Trong lịch sử Trung Quốc, có một người phụ nữ từng nhiều lần buông rèm nhiếp chính, thậm chí đích thân lập hoàng đế. Đó chính là người phụ nữ quyền lực nhất vương triều Đại Thanh – Từ Hi Thái hậu.
Được xưng tụng là "Lão Phật gia", Từ Hi Thái hậu nắm quyền cai trị nhà Thanh trong gần 5 thập kỷ. Thế nhưng, vì nắm trong tay quyền lực lớn lại gây thù chuốc oán với không ít người nên lúc sinh thời Từ Hi Thái hậu từng trở thành chủ đề dị nghị, thậm chí còn là mục tiêu ám sát của những thế lực đối địch.
Để bảo vệ bản thân bà đã bố trí lực lượng Ngự lâm quân dày đặc canh giữ Tử Cấm Thành, đồng thời sắp xếp không ít đại nội thị vệ có võ công cao cường ngày đêm túc trực quanh tẩm cung của mình. Chưa dừng lại ở đó, theo các nhà sử học Trung Quốc, vị Tây Thái hậu năm xưa còn bí mật mang bên mình những món đồ "hộ mạng" hết sức đặc biệt.
"Cảnh chẩm"- Chiếc gối có công năng báo động
Trong cuốn hồi ký của Dụ Đức Linh, nữ quan thân cận của Từ Hi Thái hậu, có nhắc tới một vật dụng phòng thân có tên gọi là "cảnh chẩm".
Theo miêu tả, "cảnh chẩm" dài khoảng 12 thước Anh, có ruột làm từ hoa khô, lá trà. Nhìn bên ngoài chiếc gối này không khác gì gối thường nhưng bên trong có thiết kế một khoảng trống chu vi khoảng 2 inch (tầm 5 cm).. Chỉ cần nằm lên trên và áp tai vào đúng vị trí này thì có thể nghe rất rõ những âm thanh xung quanh mình, dù là nhỏ nhất.
Nhờ đó, ngay cả trong lúc ngủ Từ Hi Thái hậu cũng có thể nghe được những tiếng động bất thường, từ đó kịp thời phát hiện có người đến gần mình.
Quạt ám khí
Từ Hi Thái hậu thường mang theo bên mình món bảo bối phòng thần là quạt ám khí. Cây quạt có cấu tạo đơn giản gồm hai phần là phần chuôi làm bằng gỗ tử và phần xương quạt được tạo hình bầu dục, bên trên phủ một lớp lụa mỏng.
Điểm đặc biệt là phần chuôi quạt được đục rỗng và thiết kế cơ quan ám khí. Trong trường hợp khẩn cấp, Thái hậu chỉ cần đưa quạt ra đúng hướng và ấn vào nút ở chuôi là hàng loạt mũi tên sẽ theo đó bay về phía kẻ địch.
Bên cạnh đó lớp lụa mỏng phủ lên xương quạt cũng là một loại tơ tằm cực bền và dai. Lớp vải này có thể chắn được nhiều loại ám khí, thậm chí dùng đao kiếm chém trực diện vài nhát cũng chưa chắc đã có thể xé rách.
Về lai lịch của chiếc quạt, có giả thuyết cho rằng, nó là món quà của thái giám thân tín Lý Liên Anh dâng lên Thái hậu. Giai thoại khác lại khẳng định Viên Thế Khải mới là người dâng món bảo vật này. Mặc dù còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề trên thế nhưng đa số ý kiến đều khẳng định cây quạt ám khí có giá tạo tác lên tới 3000 lượng bạc trắng và do một kỳ nhân làm vũ khí nổi tiếng kinh thành chế tạo ra.
Vũ khí bí mật tẩm mê hương
Trong số những giai thoại có liên quan tới lai lịch của loại vũ khí đặc biệt này thì 2 câu chuyện dưới đây phổ biến hơn cả.
Giai thoại thứ nhất cho rằng vũ khí tẩm mê hương mà “Lão Phật gia” luôn mang theo bên mình chính là bộ đồ bảo hộ móng được bà đeo ở ngón út và áp út ở cả hai bàn tay. Người sáng tạo nên loại vũ khí này là một thị vệ có tên Lý Văn Trung. Trong một lần xem các thị vệ đấu võ Từ Hi đã nhìn thấy người này hạ gục được đối thủ chỉ trong chớp mắt nhờ loại binh khí đeo trên ngón tay được làm từ thép tinh luyện và tẩm mê hương. Sau đó, bà yêu cầu Lý thị vệ làm riêng cho mình một bộ đồ bảo hộ móng có kèm thuốc mê để phòng thân.Tuy nhiên ngay khi vừa nhận được món đồ, Từ Hi đã dùng chính thứ vũ khí ấy để “diệt khẩu”.
Một giai thoại khác thì khẳng định vũ khí tẩm thuốc mê của Thái hậu do một người giỏi tỷ võ tên là Kỳ Tân sáng tạo ra.
Theo giai thoại này thì điểm đặc biệt nằm ở công thức chế tạo mê hương. Vị Thái hậu sau đó đã tẩm mê hương này lên một chiếc khăn tay và luôn mang theo bên mình. Khi gặp nguy hiểm liền phất khăn vào đối thủ nhằm khiến cho kẻ đó mất đi sự tỉnh táo. Tuy nhiên giống như Lý Văn Trung, Kỳ Tân trong giai thoại nói trên cũng chịu chung kết cục bi thảm.
Bên cạnh việc loại trừ mối nguy đến bất ngờ, Từ Hy thái hậu còn rất cẩn thận trong việc ăn uống. Thái hậu mỗi ngày ăn 4 bữa, mỗi bữa có đến trăm món, được chế biến công phu theo nguyên tắc: thực phẩm phải thật tươi. Mỗi món ăn, thái hậu ăn nhiều nhất là 3 thìa, vì sợ bị đầu độc. Trước khi ăn thường dùng thẻ thử độc bằng bạc đặc chế để thử. Nếu thức ăn có độc thẻ sẽ đổi màu đen, đồng nghĩa món ăn đó đã bị nhiễm độc và sẽ không được ăn.
Chính nhờ sự cẩn trọng và biết trù tính cho bản thân Từ Hi Thái hậu có thể ngồi trên ngôi vị Nhiếp chính gần nửa thế kỷ và chỉ buông bỏ quyền lực khi qua đời vì bệnh tật ở tuổi 72.
Minh Hoa (t/h)