Miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đang bước vào mùa hè với những đợt nắng nóng liên tục kéo dài. Bác sĩ Nguyễn Hữu Định (Giảng viên trường cao đẳng Y Dược Pasteur) cho biết: Ở thời điểm nắng nóng, chỉ số cực tím (UV Index) có trong bức xạ mặt trời đạt gần tới ngưỡng tuyệt đối. Chỉ số UV được biểu thị từ 0-11+, trong đó 11+ là lượng UV cao nhất có thể đến được mặt đất. Chỉ số UV càng cao, tia UV đến được mặt đất càng nhiều và thời gian làm da bị cháy nắng, bỏng nắng càng ngắn.
Khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài mà không có biện pháp bảo vệ hay phòng chống thì con người đối diện với rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là trẻ em.
Người đi dưới trời nắng khi chỉ số cực tím cao có thể bị phỏng nắng (da sẽ đỏ, phồng rộp, gây cảm giác khó chịu), gây sạm da sau vài ngày, làm khởi phát và nặng hơn những bệnh liên quan đến ánh sáng như lupus ban đỏ, viêm bì cơ, nám da, phát ban đa dạng ánh sáng...
Một người thường xuyên đi dưới trời nắng (khi chỉ số cực tím cao) sẽ có nguy cơ lão hóa da, ung thư da, hắc tố (Melanome), ức chế hệ miễn dịch, đục nhân, thoái hóa hoàng điểm, hạt kết giác mạc... dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực.
Trường hợp cơ thể tiếp xúc với ánh nắng nhiều lần trong thời gian dài, tia UV còn có khả năng gây các chứng bệnh về mắt trầm trọng hơn như suy hoại võng mạc, cườm mắt, lòa, thậm chí mù mắt.
Tia UV trong ánh sáng mặt trời có thể phá hủy các tế bào da. Sự phá hủy này có thể dẫn đến bệnh dày sừng ánh nắng và tiến triển thành ung thư tế bào gai. Khoảng hơn 90% các dấu hiệu ung thư da xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng như đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân ở phụ nữ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Định cho rằng, ở nước ngoài, người dân rất quan tâm đến chỉ số tia cực tím. Trong mục dự báo thời tiết đều có thông báo về chỉ số cực tím để người dân biết, sắp xếp công việc trong ngày và có biện pháp bảo vệ. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, mọi người chỉ có thể biết chỉ số này qua một vài ứng dụng trên điện thoại thông minh hay cảnh báo thông thường của các phương tiện truyền thông.
Cách tốt nhất là tránh ra nắng trong khoảng thời gian chỉ số cực tím cao. Theo bác sĩ Định, việc bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời nói chung, tia UV nói riêng nên phòng ngừa bắt đầu từ tuổi nhỏ và mọi lúc, mọi nơi. Các biện pháp bao gồm:
- Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, đặc biệt vào thời điểm mà nhiều ánh nắng nhất trong ngày (từ 10h-16h).
- Mặc quần áo dài tay, váy dài che kín cơ thể, chọn chất liệu vải dệt khít nhau, màu sáng để tránh bắt nắng.
- Đội mũ rộng vành để che mặt và cổ.
- Sử dụng chất chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Bôi chất chống nắng ít nhất 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau 2 giờ, cả khi trời có mây.
- Luôn đeo kính khi ra đường.
- Trẻ em chỉ nên tắm nắng trong khoảng thời gian trước 8h và sau 17h. Hạn chế cho trẻ ra ngoài. Khi buộc phải ra ngoài, cần che chắn, bảo hộ, thoa kem chống nắng như người lớn.
Bên cạnh đó, trẻ con là đối tượng nhạy cảm nên càng cần được bảo vệ tối đa. Bác sĩ Định cho biết đến 60% tia cực tím đến trái đất từ 10h-14h trong ngày. Do vậy, nên tránh cho trẻ ra ngoài vào thời điểm này.
Khi đưa trẻ ra ngoài đường, cần cho trẻ đội nón rộng vành, mang khẩu trang, mặc áo dài tay và không để trẻ tiếp xúc với ánh nắng quá lâu. Khi trẻ tiếp xúc với nắng nóng ở nhiệt độ cao, trong nhiều giờ có thể bị lả nhiệt hoặc sốc nhiệt.
Nguyễn Huệ