Cuộc sống phiêu bạt và ước mơ của Schliemann
Schliemann sinh ngày 06/1/1822, tại thị trấn nhỏ của Neubuckow, Đức. Cha của ông, Ernst, là một mục sư đạo Tin Lành, người đã nuôi nấng ông một mình từ khi vợ qua đời năm Schiemann chỉ vừa chín tuổi. Cứ mỗi tối, trước khi đi ngủ, người cha lại đọc I-li-at và Ô-đi-xê cho Heinrich bé bỏng nghe, điều này vun đắp cho trí tưởng tượng của cậu bé lúc nào cũng đầy ắp những hình ảnh người anh hùng. Tuy nhiên, tuổi thơ êm đẹp qua rất nhanh khi người cha bị bắt quả tang hành vi biển thủ quỹ nhà thờ. Và khi mới 14 tuổi, Schliemann đã phải học việc tại một cửa hàng tạp hóa và làm việc 15 giờ mỗi ngày để kiếm sống.
Một góc thành Tơ - roa cổ đã được khai quật ngày nay
Một ngày nọ, khi tay trợ lý chủ quán nốc rượu say mềm, lảo đảo chứng minh rằng ông ta vẫn làm chủ được lời nói của mình bằng cách trích dẫn 1 đoạn từ cuốn sử thi Iliad của Ho-me-rơ. Những lời đó thực sự đã mặc khải cho Schliemann một cách đáng kinh ngạc. Schliemann đã chạy theo gã say và cầu xin hắn đọc đi đọc lại đoạn trích dẫn đó một lần, hai lần và nhiều lần nữa. Đêm đó, ông đã nhớ lại những câu chuyện của cha mình và tuyên bố sẽ phát hiện ra thành Tơ-roa của Hô-me-rơ.
Sau năm năm làm việc tại cửa hàng tạp hóa, Schliemann đăng ký làm một cabin boy (phục dịch trên tàu) làm việc cho con tàu Dorothea thuộc Venezuela. Tuy nhiên không may là sau 2 tuần lênh đênh trên biển, Dorothea bị lật úp trong một cơn bão. Schliemann là một trong số ít những người sống sót, đã trôi dạt vào bờ trên một hòn đảo ở Biển Bắc. Ông được đưa đến một bệnh viện ở Amsterdam, Hà Lan và cuối cùng tìm được việc làm trong một văn phòng ở đó.
Năm 1850, Schliemann hay tin anh trai mình, một nhà đầu tư giàu có trong lĩnh vực khai thác vàng tại California, qua đời. Schliemann đã tới Sacramento để giải quyết các bất động sản của anh trai mình, sau đó mua và bán lại hơn một triệu đô la bụi vàng trong sáu tháng. Cho tới khi một đại lý địa phương Rothschild phàn nàn rằng ông ta ăn bớt khối lượng lô hàng, Schliemann tháo chạy trở lại nước Nga, lấy lý do đau ốm và kết hôn với Ekaterina Lyschin, cháu gái của một trong những người bạn giàu có của mình. Schliemann sau đó tích lũy được một ít tài sản nho nhỏ nhờ buôn bán thuốc nhuộm chàm. Sau đó, ông sa chân vào thị trường thuốc chợ đen cung cấp cho chiến tranh Crimean. Đến năm 1858, ở tuổi 36, ông từ bỏ việc kiếm chác và làm giàu nhờ chiến tranh.
Năm 1859, vào năm nhà khoa học nổi tiếng Darwin xuất bản cuốn sách chấn động về nguồn gốc của loài, Schliemann chu du tới Hy Lạp và Tiểu Á một mình, để Ekaterina ở nhà nuôi lớn ba đứa con và chẳng có một chút ham thích việc rong ruổi trong những chuyến du lịch dài lê thê của đức ông chồng.
Nỗi ám ảnh về thành Tơ-roa của Schliemann trỗi dậy khi ông gặp Frank Calvert, một nhà ngoại giao Anh, người đã tuyên bố tìm thấy thành Tơ-roa trong trang trại gia đình mình tại Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực này được người địa phương biết đến như là Hisarlik.
Cuối cùng, Schliemann cũng ly dị Ekaterina và sau đó cưới Sophia Engastromenos, 17 tuổi năm ông 47 tuổi. Em họ cô ta là Đức Tổng giám mục thành Athens đã đề nghị với Schliemann cho phép cô trở thành trợ lý cho kế hoạch chứng minh sự tồn tại thành Tơ-roa huyền thoại. Mối duyên này chả được bao lâu vì sau khi Schliemann tích lũy được chút ít tài sản, ông lại bỏ vợ để tới Hy Lạp, một lần nữa kết hôn với một thiếu nữ tên là Sophia hòng có một đồng sự người Hy Lạp giúp ông thực hiện kế hoạch tìm kiếm thành Tơ-roa trong mơ của mình. Không ai còn biết số phận người vợ đầu của Schliemann, tuy nhiên người ta đồn rằng những người thân giàu có của bà đã thay ông chăm sóc con gái họ và 3 đứa trẻ.
Chân dung Schliemann
Những phát hiện kỳ lạ và uẩn khúc bỏ ngỏ
Trong giới khảo cổ học người ta biết rằng, có thể có nhiều thời đại sống chồng lên nhau ở cùng một khoảng đất. Người dân đã sống tại Hisarlik- xưa là thành cổ Tơ-roa trong hơn 3000 năm. Trong 3000 năm ấy, nhiều nền văn minh đã diễn ra và bị chôn vùi rồi lại được chồng lên bởi một nền văn minh khác cho tới khi Hisarlik cao bằng một ngọn núi. Năm 1871, khi Schliemann bắt đầu khai quật Hisarlik, ông đã hướng dẫn những người làm công chia Hisarlik thành 2 gò đất cho đến khi họ chạm tới tầng cư trú dưới cùng mà ông giả thiết là thành Tơ-roa trong cuốn sử thi của Hô-me-rơ. Tuy nhiên, ông đã sai lầm. Schliemann đã đi quá xa vì thành Tơ-roa chỉ tồn tại cách đây hơn 1000 năm và bằng việc đi tới độ sâu 3000 năm lịch sử, ông gần như đã phá hủy toàn bộ những gì đang tìm kiếm.
Một ngày nọ vào tháng 5/1873, một tia sáng lóe lên của kim loại lọt vào mắt của Schliemann, ông viết: “Ngay lập tức, tôi đã yêu cầu giải lao để paidos (ăn trưa) ... Trong khi những người khác được ăn uống và nghỉ ngơi, tôi đã dùng một con dao lớn để đào lên thứ châu báu mà tôi nhìn thấy. Tuy nhiên, tôi không thể lấy nó ra nếu không có sự giúp đỡ của người vợ yêu quý, người đứng cạnh tôi và sẵn sàng gói những gì tôi lấy ra cho vào chiếc khăn choàng của mình và mang chúng đi”.
Ông ta đã bí mật mang nó về Đức, nhưng không thể đừng được một hành động mang tính công bố là cho Sophia đeo thứ châu báu đó lên mình và chụp 1 bức ảnh. Những quan chức Ottoman xem được tấm ảnh này đã ngay lập tức thu hồi giấy phép khai quật của Schliemann và kiện ông này vì việc chiếm giữ bất hợp pháp vàng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1876, Chính phủ Hy Lạp đã cấp giấy phép cho Schliemann khai quật tại Mycenae, khoảng 90 km về phía Tây Nam của Athens, vùng đất khá nổi tiếng nhưng chưa được các nhà khoa học để mắt tới. Tuy nhiên cũng vì tai tiếng sẵn có, sau khi cuộc phiêu lưu của Schliemann tới Thổ Nhĩ Kỳ, Hội Khảo cổ học Hy Lạp đã chỉ định một nhân viên mật chuyên theo dõi anh ta.
Schliemann một lần nữa tham khảo ý kiến từ các văn bản cổ đại. Trong đó, Pausanias, một nhà địa lý học đã viết rằng, Mycenaeans là nơi chôn cất các vị vua của họ bên trong các bức tường. Hầu hết các học giả nghĩ rằng ông này ám chỉ những bức tường lớn bao quanh ngôi mộ chính. Tuy nhiên, Schliemann có suy nghĩ hoàn toàn khác. Ông đã tiến hành đào xới bên trong những bức tường thành phố của thành phố gần Lion Gate (một lối vào cổng thành Mycenae cổ thời kỳ đồ đồng phía nam Hy Lạp). Bằng việc đó, ông đã phát hiện ra năm ngôi mộ hình chữ nhật. Ngôi mộ đầu tiên chứa phần còn lại của xác 19 người lớn và hai trẻ sơ sinh được dát vàng. Trong các ngôi mộ thứ ba và thứ tư, Schliemann tìm thấy năm chiến binh bị chôn vùi với mặt nạ vàng. Một trong 5 chiếc mặt nạ đặc biệt và sáng lóa hơn hẳn 4 chiếc còn lại. “Tôi đã được nhìn thấy khuôn mặt của Agamemnon" (Agamemnon là con trai vua Atreus của Mycenae và nữ hoàng Aerope), ông gần như kêu lên sung sướng.
Nhiều tranh cãi nổi lên xung quanh “Mặt nạ của Agamemnon”. Nó khác hẳn với 4 chiếc mặt nạ thô kệch và tầm thường còn lại. Tuy nhiên "Agamemnon" có những nét cao quý và ria mép kiểu râu quặp phổ biến trong thế kỷ 19 ở châu Âu thay vì thời thời Hy Lạp cổ đại. Do vậy, nhiều nhà khảo cổ đặt ra giả thuyết đây là đồ giả. Song việc chứng minh không được Chính phủ Hy Lạp cho phép.
Khẳng định và nghi hoặc Schliemann sớm học được chân lý phi thương bất phú và cần có ngôn ngữ làm chiếc vé mở cánh cửa giàu sang. Trong 2 năm, ông đã tự học thành công 6 ngôn ngữ là tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý. Sau này, ông tuyên bố, ông đã có thể học một ngôn ngữ trong sáu tuần. Đến năm 1844, một công ty xuất nhập khẩu đã thuê Schliemann là đại diện của họ ở St Petersburg và ông đã làm việc ở đó một cách xuất sắc. Mặc dù một phần sự thật vẫn còn nằm trong bóng tối, không ai không đồng ý rằng Schliemann là một doanh nhân khôn ngoan, một nhà ngôn ngữ tự học có tài và là người ở độ tuổi 40 đã phát hiện ra thành Tơ-roa. Nỗi ám ảnh của ông có thể đúng, có thể sai nhưng đã mở ra cho thế giới này một cánh cửa để bước vào thế giới cổ đại, thế giới của sử thi, và thế giới của huyền thoại. |
Minh Nguyệt