David Cheriton sinh năm 1951 tại Canada. Ông là con thứ ba trong gia đình có 6 anh chị em với bố mẹ đều là kỹ sư. Cheriton lớn lên trong thời kỳ sau cuộc đại suy thoái. Bố mẹ ông luôn khuyến khích các con tự tìm lối đi riêng.
Từ nhỏ Cheriton đã được nhận xét là người độc lập, tự tin. Cậu bé không thích tham gia đội thể thao của trường mà dành thời gian xây một căn nhà gỗ riêng trong vườn sau nhà để tránh xa những đứa trẻ khác. Cậu bé rời trường trung học từ năm lớp 11 vì thấy chương trình học quá “nhẹ” so với khả năng của bản thân. Hiểu và tôn trọng ý kiến của con, bố mẹ cậu không phản đối. “David đã luôn tự tìm con đường riêng của mình, chúng tôi không can thiệp vào quyết định của con”, bố Cheriton cho biết.
David Cheriton đã chọn học chương trình ghi ta cổ điển và nghệ thuật trình diễn mà không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào. Tuy nhiên sau khi trượt khoa Âm nhạc của đại học Alberta, Cheriton lại tìm được đam mê với toán học, sau đó là khoa học máy tính. Ông hoàn thành chương trình học tại đại học British Columbia và lấy bằng tiến sĩ ở đại học Waterloo.
Năm 1981, trong khi tìm vốn tài trợ nghiên cứu, ông đến Stanford khi thung lũng Silicon đang ở giai đoạn mới hình thành. Tại đây, ông quen biết nghiên cứu sinh người Đức Andy Bechtolsheim, người thiết lập mạng máy tính Stanford University Network (gọi tắt là SUN). Bechtolsheim ngỏ ý mời Cheriton tham gia phát triển phần mềm cho máy tính nối mạng. Không chỉ viết phần mềm, Cheriton còn tham gia thiết kế cả phần cứng.
Một năm sau, Bechtolsheim rời Stanford để thành lập Sun Microsystems trong khi đó Cheriton vẫn theo đuổi sự nghiệp dạy học. Ông đứng ngoài trào lưu lúc bấy giờ là dừng học tập, giảng dạy để mở công ty.
Năm 1995, Bechtolsheim rời SUN sau đó cùng với Chertion lập ra Granite Systems, một công ty chuyển mạch Ethernet. Chỉ sau hơn 1 năm thành lập, hai người đã bán công ty này cho Cisco với giá 220 triệu USD. Năm 2001, hai người lại cùng nhau lập nên công ty mạng lưới Kealia, rồi bán lại cho SUN với giá 120 triệu USD. Nhưng thương vụ thành công nhất của họ phải kể đến việc “rót vốn” cho hai chàng sinh viên sáng lập Google. Theo đó, năm 1998, Chertion và Bechtolsheim, mỗi người đã đồng ý đầu tư 100.000 USD vào dự án của Larry Page và Sergey Brin sau khi nghe 2 người trình bày ý tưởng.
Dù tự nhận may mắn khi đầu tư vào Google nhưng theo Ron Conway, một nhà đầu tư có mặt ở khắp thung lũng Silicon, Cheriton và Bechtolsheim là những người cực kỳ thông minh, có tầm nhìn, vì thế họ thu hút được nhiều kỹ sư tài năng để cùng chia sẻ ý tưởng với mình.
Không chỉ Larry và Sergey, nhiều sinh viên khác cũng tìm đến vị giáo sư ngành khoa học máy tính để tìm kiếm lời khuyên và nguồn vốn đầu tư. Ông luôn khuyến khích người trẻ dám nghĩ lớn đồng thời không ngại chi tiền mạnh tay cho họ. Song, yêu cầu của ông cũng cực kỳ cao. Các sinh viên tiết lộ, những cuộc thảo luận với Cheriton là một trong những khoảng thời gian căng thẳng nhất mà họ từng trải qua.
Với những quyết định đầu tư thông minh, hiện David Cheriton nắm trong tay khối tài sản ròng ước tính 7,3 tỷ USD (theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes). Quả không ngoa khi nói rằng Cheriton là vị giáo sư giàu nhất thế giới. Mặc dù lắm tiền nhiều của nhưng ông có cách chi tiêu khiến nhiều người bất ngờ.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Edmonton Journal vào năm 2006, David Cheriton từng gây chú ý khi chia sẻ: “Có người thậm chí xây căn nhà với 13 phòng tắm, tôi nghĩ họ không bình thường”. Hiện ông vẫn di chuyển bằng chiếc Volkswagen Vanagon đời 1986 mua từ thuở hàn vi và sống trong căn nhà giản dị tại Palo Alto trong suốt 30 năm qua.
Ít ai biết rằng, ông tự cắt tóc, thậm chí tái sử dụng túi lọc trà. Món đồ xa xỉ nhất mà ông từng mua là một chiếc Honda Odyssey cho các con của mình. Ông còn có thói quen đi xe đạp hơn là những chiếc xế hộp đắt tiền. Ông chỉ bay trên các chuyến bay thương mại và thích quần jean hơn là những mẫu quần áo hàng hiệu.
Tuy nhiên, giáo sư tỷ phú sẵn sàng chi tiền cho một “niềm đam mê” tốn kém đó là lập công ty. Hai công ty đầu tiên do ông tham gia thành lập được bán lại với giá hàng trăm triệu USD. Ông kiếm được hơn 50 triệu USD từ việc đầu tư lại vào 17 công ty khác nhau.
Ngoài ra ông còn được biết đến là người sống kín tiếng. Không có nhiều thông tin của Cheriton trên Google vì ông không hề có LinkedIn, Twitter hay thậm chí Facebook như nhiều tỷ phú ở thung lũng Silicon. Vì thế nhiều người gọi còn ông với biệt danh “giáo sư tỷ phú bí ẩn”.
Thay vì tận hưởng cuộc sống thượng lưu xa hoa, ông tập trung vào những ý tưởng góp phần cải thiện cuộc sống con người. “Tôi có một niềm tin rằng nếu bạn mang đến giá trị thực sự cho thế giới và thực hiện theo cách hiểu biết , thị trường sẽ không quên bạn”, Cheriton nói .
Vị giáo sư đại học Stanford chính là nhà đồng sáng lập của Arista Networks. Công ty của ông tạo ra bộ chuyển dữ liệu có thể giảm thiểu thời gian chờ giữa các máy chủ, tốc độ bit dưới 500 nanoseconds (một phần tỷ của giây). Điều này giúp các nhà đầu tư chứng khoán thực hiện giao dịch nhanh hơn và cho phép các bác sĩ kết hợp bộ gen của bệnh nhân ngay lập tức.
Minh Hoa (t/h)