Thông tin từ cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), mỗi năm ở nước ta, số người mắc bệnh thủy đậu luôn ở mức cao, dao động 25.000-40.000 người. Thời gian qua do thời tiết giao mùa nên bệnh thủy đậu đã bùng phát khắp nơi và chuyển biến một cách phức tạp.
Trao đổi với PV, ông Trần Như Dương - Viện phó viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, thủy đậu xảy ra nhiều nhất vào mùa Đông Xuân, từ cuối năm dương lịch cho đến tháng 4 hàng năm. Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây, dễ bùng phát thành dịch.
Bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhiều nhất ở trẻ 5-9 tuổi. Ngoài trẻ em, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh và lây chéo từ người khác. Thủy đậu xảy ra nặng nhất ở người lớn và trẻ dưới 5 tuổi. Đa số người mắc chưa được tiêm vắc xin phòng thủy đậu, tuy nhiên cũng có một số trường hợp đã tiêm vắc xin rồi vẫn mắc bệnh.
Theo ông Dương, trẻ có dấu hiệu bị thủy đậu thường sốt cao, đau nhức, sau đó xuất hiện mụn nước trên da, trong vòng 24-48 giờ có thể nổi toàn thân. Trường hợp người bệnh có sức đề kháng tốt, mụn nước thường nổi ít hơn, tình trạng bệnh không quá trầm trọng.
Dù lành tính, thủy đậu vẫn có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm gan, viêm phổi.
Trong đó, viêm phổi là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của thủy đậu với biểu hiện là ho ra máu, khó thở, thở nhanh, sốt cao. Nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Một biến chứng nguy hiểm khác của thủy đậu là viêm não. Theo báo cáo của cơ quan Dịch vụ Y tế Anh, tỷ lệ tử vong do bị viêm não biến chứng chiếm từ 5-20%, nếu được cứu sống thì người bệnh cũng có nguy cơ bại não, nằm liệt giường.
Ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là khi thai kỳ trong khoảng 13-20 tuần, khi mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ…).
Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.
Các chuyên gia khuyến cáo, căn nguyên gây bệnh thủy đậu là do virus cho nên chưa có thuốc chữa đặc hiệu. Vì vậy, chủ yếu điều trị triệu chứng, đặc biệt là ngứa và tránh bội nhiễm da, bên cạnh đó có thể dùng thuốc ức chế sự phát triển của virus thủy đậu (Varicella Zonster).
Bên cạnh đó, phòng bệnh thủy đậu tốt nhất vẫn là dùng vắc xin cho trẻ và cả người lớn chưa có miễn dịch với bệnh thuỷ đậu. Vì vậy, mọi người có thể đưa trẻ hoặc bản thân mình muốn tiêm phòng vắc xin phòng bệnh thủy đậu, hãy đến các trung tâm y tế dự phòng của quận, huyện để tiêm. Song song với các biện pháp phòng bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thật tốt để nâng cao sức đề kháng.
Nguyễn Huệ