Theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học, vương quốc đó chính là người Mạ nay. Bên cạnh sự tồn tại bí hiểm đó thì cho tới ngày nay, trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, người Mạ cũng để lại trong kho tàng văn hóa dân gian nhiều phong tục, tập quán, truyền thống độc đáo chưa được biết đến rộng rãi của mình.
Sự tồn tại của vương quốc lạ kỳ
Vùng Định Quán, Tân Phú (Đồng Nai) và phần lớn vùng cao nguyên Di Linh, Bảo Lộc (Lâm Đồng) ngày nay là địa bàn của người Mạ sinh sống. Theo các tài liệu nghiên cứu cho biết thì người Mạ là người bản địa vùng này. Vào năm 1984, một cuộc khảo cổ đã khám phá ra Thánh địa Cát Tiên. Là một di chỉ được phát hiện rộng hàng trăm ha, trải dài khoảng 15km, dọc theo hệ thống sông Đồng Nai. Đây là khu vực bao gồm rất nhiều bãi bồi ven sông, nhiều gò đồi được bao bọc bởi dãy Trường Sơn Nam.
Khi khai quật di chỉ này, các nhà khoa học thật sự sững sờ về những gì mà họ thấy được. Những bí mật về nền văn hóa đã chôn vùi hàng chục thế kỷ được hé lộ qua lớp đất đá thời gian (theo các nhà khoa học thì nền văn hóa này tồn tại từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 11). Nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra nhằm tìm kiếm chủ nhân của nền văn hóa độc đáo này. Cùng với đó, nhiều thông tin được tiết lộ tại Di chỉ Thánh địa Cát Tiên đã làm nóng giới khảo cổ và các nhà khoa học. Trong một cuộc hội thảo về Thánh địa Cát Tiên diễn ra vào đầu tháng 12/2012, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, chủ nhân của Thánh địa Cát Tiên chính là người Mạ.
Trai gái người Mạ trước đây có thể ngủ chung với nhau trước khi cưới.
Giáo sư Lương Ninh, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: "Thánh địa cát Tiên là do người bản địa tự làm cho mình. Mà người bản địa chính là người Mạ, chứ không phải là người Chân Lạp hay Phù Nam...". Khi nghiên cứu về những di vật và các hiện vật được tìm thấy tại Thánh địa Cát Tiên cùng những tài liệu liên quan khác, cố giáo sư Trần Quốc Vượng cũng tin rằng: "Di chỉ này là của người Mạ, họ là những người sống từ xa xưa tại vùng này. Chính trong cộng đồng dân cư của tộc người này vẫn còn lưu truyền về vương quốc Mạ. Tuy nhiên, họ không biết được nó tồn tại vào giai đoạn lịch sử nào và ở vùng đất nào".
Trước đó, trong nghiên cứu của mình, Bernard Bourotte cho biết: "Người Mạ là một trong các cư dân bản địa. Xưa kia, họ đã lập nên công quốc Mạ". Ông đã dùng cụm từ Principauté Mạ đã nói về vương quốc này. Còn người Mạ thì gọi là Nggar Chau Mạ. Ranh giới của vương quốc Mạ được cho là vùng giáp ranh với sông La Ngà ở phía Nam, phía Bắc giáp vùng Đức Trọng (Lâm Đồng ngày nay), phía Đông giáp với đồng bằng Bình Thuận và phía Tây giáp với sông Bé (tỉnh Bình Dương và Bình Phước ngày nay). Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 17 thì vương quốc này biến mất một cách bí ẩn mà không rõ nguyên nhân.
Các nhà khoa học cũng tin rằng, tại Đồng Nai, đến giai đoạn trước năm 1945, người Mạ sinh sống tập trung tại các làng Tà Lài, Gia Canh, Cao Cang, Thuận Tùng của các huyện Tân Phú và Định Quán. Họ sinh sống và làm ăn theo kiểu ăn rừng, uống nước trời, đậm nét nguyên thủy. Cuộc sống của người Mạ yên ổn cho tới khi bị “vòi hút máu” của thực dân Pháp xâm chiếm tới vùng này. Đồng thời, bọn thực dân còn mang dã tâm lớn, khi dùng người Mạ chống lại người Mạ nói riêng và người Việt nói chung. Chúng bắt thanh niên người Mạ đi lính. Vì thế mà thời bấy giờ mới có khái niệm lính Thổ, Ý, chính là nói đến người Mạ đi lính cho thực dân Pháp. Ngoài việc lấy người Việt đánh người Việt, thì mục đích của bọn thực dân chính là thực hiện ý đồ chia rẽ dân tộc. Tuy nhiên, không bao lâu sau, bà con tộc người Mạ đã giác ngộ đứng lên đấu tranh mạnh mẽ, họ bỏ nơi tập trung trở về làng cũ, không chịu cảnh sống chim lồng, cá chậu.
Cho đến nay, người Mạ cũng được biết đến với nhiều cái tên khác nhau. Họ từng được gọi là Châu Mạ, Mạ Ngan (người Mạ ở chính dòng) hay Mạ Xôp (người Mạ ở vùng đá phiến), Mạ Tô (người Mạ vùng thượng nguồn sông Đồng Nai), Mạ Krung (người Mạ vùng đồng bằng), Mạ Xrê (người Mạ làm ruộng) hay Mạ Hoang (những người Mạ trước đây thực dân Pháp không kiểm soát được).
Cũng theo các nhà khoa học thì xưa kia, người Mạ sinh hoạt trong những ngôi nhà sàn dài tới hàng chục mét. Mỗi làng (bon) thường tập trung nhiều ngôi nhà sàn, nằm san sát nhau. Có khi, một ngôi nhà sàn có rất nhiều gia đình cùng huyết thống sinh sống. Họ làm sàn cách mặt đất khoảng từ 1 - 1,5m. Khung nhà được làm bằng các loại gỗ ở trong rừng, thường là gỗ căm xe, bằng lăng, gõ nhưng lại kiêng cử dùng cây dầu.
Một dân tộc tài hoa hiếm có
Ông Ka Bách, nay đã gần 70 tuổi, được giao nhiệm vụ quan trọng là trông giữ ngôi nhà Rông truyền thống của đồng bào Mạ kể lại: "Khi đi tìm đất, những người trong làng thường rủ nhau đi. Đặc biệt, một vị già làng giàu kinh nghiệm trong việc sản xuất và chọn đất sẽ dẫn đầu. Có khi, việc tìm đất cũng mất mấy ngày". Đất họ chọn là những nơi tương đối bằng phẳng, có sườn dốc, nhiều mùn và đất dẻo.
Thông thường, họ chọn những cánh rừng thứ sinh có đất tốt, tương đối ẩm và tập trung khai phá. Họ tránh những khu rừng nguyên sinh, rừng thiêng, nơi có những cây cao, bóng cả, um tùm, rậm rạp. Theo quan niệm của người Mạ, thì đó là những khu rừng cấm vì có các vị thần linh ngự trị. Bên cạnh đó, khi đi tìm rẫy, nếu gặp con cù lần (cu li) thì không làm. Hoặc khi có con vật này chết trong rẫy, họ cũng sẽ bỏ, không làm nữa.
Theo quan niệm xa xưa, người Mạ (và người Stiêng, Chơ Ro) coi con cù lần là ông tổ của con người. Ông tổ đã truyền dạy cho họ cách làm nương rẫy nên khi gặp thì con cháu phải tránh xa, không được làm kinh động. Người Mạ cũng quan niệm rằng, những con vật này chết, nếu làm tiếp thì sẽ thất mùa, gia đình đau ốm triền miên. Nhưng cũng có thể làm tiếp mảnh rẫy ấy, khi gia chủ tiến hành làm lễ cúng.
Khi chọn được đất, người Mạ dùng những công cụ lao động của chính mình làm ra như xà gạc, rìu để đốn cây, phát sạch cỏ. Đến khoảng tháng hai và tháng ba âm lịch thì họ tiến hành đốt. Lúc này, các cây đốn đã khô và ít gió. Mùa rẫy thực sự bắt đầu vào tháng tư âm lịch, khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa.
Trước khi gieo trồng, bà con thường làm lễ để cúng rẫy ngay mảnh đất vừa khai phá. Họ cầu mong cho các yang (thần) phù hộ cho làm được mùa, tránh ma quỷ phá hoại. Người Mạ cũng trồng các loại hoa màu như lúa, bắp, khoai mì. Mỗi mảnh nương rẫy được người Mạ canh tác trong khoảng 2 - 3 năm thì bạc màu. Họ đi tiếp đến những cánh rừng mới và khoảng gần 10 năm sau thì quay lại nơi phát rừng đầu tiên để canh tác lại mảnh đất cũ. Quy trình đó được lặp đi lặp lại liên tục.
Trong quá trình lao động sản xuất, người Mạ đã sáng chế ra khung cửi dệt vải làm chăn mền, khố, áo, khăn. Các nhà khoa học khẳng định, xưa kia, nghề dệt của người Mạ nổi tiếng trong vùng. Họ tự trồng cây bông, kéo sợi và dùng loại khung dệt thô sơ để dệt thổ cẩm làm chăn đắp, váy, khố, áo. Dù công nghệ thô sơ, nhưng các hoa văn hết sức độc đáo và đẹp mắt. Thời ấy, các cộng đồng tộc người ở khu vực Đông Nam Bộ cũng phải ngả mũ thán phục trước sự khéo léo, tinh tế của đôi bàn tay người Mạ trong việc dệt thổ cẩm.
Hiện, trong số 1.000 khẩu tại Tà Lài thì còn khoảng ngót nghét trên dưới trăm người biết dệt thổ cẩm. Họ duy trì là mong cho nghề dệt không đi vào quên lãng. Bà Ka Thị Bích, một trong những người còn giữ được nghề dệt chia sẻ: "Ngày xưa, trước khi đi lấy chồng, con gái Mạ phải biết dệt. Đó là một kỹ năng luôn được nhà trai chú ý đến đầu tiên. Chính vì thế, họ luôn được các bà mẹ truyền dạy từ nhỏ. Càng lớn lên, đôi tay của người phụ nữ Mạ càng khéo léo. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều loại quần áo đa dạng, nhiều kiểu lại rẻ nên trang phục từ dệt không còn phổ biến và có rất ít người dùng. Nghề dệt cũng vì thế mà khó khăn theo".
Ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Tân Phú cho biết, để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại địa phương, Trung tâm đã tuyển chọn một số người Mạ thành thạo nghề dệt, trực tiếp ngồi dệt tại chỗ và được trả lương hàng tháng. Đây là việc làm nhằm quảng bá hình ảnh, bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng, tôn vinh sản phẩm của người Mạ, đồng thời, góp phần nâng cao đời sống cho người dân tộc. Thông qua đó, giới thiệu cho khách du lịch khi đến với Tà Lài nói riêng và Đồng Nai nói chung những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Mạ.
Đang có nhiều ý kiến cho rằng, di chỉ Thánh địa Cát Tiên là do người Mạ làm nên.
Tục yêu đương độc đáo của người Mạ
Trong chuyện yêu đương, trai gái người Mạ có thể tự do tìm hiểu và đến với nhau. Thậm chí, họ còn được ngủ chung với nhau nhưng không được có bầu trước khi cưới. Khi trai gái lấy nhau, họ phải tuân theo nhiều tục lệ độc đáo và kỳ lạ. Trong văn hóa của người Mạ cũng đã từng không có khái niệm trinh tiết tồn tại.
Theo ông Trần Quang Toại, phó giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Đồng Nai, người phụ trách mảng văn hóa lâu năm của ngành cho biết, người Mạ trước đây rất thoải mái trong chuyện hôn nhân. Họ cho con cái tự do tìm hiểu hiểu lẫn nhau mà không ngăn cấm hay buộc phải tuân theo một luật tục nào. Trai gái muốn tìm hiểu nhau thì họ hò hẹn tại những nơi vắng vẻ, yên tĩnh.
Chính vì không có sự ngăn cấm, họ có thể quen nhau trong mọi hoàn cảnh. Có thể là trong lúc lao động sản xuất, gặp gỡ trong các dịp lễ, hội. Riêng trong quan hệ huyết thống, trước đây, con cô và con cậu vẫn có thể đến được với nhau và lập gia đình. Đến quan hệ gần gũi hơn là con chú và con bác thì tuyệt nhiên cấm. Nếu ai vi phạm vào tội loạn luân thì bị bon (làng) phạt rất nặng. Ngoài việc bị phạt, họ còn có thể bị đuổi ra khỏi làng. Thời ấy, việc đuổi khỏi làng chỉ dành cho những tội lỗi tày trời.
Ông Ka Bách, một người cao tuổi, giữ ngôi nhà Rông truyền thống của làng người Mạ tại Tà Lài thì chia sẻ rằng, trong việc đánh giá chuẩn đạo đức, dù trai gái có thể tự do yêu đương, tìm hiểu và có thể ngủ chung với nhau nhưng nếu cô gái nào ít giao du và sống không buông thả thì vẫn được đánh giá cao hơn. Việc các cô gái ăn ngủ chung với các chàng trai là chuyện bình thường, nhưng một cô gái không được ăn ngủ cùng lúc với nhiều chàng trai khác. Trong trường hợp có hai chàng trai cùng mê một cô gái thì họ sẽ thách đấu. Ai thắng trong trận đấu bình đẳng ấy sẽ là người chiếm lĩnh cô gái, đương nhiên, cô gái cũng phải yêu chàng trai. Họ chiến đấu bằng xà gạc để tranh tài cao thấp.
Cũng theo ông Ka Bách, khi hai người đồng ý đến với nhau thì chàng trai sẽ về báo với gia đình chuẩn bị lễ vật đến nhà gái làm đám nói. Khi làm đám nói, giống nhiều dân tộc khác, người Mạ cũng dẫn theo một ông mai là người có uy tín, thuộc họ hàng gần gũi. Nếu người làm mai thuộc họ hàng xa thì không được nhà gái chấp nhận. Trước đây, chàng trai và cô gái mặc những loại thổ cẩm do chính cộng đồng người Mạ dệt nên trong ngày làm đám nói cũng như lễ cưới.
Chàng trai sẽ mặc một chiếc khố, có những sợi dây màu đỏ, tay đeo nhiều vòng đồng, tóc thì cài lược sừng trâu và búi tóc. Khi đi hỏi vợ, chàng trai người Mạ là một dũng sỹ thực thụ. Họ mang theo lao, vác xà gạc, dắt theo dao ngay hông lưng. Khi tới trước cửa nhà gái, chàng trai sẽ cắm ngọn lao xuống đất và cùng đoàn nhà trai chờ nhà gái ra đón. Dù đã được thông báo trước, nhưng nhà gái sẽ đợi và giao cho cha hoặc cậu ruột ra đón.
Khi hai bên giáp mặt, nhà trai sẽ trình bày rõ mục đích của mình, mặc dù đã được cô gái thông báo từ trước. Được sự đồng ý của nhà gái, chàng trai sẽ rút ngọn giáo cùng đoàn nhà trai bước vào nhà. Vào đến nơi, chàng trai sẽ đứng trước bàn thờ các yang, tổ tiên khấn vái rồi gác ngọn giáo lên xà nhà. Chàng trai sẽ để ngọn giáo bảy ngày bảy đêm tại nhà gái. Riêng cô gái xuất hiện trong đám nói cũng ăn diện hết sức cầu kỳ.
Theo đó, cô sẽ mặc một bộ váy được dệt tinh xảo với các hoa văn, họa tiết đẹp mắt cùng với chiếc thắt đai lưng sặc sỡ, đeo nhiều chuỗi vòng, hạt cườm. Cô gái cũng sẽ búi tóc, gài lược sừng trâu, có cắm con dao nhỏ. Sau khi tiến hành làm lễ xong thì cả hai bên gia đình sẽ ngồi lại và chuyện trò. Trong không khí đó, không thể thiếu thuốc và trầu cùng rượu. Thỏa thuận xong mọi việc thì nhà trai ra về, còn chàng rể tương lai sẽ ở lại nhà gái để làm việc.
Một điều hết sức đặc biệt là trước khi đôi trai gái chưa làm đám nói có thể ngủ với nhau nhưng sau đám nói, họ hoàn toàn không được làm việc này. Nếu muốn ngủ chung thì họ phải vào rừng làm một túp lều và cả hai sẽ sống chung với nhau ở đó. Đây có lẽ là nét độc đáo chỉ có ở người Mạ mà thôi. Bà Ka Thị Hương, ở xã Tà Lài cũng nhớ lại: "Lễ vật trong đám nói, theo quan niệm của người Mạ thì nhà trai phải đưa cho nhà gái một cái ché, một con gà làm sẵn cùng một số trang sức: Chuỗi cườm đeo cổ, chiếc vòng và những thứ cô gái đã có yêu cầu từ trước đó".
Ngày nay, các luật tục nói trên đã đi vào dĩ vãng, chỉ còn là ký ức của những người cố cựu như ông Ka Bách, bà Hương. Thêm vào đó, người Mạ cũng đã tiếp thu những nét văn hóa hiện đại vào trong cuộc sống của mình nên đã có nhiều thay đổi trong chế độ hôn nhân. Anh Ka Thịnh, một dũng sỹ của người Mạ tại Thuận Tùng chia sẻ, ngày nay nhà trai đã chủ động hơn trong hôn nhân, đồng thời, chàng rể cũng có thể rước dâu như người Kinh ngay sau làm lễ cưới và không phải ở rể như trước đây. Tuy nhiên, chế độ một vợ một chồng vẫn được duy trì như một truyền thống tốt đẹp của người Mạ từ xa xưa.
Gái Mạ ngoại tình có thể bị đuổi khỏi làng Về các luật tục trong hôn nhân của người Mạ, nhiều nhà nghiên cứu đã hết sức bất ngờ về sự tiến bộ của họ trong chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Theo đó, trong xã hội người Mạ hiếm khi nào xảy ra chuyện ngoại tình. Bởi nếu vi phạm vào tội này thì sẽ bị phạt rất nặng, dù đó là chồng hay vợ. Riêng người chồng, nếu vợ bắt quả tang ngoại tình thì anh ta phải nộp phạt cho nhà vợ một số lễ vật nhất định. Thậm chí, người vợ có thể giết chồng mà không hề mắc tội. Còn nếu người chồng nghi ngờ vợ mình ngoại tình với ai đó, anh ta có thể thách đấu bằng lao với tình địch. Người vợ bị bắt quả tang ngoại tình cũng phải nộp phạt cho nhà trai một số lễ vật. Đàn bà ngoại tình với trai chưa vợ thì cả hai đều phải nộp phạt rất nặng với nhiều lễ vật, gồm: Một bộ chiêng, một con trâu để nộp phạt cho chồng, đồng thời, họ còn phải nộp thêm: Một con dê hoặc một con trâu, một con heo cho căn nhà nơi xảy ra ngoại tình, một con dê cho con đường đến thần linh, một con vịt cho con đường ra rẫy và một con vịt cho con đường xuống suối lấy nước. Chưa hết, riêng người đàn bà ngoại tình, nếu không tu tâm dưỡng tính và tái phạm thì sẽ bị đuổi ra khỏi làng, khi đi không được mang theo bất cứ thứ gì. Còn với làng khi xảy ra một vụ ngoại tình thì trong tuần lễ đó, cả làng sẽ ngưng mọi hoạt động trong hai lần, đồng thời, cắm cành lá báo hiệu cấm người lạ vào làng. |
Trung Nghĩa