Con đường âm nhạc
Cậu bé Ngô Văn Thành sinh ra trong một gia đình công chức truyền thống ở Hà Nội, từ bé đã bị những âm thanh quyến rũ phát ra từ chiếc radio của gia đình mê hoặc. Thấy được niềm đam mê của con, vào một ngày 1958, bố cậu đã dắt tay cậu đến thi tuyển vào Nhạc viện Hà Nội. Cây Violin bắt đầu gắn bó với cuộc sống của Ngô Văn Thành từ đó cho tới nay. Hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng những hình ảnh buổi ban đầu vẫn còn đọng nguyên trong trí nhớ cậu với một sự ham thích và tự nguyện mãnh liệt.
NSND Ngô Văn Thành
Vào trường, Ngô Văn Thành và những người bạn đồng trang lứa của mình may mắn được học dưới sự dìu dắt của các thầy: Bích Ngọc, Tạ Bôn, Nguyễn Sinh, Tuấn Lộc, Ca Lê Thuần,... là những giảng viên trẻ mới từ Liên Xô trở về. Các thầy đã vun đắp và ảnh hưởng rất lớn tới học trò nhỏ về những ước mơ. Những câu chuyện về những người thầy vĩ đại, những nghệ sĩ danh tiếng, những nhà hát và khán phòng với hàng ngàn người xem là nơi chắp cánh cho âm nhạc đã đi vào giấc mơ của Thành và những bạn bè khác.
Cây Violin xuất phát từ phương Tây với âm thanh dìu dặt và da diết, Ngô Thành ước mơ được đến với đất nước Bạch Dương, được học trong những học viện lớn để trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Cậu lao vào luyện tập, có ngày liên tục 10-12 tiếng đồng hồ rồi lại học văn hóa, nghiên cứu...
Những ngày tháng gian khổ nhất phải kể đến những năm 1964- 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ càng ác liệt, Mỹ leo thang đánh phá ra toàn miền Bắc, Nhạc viện buộc phải đi tản cư ở Hà Bắc. Những học sinh 14- 15 tuổi đang đam mê khao khát với tiếng đàn, bỗng nhiên bị quẳng vào chiến tranh với muôn vàn khó khăn.
Ở nơi sơ tán, không điện, không nước, thiếu thốn đủ bề nhưng lại được sự chở che đùm bọc của bà con nông dân, cuộc sống nơi thôn dã cũng ít nhiều tạo nên sự lãng mạn đối với những nghệ sĩ tương lai. Niềm đam mê với âm nhạc lại càng được mở rộng ra khỏi những giới hạn.
Có những buổi tham gia cùng bà con tăng gia sản xuất, đào hầm tăng xê,... ngày ngày lại xách đèn xuống hầm để luyện đàn. Ông còn nhớ rất rõ, có những căn hầm rộng tới mức có thể làm được phòng biểu diễn âm nhạc, không hiểu sao thời kì đó những học sinh vốn chân yếu tay mềm chỉ quen với cây đàn lại có thể làm được điều phi thường đến vậy.
Cũng trong khó khăn, rất nhiều tài năng âm nhạc đã được trưởng thành về sau như: Đặng Thái Sơn, Ngô Hồng Quân, Đỗ Hồng Quân,... thiếu ăn, thiếu mặc nhưng vẫn không quên nuôi dưỡng ước mơ một ngày nào đó được trở về, được biểu diễn ở nước ngoài và trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Rất nhiều ngày họ phải nhịn đói để luyện tập, thời gian rảnh chỉ dùng để đọc sách, để nghiên cứu những tinh hoa của âm nhạc thế giới, bởi hơn ai hết những nghệ sĩ trẻ hiểu được những yêu cầu hàn lâm của lĩnh vực mà mình đang theo đuổi: Không chỉ trí tuệ mà còn có cả tâm hồn và tình cảm.
Năm 1973 được xem như một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Ngô Văn Thành. Cậu cùng Tôn Nữ Nguyệt Minh là hai học sinh duy nhất được thầy Bích Ngọc lựa chọn để tham dự một cuộc thi Trai-cốp-ski được tổ chức ở Liên Xô. Đây là một sự kiện lớn của âm nhạc thế giới.
Trong cuộc thi này, hai thí sinh của Việt Nam đã làm rạng ranh nước nhà khi được đánh giá rất cao, lọt thẳng vào vòng 2 và được giữ lại để tiếp tục học tập. Ngô Văn Thành đang là sinh viên Nhạc viện năm thứ tư, tiếp tục chương trình tại Liên Xô trong 9 năm bao gồm cả chương trình nghiên cứu sinh chính quy, cơ bản. Trong những ngày tháng này, ông may mắn được học với những người thầy violin đôn hậu, thông thái, biết cách tìm hiểu, khơi gợi mọi ngóc ngách trong tâm hồn của học sinh. Điều này cũng ảnh hưởng lớn về sau khi ông đã đứng trên bục giảng và tham gia công tác giảng dạy trực tiếp.
Về nước, vừa làm công tác của một nghệ sĩ biểu diễn, ông còn trực tiếp đứng lớp ở Nhạc viện. Các thế hệ học trò bao gồm cả những em bé chỉ mới lẫm chẫm vào trường cho tới những nghệ sĩ đã thành danh. Với ông, quan trọng nhất vẫn là giúp học trò biết vun đắp lên những giấc mơ và hướng các em vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Một loạt các gương mặt nghệ sĩ Violin: Xuân Thắng, Công Thắng, Mỹ Hương, Thu Bình,... gần đây là Trần Quang Duy, Đỗ Phương Nhi,… cũng qua bàn tay ông và những người thầy đào tạo nên.
Học sinh đã tốt nghiệp, đi xa, học những trường âm nhạc danh tiếng trên thế giới cũng trở về để nghe sự góp ý của ông trước những sự kiện lớn của mình. Ông lại lựa bài, chọn tông, vỡ từng khúc một. Giọng ông trầm, ấm và gần gũi, không chỉ là một người thầy mà còn là một người bạn đồng hành.
NSND Ngô Văn Thành trong một giờ dạy với sinh viên
Hạnh phúc giản đơn
Sau Ngô Văn Thành, các anh chị em khác của ông cũng được vào học trường nhạc, trở thành những nghệ sĩ tên tuổi, về sau đều nắm giữ những nhiệm vụ quan trọng trong công việc đào tạo tài năng trẻ ở học viện. Đến lượt mình, NSND Ngô Văn Thành lại tiếp tục vun đắp giấc mơ âm nhạc cho các con mình.
Từ 3- 4 tuổi ông đã cho các con làm quen với cây đàn, hi vọng một trong hai cô con gái của mình có chung niềm đam mê với cây Violin để ông có thể truyền đạt tất cả những kinh nghiệm của mình. Vậy nhưng sau khi thử một thời gian, nhận thấy sở trường của các con không phù hợp mà ngược lại, hai cô đều thể hiện được năng khiếu đặc biệt với Piano, ông đành gật đầu chấp nhận.
Bằng những kinh nghiệm của một người thầy nhiều năm đứng trên bục giảng, ông biết không thể nào khiên cưỡng. Cũng là âm nhạc cả, không có sự đam mê, không có cái duyên và sở trường thì không thể thành tài. Đến nay, hai con gái ông đều đã trưởng thành, trở thành những nghệ sĩ trẻ tài năng, đang theo học và giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng.
Để có được ngày hôm nay cũng phải kể đến công lao người bạn đời vẫn luôn sát cánh bên ông suốt bao nhiêu năm qua. Gặp nhau từ thuở còn là học sinh, sinh viên trên đất nước Nga Xô Viết, cô gái trẻ Lâm Xuân Thanh đã đem lòng cảm mến chàng nghệ sĩ Violin Ngô Văn Thành với những tình cảm dịu dàng nhất. Là một người am hiểu về âm nhạc nhưng lại không đi theo con đường chuyên nghiệp, hai người có thể trò chuyện và hiểu nhau qua những vấn đề cả hai cùng quan tâm là những bản nhạc, những nhạc sĩ và những công trình tên tuổi.
Sau khi trở về nước, lập gia đình, bà vẫn là khán giả trung thành và am tường của ba cha con. Hiện bà đang giữ chức phó giáo sư ở Đại học Bách khoa, Viện phó Viện sinh học.
Tiếp tục với công việc giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác, hạnh phúc với NSND Ngô Văn Thành nằm ở chính những thành công mà các thế hệ học trò đạt được. Giản dị trong đời thường, sâu sắc và am tường, thấu hiểu trong cuộc sống và đam mê trong nghệ thuật là những điều mà người đời vẫn nhìn thấy ở ông: NSND violin Ngô Văn Thành.
Mỗi nghệ sĩ là một bài ca hy vọng Nhiều năm trong vai trò trưởng khoa Violin, phó giám đốc Học viện âm nhạc Quốc Gia, rồi giám đốc Học viện, cho tới nay khi đã có tuổi, ông quay trở lại với công tác giảng dạy trực tiếp. Gặp ông trong một giờ lên lớp, nghe và quan sát cách ông hướng dẫn cho những học trò của mình khiến tôi vỡ ra được vì sao các học trò lại yêu quý ông đến vậy. Cái cách ông dạy cũng đơn giản và gần gũi giúp học sinh hình dung được những gì nên và cần của một người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu. Bản lĩnh vượt qua những tác động môi trường xung quanh. Bởi ông luôn hiểu một điều, mỗi nghệ sĩ cũng là một bài ca hi vọng, luôn phải tìm ra những giải pháp khác nhau để đi đến cái đích sau cùng chứ không phải chỉ cắm cúi vào luyện tập là được. |
Đỗ Huệ