Những bí mật rưng rưng phía sau những bệnh nhân tâm thần

Những bí mật rưng rưng phía sau những bệnh nhân tâm thần

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Sống trong thế giới của sự bất hạnh, những người tâm thần phải đối diện bao nỗi đau, sự dằn vặt về số phận của bản thân.

Bước vào bệnh viện tâm thần Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM), chúng tôi thật sự sợ hãi, choáng váng khi phải nghe những tiếng la hét, khóc lóc của những người mắc bệnh tâm thần. Chưa kịp dựng chiếc xe, chúng tôi bị một người đàn ông khá trẻ tuổi lao tới hỏi “em đi thăm bệnh hả”, rồi ngó nghiêng nhìn tôi khiến tôi không dám nhích chân cho tới khi bác bảo vệ ra hộ tống.

Thế giới của những mảnh đời bất hạnh

Được sự hướng dẫn của bác sĩ Mỹ Lệ, trưởng điều dưỡng của bệnh viện, chúng tôi đến thăm và trò chuyện với các bệnh nhân tâm thần. Những ánh mắt cứ trừng trừng, trợn lên nhìn chúng tôi như kẻ thù. Thế nhưng, lắng lại một chút, tiếp xúc và trò chuyện với họ, chúng tôi thấy họ hiền lành, sống vô tư, ngoan ngoãn như những đứa trẻ. Chúng tôi phần nào hiểu được những nỗi đau, sự bất hạnh giấu kín của họ.

Pháp luật - Những bí mật rưng rưng phía sau những bệnh nhân tâm thần

Bệnh nhân tâm thần tại bệnh viện Lê Minh Xuân.

Theo chân bác sĩ Lệ, chúng tôi đến thăm chị Huỳnh Thị Trân (SN 1953, ngụ huyện Bình Chánh). Chị Trân lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khốn khó, ba già cả, mẹ hay đau yếu, lại đông anh em. Năm 24 tuổi, Trân bỗng dưng thấy mình hay đau đầu, chóng mặt, uống thuốc, điều trị mãi vẫn không khỏi. Sự bất hạnh không chỉ dừng lại ở đó. Hai cậu em trai của chị là Huỳnh Lạc Thành (SN 1960), Huỳnh Trung Thành (SN 1965) cũng nhập viện vì bị tâm thần phân liệt.

Cũng giống như nỗi bất hạnh của ba chị em Trân, chúng tôi được nghe hoàn cảnh của bệnh nhân Đặng Thị Lệ. Trước khi cho tôi gặp chị, các bác sĩ và y tá ở đây đã dặn dò kĩ lưỡng tôi không nên hỏi nhiều về gia đình vì sợ bệnh nhân bị sốc. Bệnh nhân Đặng Thị Lệ (SN 1957), lớn lên ở TP.HCM.

Ba mẹ Lệ mất sớm và để lại ba chị em bơ vơ giữa dòng đời. Những mảnh ghép vỡ vụn về những kỉ niệm vui buồn được tái hiện, chị Lệ kể: "Hồi nhỏ, khi học lớp 3, một lần thầy giáo gọi lên bảng đọc bảng cửu chương nhưng tôi không thuộc. Sau đó không hiểu sao thầy giáo đấm vô lưng tôi một cái đốp. Từ sau đó, cứ nhìn thấy thầy là tôi sợ, không thể nào học nổi nên xin ba cho nghỉ ở nhà đi may dép. Sau đó ít lâu, mẹ tôi phát bệnh tâm thần. Và giờ, tôi đã ở bệnh viện tâm thần này cả 23 năm rồi".

Giờ đây, chị Đặng Thị Lệ tìm được niềm vui của mình trong việc may nút khuy áo cho các bệnh nhân. Và ở nơi đây chị đã tìm được tình yêu với một bệnh nhân nam. Chúng tôi gặng hỏi dò chị Lệ xem những câu chuyện bí mật đó là chuyện gì nhưng chị dứt khoát: "Tâm sự của người ta mình phải giấu chứ không được nói ra".

Khác với hoàn cảnh của chị Trân và chị Lệ, chúng tôi bắt gặp một bệnh nhân nam khoảng chừng 25 tuổi đang đuổi theo một cô y tá khóc lóc đòi... về nhà. Nhìn những hàng nước mắt lăn dài trên đôi má gầy gò, khuôn mặt hốc hác của người thanh niên, chúng tôi và các điều dưỡng cùng bước thật nhanh để giấu cảm xúc của mình.

Pháp luật - Những bí mật rưng rưng phía sau những bệnh nhân tâm thần (Hình 2).

Hai anh em bệnh nhân Huỳnh Lạc Thành, Huỳnh Trung Thành.

Bất ngờ những tác phẩm của bệnh nhân tâm thần

Chúng tôi thật sự bị bất ngờ khi được bác sĩ Lệ dẫn đến khoa điều trị trị liệu của bệnh viện. Đây là nơi trưng bày tất cả những sản phẩm tâm hồn chất chứa đầy ưu tư của những người tâm thần. Những suy tư, tình cảm, sự dằn vặt, nỗi nhớ, niềm hạnh phúc, tất cả được họ phác họa qua từng tác phẩm tranh, thơ, tự sự của mình.

Tại đây, chúng tôi bắt gặp một bức tranh đồng quê của bệnh nhân Lý Đệ. Bức tranh diễn tả một ước mơ, suy nghĩ về cái cảnh đồng quê yên bình, bát ngát. Gặp chúng tôi, khi được hỏi về bức tranh, Lý Đệ nói một cách ngô nghê: "Trên cánh đồng lúa mênh mông ấy, ngập tràn niềm vui và những giọt mồ hôi của các bác nông dân đi gặt lúa, tiếng cười khúc khích giòn tan của những đứa trẻ chăn trâu".

Suy tư về những nỗi buồn khi màn đêm buông xuống và hi vọng một ánh sáng chiếu rọi cho cuộc đời tối tăm của mình là tác phẩm Tự thiền của một bệnh nhân tâm thần. Chủ nhân của bức tranh trên chính là chị Huỳnh Thị Trân.

Dằn vặt vì gánh nặng mà dù không cố ý nhưng đã đưa lại cho những người thân yêu của mình cũng được thốt lên qua dòng kí sự của bệnh nhân Đỗ Ngọc Thành: "Tôi ở đây gần 12 năm trời rồi mà vẫn chưa được về. Không biết chừng nào tôi mới được về nhà. Tôi rất khờ, chẳng biết gì hơn là ở lại, ở miết không biết tương lai, rồi sẽ ra sao, về đâu thật khổ không biết tôi có làm được gì cho ai, lợi ích gì không nếu về rồi kiếm việc gì làm đây. Ngày hai bữa cơm hẩm hiu, tôi còn một nỗi buồn là bị chọc phá hoài. Không biết có còn vui được như người ta nữa không...".

Ai chả hạnh phúc, ai có thể xóa đi những suy nghĩ không mấy tốt đẹp của mình về người điên, ai có thể dũng cảm xem những người tâm thần như những người bình thường - đó là những suy tư, dằn vặt của bệnh nhân Trần Thái Học trong tác phẩm Người. Chia sẻ về tác phẩm của mình, bệnh nhân Trần Thái Học triết lý: "Người chỉ biến một lần còn sống, ngàn mũi tên lửa hận quân thù, vì một chữ ngàn thu ai, trả sự đời trên cả sinh vay”.

Pháp luật - Những bí mật rưng rưng phía sau những bệnh nhân tâm thần (Hình 3).

Bác sĩ Đặng Văn Bình, phó giám đốc bệnh viện tâm thần Lê Minh Xuân.

Bệnh nhân Nguyễn Thành Sang với tác phẩm Còn nhớ về bản thân chia sẻ: "Lặng mình sau những cơn đau vật vã của bệnh tật, nỗi nhớ của người tâm thần về gia đình. Giờ đây, ngôi nhà vắng vẻ đìu hiu thiếu vắng con. Mẹ ơi, con nhớ. Lạnh lẽo đêm về mẹ thương con không Chia tay lúc nhớ ngậm ngùi, lưu luyến sao thế lại vui".

Tình yêu với người tâm thần mộc mạc nhưng đầy hạnh phúc, pha lẫn một chút khôi hài và thấm thía nỗi xót xa. Bệnh nhân Phạm Quốc Thắng chia sẻ với chúng tôi: "Tình yêu là gì? Đó là một cơn ho mà ta không thể giấu. Từ dạo biết yêu rồi, cuộc đời ta thay đổi. Ta hay cười hay hát. Ta rộng lượng bao dung. Thật suy nghĩ cho cùng. Tình yêu là nguồn sống". Và ước mơ về tình yêu của họ cũng không kém phần lãng mạn như bao người khác.

Chúng tôi gọi chủ nhân của những tác phẩm ấy là những kiệt tác xúc động của người bệnh khi lắng mình trong những suy tư về cuộc đời, về bệnh tật, về sự sống và về tình yêu cháy bỏng. Đó chỉ là những mơ ước mà mỗi người viết đều biết rằng nó chỉ có thể trên trang giấy được "thai nghén" trong lúc nửa tỉnh nửa mê. Ước mơ về những ngày tươi sáng chỉ có thể là mơ mộng viển vông của một người luôn sống trong sự mơ hồ...

Bác sĩ Đặng Văn Bình, Phó giám đốc bệnh viện tâm thần Lê Minh Xuân cho biết: "Là những người trực tiếp làm công tác cứu người, chúng tôi luôn cố gắng hết sức để họ tỉnh táo và đưa bệnh nhân về với cộng đồng. Thế nhưng khó khăn lớn nhất của một bệnh nhân tâm thần đó là ít được sự chia sẻ, đồng cảm của mọi người trong gia đình. Người nhà có khuynh hướng sợ người bệnh phá phách cho nên sau một thời gian điều trị, chúng tôi thấy người bệnh đã tỉnh táo nên gọi gia đình đến đưa về với tình yêu thương chăm sóc của người thân. Thế nhưng, họ từ chối và không chịu đưa bệnh nhân về. Vì thế, đã nhiều lần chúng tôi phải trực tiếp đưa bệnh nhân về tận gia đình. Nhưng chỉ được vài hôm, người nhà lại mang đến bệnh viện trả lại".

Thơ Trịnh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.