiệm kỳ trước, có ĐB công tác ở địa phương, ra QH nói rất mạnh về tham nhũng, vậy là có điện thoại từ trung ương dội xuống tỉnh nhắc nhở...

Ở đây có cả nguyên nhân từ cơ chế quy trách nhiệm người đứng đầu. Đấy là con dao hai lưỡi. Mặt tốt là đề cao trách nhiệm lãnh đạo, nghiêm túc với chính mình, nghiêm khắc với cấp dưới. Nhưng ngược lại, cũng vì ngại trách nhiệm, sợ mất uy tín cơ quan mà việc xấu xảy ra, anh vun vén đóng cửa bảo nhau, lẽ ra chuyển điều tra hình sự thì lại xử lý hành chính nội bộ.

Luật sư - Những băn khoăn về phòng chống tham nhũng

“Không phải vì thiếu pháp luật, cũng không thiếu bộ máy. Nguyên nhân là chúng ta không muốn vạch áo cho người xem lưng”

Cái nửa vời, thiếu quyết liệt ấy cũng thể hiện ở tỉ lệ án treo rất cao trong các vụ án tham nhũng, ở hiện tượng rất nhiều vụ tham nhũng qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử kéo dài thì tội danh được thay đổi từ nặng xuống nhẹ dần. Rồi là việc kê khai tài sản nhưng lại không công khai thực sự tại nơi cư trú, nơi công tác... Về cơ bản, cơ chế ấy không khuyến khích tai mắt của dân, trong khi bỏ mặc người tố cáo lo ngại những hệ lụy với chính mình.

ĐBQH chúng ta đây cũng rất ngại nói, nhất là những ĐB công tác ở địa phương. Chúng tôi là ĐB chuyên trách, nói dễ hơn. Nhưng ngay tôi đây cũng có người khuyên không nên nói nữa, ảnh hưởng đến mình mà có chuyển biến gì đâu. Các cụ bảo, ba tuổi biết nói, 60 tuổi biết im lặng. Tôi năm nay 60, có lẽ nên thế.

Ông LÊ NHƯ TIẾN, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

Thiếu cơ quan độc lập, chuyên trách

Các báo cáo về công tác PCTN đã nhiều lần nói là “đạt kết quả bước đầu”. Ta cũng tự đánh giá tình hình tham nhũng là nghiêm trọng và dù có “quyết tâm cao” nhưng kết quả không tương xứng. Cứ nói mãi như thế, cử tri hỏi có thực sự là “quyết tâm cao” không?

Trong các báo cáo, chúng ta cũng nhiều lần nhận xét rằng tự phát hiện, tự kiểm tra mà phát hiện ra tham nhũng là không nhiều. 10 năm như thế rồi, ta không thể hy vọng tự sửa nữa. Như thanh tra chẳng hạn, chỉ là công cụ của thủ trưởng, phục vụ công tác quản lý nhà nước. Vậy thì làm sao đòi hỏi thanh tra moi móc khuyết điểm của thủ trưởng, của cơ quan, đơn vị để rồi chính thủ trưởng lại phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.

Luật sư - Những băn khoăn về phòng chống tham nhũng (Hình 2).

“Chúng ta hay nói luật đủ rồi, giải pháp đủ rồi mà 10 năm qua, lúc nào cũng báo cáo có chuyển biến, chưa đáp ứng nhu cầu thì dân không chấp nhận được”

Giám sát của QH cũng thế, chỉ về vĩ mô được thôi. Dù có vào một số vụ cụ thể thì cũng chỉ để chứng minh cho tình trạng nào đó chứ không thể giám sát hằng ngày để phát hiện tham nhũng được. Đấy không phải chức năng của QH. Nhưng ngay cả giám sát theo chức năng thì chính chúng ta cũng chưa bao giờ dũng cảm, đoàn giám sát về thì thông báo cử tri có vụ việc gì tiêu cực thì đến báo để xử lý.

Còn giám sát thông qua hoạt động của MTTQ thì bộ máy nhỏ bé thế, luật phản biện xã hội thì chưa có. Có ban thanh tra nhân dân, giám sát cộng đồng thì làm sao vào được dự án quây kín hàng rào, biển to “Không phận sự miễn vào”?

Đúng là bộ máy ta có nhiều nhưng chưa đủ, chưa đúng nguyên lý. Ban Chỉ đạo PCTN vừa rồi thành lập thì đó là thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng. Còn về mặt nhà nước, vẫn cần một cơ quan độc lập, chuyên trách. Phải tổ chức theo nguyên lý chung của thế giới, là tránh xung đột lợi ích, có quyền năng thực sự, độc lập với khu vực có khả năng tham nhũng... thì mới làm được.

Chúng ta hay nói luật đủ rồi, giải pháp đủ rồi mà 10 năm qua, lúc nào cũng báo cáo có chuyển biến, chưa đáp ứng nhu cầu thì dân không chấp nhận được. Tôi cho rằng rồi chúng ta sẽ phải bàn lại.

LÊ THỊ NGA, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Muốn bỏ án treo với tham nhũng, QH cần ra nghị quyết

Đã có ba đoàn kiểm tra việc xử tội tham nhũng ở TP.HCM, kết quả cho thấy tỉ lệ án treo được tuyên cao hơn các loại tội phạm khác. Nguyên nhân là án tham nhũng thường liên quan tới nhiều bị cáo. Trong số này, các bị cáo đồng phạm đều có nhân thân tốt, nếu xử án tù giam như người chủ mưu thì bất công. Không lẽ 12-13 bị can mà tù giam hết. Với pháp luật, ai cũng bình đẳng như nhau. Luật đã quy định các căn cứ để cho hưởng án treo thì không thể phân biệt đối xử.

Dư luận cho rằng khi xử án tham nhũng thì phải căn cứ vào tình hình chính trị. Muốn vậy, QH cần ra nghị quyết, chẳng hạn không cho áp dụng án treo với tội tham nhũng nữa. Giống như trước đây QH ra nghị quyết quy định tài xế gây tai nạn chết người thì không được hưởng án treo. Nhưng cũng lưu ý, xử nặng thế mà tai nạn giao thông có giảm đâu.

ĐB HUỲNH NGỌC ÁNH, Phó Chánh án TAND TP.HCM

Theo Pháp luật TP HCM

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.