Những bí ẩn về hòn đảo trường sinh ở Hy Lạp

Những bí ẩn về hòn đảo trường sinh ở Hy Lạp

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Trong lịch sử, tại nhiều quốc gia phương Đông lưu truyền niềm tin rằng, ở đâu đó ngoài biển khơi mênh mông, có một hòn đảo tên là Bồng Lai, ở đó tồn tại sự trường sinh bất tử. Thật bất ngờ khi biết rằng, giữa thời hiện đại này, có một hòn đảo như vậy thực sự đang tồn tại.

Đảo trường sinh thời hiện đại

Tuổi thọ rất cao của cư dân trên đảo Ikaria khiến nơi đây được mệnh danh là nơi Thần Chết quên viếng thăm. Hòn đảo nhỏ xinh đẹp của Hy Lạp đã khiến nhiều nhà nghiên cứu phải ngỡ ngàng bởi sự kỳ diệu của nó.

Năm 1943, giữa lúc cuộc Thế chiến thứ Hai đang diễn ra khốc liệt nhất, một chiến binh người Hy Lạp tên là Stamatis Moraitis được đưa tới Mỹ để điều trị vết thương trên cánh tay. Ông trúng đạn trong một trận chiến chống quân phát xít Đức tại hòn đảo Ikaria quê nhà. Chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, lên được tàu Queen Elizabeth, lúc đó được huy động làm tàu vận tải quân sự, vượt Đại Tây Dương, ông Moraitis dừng chân tại cảng Jefferson (New York - Mỹ). Nơi đây cũng tập trung đông đảo những người đồng hương Hy Lạp của ông di cư tới. Sau khi vết thương được chữa lành, ông kiếm được việc làm, rồi lập gia đình với một phụ nữ Mỹ gốc Hy Lạp, sinh con, tậu nhà, nhập quốc tịch Mỹ.

Xã hội - Những bí ẩn về hòn đảo trường sinh ở Hy Lạp

Người đàn ông may mắn thoát khỏi án tử của bệnh ung thư nhờ quay về đảo trường sinh

Một ngày trong năm 1976, ông Moraitis đi khám bệnh do cảm thấy khó thở trong lúc leo lên cầu thang. Bác sĩ kết luận ông bị ung thư phổi. Hoảng loạn, người đàn ông mới hơn 60 tuổi này đi khám lại tại 8 bác sĩ khác nhau, và tất cả đều chung khẳng định như vị bác sĩ ban đầu. Cả 9 vị thầy thuốc đều cho rằng ông chỉ còn sống được nhiều nhất là 9 tháng nữa.

Ban đầu, Moraitis định ở lại Mỹ để điều trị bệnh và được ở gần vợ con trong những ngày tháng cuối đời. Tuy nhiên, khi đối diện với cái chết, tình yêu quê hương trỗi dậy và ông quyết định trở về đảo Ikaria. Sau hơn 30 năm rời xa, vợ chồng ông Moraitis quay về ngôi nhà cũ trên hòn đảo quê hương, sống cùng cha mẹ già của ông ở phía bắc đảo Ikaria. Ngôi nhà tọa lạc trên sườn đồi thoai thoải, xung quanh là nho và ô liu mát mẻ. Những ngày đầu, ông Moraitis suốt ngày nằm trên giường với tâm trạng bi quan của một kẻ chờ chết. Chỉ vào các buổi sáng chủ nhật, ông mới gắng gượng dậy đi lễ nhà thờ.

Trong những tháng tiếp theo, một diễn biến lạ lùng xảy ra. Ông Moraitis cảm thấy khỏe khoắn hơn. Vào một ngày cảm thấy sức lực dồi dào, ông bắt tay vào việc trồng trọt vài thứ cây trong vườn nhà. Đến lúc đó, ông vẫn không dám hy vọng rằng sẽ được ăn cây trái mình trồng. Ông làm chỉ vì cảm thấy khoan khoái dưới ánh mặt trời và hít thở gió biển trong lành. Sáu tháng nữa trôi qua, những cây do ông trồng đã bắt đầu cho trái mà ông vẫn chưa ra đi như bác sĩ Mỹ đã dự đoán. Phấn khởi, ông Moraitis bắt tay vào việc dọn dẹp vườn nho của gia đình. Ông bắt đầu thói quen ngủ một giấc thật dài, rồi thức dậy, ra vườn làm việc cho tới trưa. Sau bữa trưa, ông lại đánh một giấc ngủ dài cho đến chiều tối mới tỉnh dậy, dạo bước tới một quán đầu làng chơi domino với bè bạn cho tới nửa đêm.

Năm tháng trôi qua, sức khỏe và tinh thần của ông ngày một khá hơn. Ông xây thêm phòng trong ngôi nhà cũ để đón con cháu ở Mỹ về chơi khi có dịp. Ông mở rộng vườn nho đến mức có thể sản xuất được khoảng 1.500 lít rượu nho mỗi vụ. Giờ đây, theo giấy tờ, ông Moraitis đã 97 tuổi, nhưng ông cho rằng thực tế mình đã 102 tuổi. Chứng ung thư phổi đã biến mất từ lúc nào không hay, dù ông không hề áp dụng bất cứ một biện pháp điều trị nào. Tất cả những gì ông đã làm khi nhận “án tử hình” từ miệng 9 vị bác sĩ xưa kia chỉ là dọn về sinh sống tại đảo Ikaria quê nhà. Năm 2001, trong một dịp trở về Mỹ sau 25 năm hồi hương, ông tìm gặp các bác sĩ đã từng khám và khẳng định ông bị ung thư nhưng tất cả họ đều đã chết, trước ông.

Thuốc trường sinh trên đảo Ikaria ?

Câu chuyện của ông Moraitis được nhà báo Dan Buettner của tờ The New York Times kể lại đã gây chấn động cả giới y học. Nhưng vị nhà báo này cho biết, Moraitis chỉ là một trường hợp bình thường trên đảo Ikaria. Trong nhiều năm qua, nhà báo Dan Buettner đã theo chân một số nhà khoa học khác, nằm vùng tại Ikaria để nghiên cứu về tình trạng sống thọ trên hòn đảo trường sinh này, xuất phát từ gợi ý của một nhà nghiên cứu Hy Lạp.

Một cuộc điều tra đối với những cư dân trên đảo sinh trong khoảng thời gian từ năm 1900 tới năm 1920 được tiến hành. Công việc gặp nhiều khó khăn do nhiều người không còn nhớ chính xác tuổi của mình, giấy tờ của thế hệ này thì hầu như không có hoặc không còn được lưu giữ, bởi họ đã trải qua tới 2 cuộc thế chiến. Các nhà nghiên cứu biết được trở ngại này nên đã sàng lọc kỹ lưỡng tuổi tác các vị cao niên bằng nhiều cách như tham khảo lý lịch của họ trong sổ trưng binh, tài liệu rửa tội khi họ ra đời. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu kết luận: Tỉ lệ cư dân Ikaria sống tới 90 tuổi cao gấp 2,5 lần người Mỹ. Số năm sống thêm sau tuổi 90 của họ cũng cao hơn, từ 8 tới 10 năm.

Xã hội - Những bí ẩn về hòn đảo trường sinh ở Hy Lạp (Hình 2).

Hòn đảo trường sinh nay đã có lời giải đáp khoa học

Ikaria là hòn đảo thuộc Hy Lạp, có diện tích 256 km2, dân số khoảng 10.000 người, nằm cách duyên hải phía tây Thổ Nhĩ Kỳ chừng 48 km. Nơi đây vốn nổi danh là hòn đảo nghỉ dưỡng từ mấy trăm năm qua, nhờ sở hữu những suối khoáng nóng. Để tìm câu trả lời cho bí quyết trường thọ trên đảo, nhóm nghiên cứu đã đến thăm một vị bác sĩ địa phương. Vị bác sĩ này đã đón tiếp họ bằng rượu nho, với đồ nhắm là trái ôliu Kalamata, bánh mì Ikaria và nước chấm làm bằng đậu, olive, tỏi, ớt... Ông dần tiết lộ bí quyết sống của cư dân trên đảo: Ở đây người ta thức rất khuya và dậy rất muộn.

Thăm hỏi của các vị cao niên trên 90 tuổi, nhóm nghiên cứu tìm được thói quen ăn uống của họ là: Giàu chất dầu oliu và rau, ít chất sữa (trừ sữa dê) và thịt, một chút rượu nho. Đặc biệt thực đơn của dân Ikaria gồm nhiều rau cỏ trồng trong vườn như cải bắp, khoai tây, đậu và các loại rau xanh sữa dê và mật. Theo các nhà nghiên cứu, đây chính là bí quyết trường thọ ở Ikaria.

Trước hết, nhờ hấp thụ ít các loại thực phẩm có chất béo bão hòa ở thịt và sữa đã giúp tránh được nguy cơ mắc bệnh về tim mạch. Sau đó là dầu olive, nhất là thứ không đun nóng, có khả năng giảm loại cholesterol xấu và tăng loại cholesterol tốt. Còn sữa dê có chất tryptophan tăng cường chất serotonin và dễ tiêu hóa cho người già. Một số loại rau xanh đi kèm với chế độ ăn uống của vùng Địa Trung Hải chứng tỏ hữu hiệu trong việc giúp cơ thể hấp thu chất antioxidant (có tác dụng chống ung bướu). Loại chè bán hoang dã trên đảo mà các vị cao niên uống hàng ngày với liều lượng vừa phải, được biết có tác dụng giảm mức bệnh tiểu đường, bệnh tim và đối với một số người mắc bệnh Parkinson. Còn một yếu tố khác giúp những người trên đảo thần tiên này sống lâu là nhờ tiêu thụ cây nhà lá vườn không bị nhiễm hóa chất và các loại thuốc trừ sâu, nên được hưởng chất dinh dưỡng cao từ rau quả. Ước tính, riêng chế độ ăn uống như thế đã giúp người Ikaria trung bình thọ thêm bốn năm so với dân Mỹ.

Cách sinh hoạt của người trên hải đảo này cũng năng động hơn hẳn nơi khác. Các hàng quán Ikaria về đêm nhộn nhịp tiếng nhạc và điệu nhảy. Phụ nữ trong vùng tụ tập trong phòng ăn, ngồi uống trà vào ban ngày. Đến nửa đêm, họ dọn dẹp bàn ghế và phòng ăn trở thành sàn nhảy, người ta tay nắm tay giao hòa trong điệu nhạc dân tộc. Một phụ nữ trong vùng tiết lộ cách sống vui vẻ trẻ trung với nhà báo Mỹ: Ở đây mọi người an vui vì họ biết thế nào là đủ. Họ có thể không có tiền để mua sắm các vật dụng đắt tiền, xa xỉ nhưng họ cũng có đủ tiền để mua thực phẩm để trên bàn trong bữa ăn. Quan trọng hơn, họ có nguồn vui tinh thần là một gia đình ấm cúng và bạn bè thân ái. Người dân trên đảo không cần vội vàng làm xong việc vào ban ngày, vì họ có thể làm vào ban đêm hoặc để sang ngày hôm sau. Kết thúc một ngày lao động, họ không quay về nhà, nằm dài trên ghế sofa và dán mắt vào màn hình tivi, mà họ đi tìm bạn bè để vui chơi.

triết lý sống tích cực và lối sống lành mạnh ấy khiến mặc dù ở Ikaria mức thất nghiệp khá cao nhưng lối sống tự túc nhờ trồng trọt và chăn nuôi cũng đủ để người dân hưởng hạnh phúc và sống an nhiên tự tại.

Ngoài đảo Ikaria của Hy Lạp, đảo Sardinia ở Italy cũng được gọi là đảo Trường Sinh vì ở đây có tới 222 người trên 100 tuổi, trung bình là 13,5 người/100.000 người. Con số này cao hơn rất nhiều tỷ lệ bình quân trên thế giới. Những cụ trên 80 tuổi ở đây vẫn lao động bình thường. Nhìn bên ngoài, các cụ trông giống như những người 60 tuổi ở những nơi khác. Khí hậu trong lành và nguồn nước sạch thôi chưa đủ để đảm bảo cho những người dân trên đảo sống lâu. Chưa thể lý giải được nguyên nhân cặn kẽ như ở đảo Ikaria, các nhà khoa học đã tạm kết luận rằng, người dân trên đảo Sardinia có mang gen trường thọ.

Thanh Tùng


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.