Trò chuyện với chúng tôi khi đang trong những ngày nằm nghỉ ngơi tại nhà sau ca phẫu thuật ghép thận từ người cho thận là mẹ ruột, anh Luận luôn mang trong mình tâm sự ngày được trở lại bệnh viện để tiếp tục công việc của mình. Phần có thể hỗ trợ đồng nghiệp và bệnh nhân, phần khác có kinh phí giúp gia đình bước qua quãng thời gian khó khăn này.
Tháng 7/2015, sau thời gian 2 năm công tác tại trung tâm Cấp cứu 115 của tỉnh Bắc Ninh, anh Luận chuyển về công tác tại bệnh viện Đa khoa Yên Phong. Tháng 9/2015, anh được lãnh đạo bệnh viện cử đi học lớp chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai. Sau 3 tháng học tập tại đây, anh trở lại bệnh viện và được điều chuyển lên công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu – Thận nhân tạo của bệnh viện.
Tiếp xúc với những người bệnh phải chạy thận nhân tạo, anh thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Không ít những câu chuyện, những tâm sự, những ước mơ của người bệnh khiến anh thấy day dứt.
“Nhưng tôi cũng không nghĩ một ngày, chính tôi lại mắc căn bệnh đó. Thời gian này, tôi càng thấu hiểu hơn những khó khăn mà bệnh nhân chạy thận đang phải trải qua”, anh Luận nói.
Một năm sau ngày công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu – Thận nhân tạo là chuỗi những ngày bi kịch xảy tới với chàng trai 9X. Tháng 8/2016, anh bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não và phải điều trị tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Sau quá trình điều trị, hồi phục, anh được lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Yên Phong tạo điều kiện chuyển về khoa Truyền nhiễm để giảm bớt áp lực công việc.
“Thời gian này, vợ tôi cũng nghỉ việc tại khu công nghiệp để ở nhà chăm sóc chồng”, anh Luận nhớ lại.
Ba tháng sau ngày bị tai nạn giao thông, anh Luận thấy người mỏi nhưng không nghĩ mình bị suy thận. Tháng 3/2017, sau khi làm các thủ tục xét nghiệm tại chính bệnh viện mình đang công tác, cầm kết luận trên tay bị suy thận cấp độ 3, anh Luận như chết lặng.
Những tưởng bệnh tật sẽ chỉ đeo bám anh chừng ấy nhưng tới tháng 10/2017, anh Luận bị viêm ruột thừa cấp và phải mổ cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh. Cũng thời điểm này, căn bệnh suy thận của anh diễn biến theo chiều huớng xấu đi .
“Sau đó, tôi phải lọc máu cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Yên Phong rồi đi khám và tiếp tục điều trị tích cực tại bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức.
Thời gian nằm điều trị tại bệnh viện Việt Đức, tôi được y bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị để tiến hành ghép thận. Trong thời gian chờ khám tìm nguồn ghép thận và làm các xét nghiệm cần thiết, tôi vẫn tiếp tục chạy thận nhân tạo chu kỳ tại bệnh viện Đa khoa Yên Phong”, anh Luận chia sẻ.
Mẹ ruột anh Luận – bà Nguyễn Thị Diên (SN 1967) có thận tương thích với con và bà quyết định cho con mình một bên thận để mong cứu con.
“Mẹ tôi mắc bệnh tim mạch đã từng phải mổ can thiệp. Lúc đó, tôi không đồng ý để mẹ hiến một bên thận, nhưng khi tôi đã ở giai đoạn cuối, phải đi lọc máu, mẹ tự đi làm các xét nghiệm…”, nói tới đây, anh Luận nghẹn giọng.
Tháng 3/2018, anh Luận được các y bác sĩ tại bệnh viện Việt Đức tiến hành ghép thận. Ca mổ đã thành công tốt đẹp. Sau ghép, anh Luận được điều trị và theo dõi tích cực tại bệnh viện Việt Đức. Sau 2 tuần điều trị và theo dõi sau ghép, sức khoẻ của anh đã dần ổn định và được xuất viện sau gần nửa tháng.
Trong những lần nằm viện ấy, hình ảnh chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1993, vợ anh Luận) tần tảo luôn khiến nhiều người xúc động.
Anh Luận bảo, con lớn của anh mất khi mới 2 tuổi do đuối nước, con út giờ mới 19 tháng tuổi, bản thân anh lại bị bệnh tật triền miên nên mọi gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai người vợ trẻ. Sau khi nghỉ việc ở khu công nghiệp, chị Phượng về làm trang trại tại nhà. Để có chi phí cho ca ghép thận, gia đình anh Luận đã phải bán nhà.
“Lúc tôi nằm viện, vợ tôi chỉ tranh thủ ra vì ở nhà còn con nhỏ thêm cả lợn, gà. Lúc tôi về nhà, vợ phải gửi con cho bà ngoại trông gần 1 tháng để lo cho gia đình. Dù công việc có bận đến mấy, vợ tôi cũng tranh thủ đưa tôi đi khám định kỳ mỗi tuần một lần. Cho tới bây giờ, bữa ăn cũng phải lo đúng giờ để tôi uống thuốc.
Biết rằng cuộc sống sau này vất vả nhưng vợ chồng tôi luôn bảo nhau phải cố gắng. Giờ tôi cũng khỏe hơn, có thể trông con, làm những việc nhẹ để san sẻ phần nào công việc với vợ.
Mặc dù bác sĩ có nói, phải 6 tháng sau mới được đi làm nhưng tôi đang định cuối tháng này sẽ xin đi làm sớm để đỡ phần nào kinh phí”, anh Luận tâm sự.
Trao đổi với PV, BSCKII Nguyễn Văn Tiệm – Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Yên Phong cho hay, với những biến cố trên, hiện nay hoàn cảnh gia đình y sĩ Luận hết sức khó khăn. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, công đoàn, lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Yên Phong đã phát động quyên góp ủng hộ y sĩ Luận được gần 30 triệu đồng. Ngoài ra, cán bộ nhân viên bệnh viện đã thăm hỏi động viên gia đình và cá nhân y sĩ Luận để mọi người cùng vượt qua khó khăn.
Nguyễn Huệ