Những buổi trưa vội vã và những nhà nghỉ khuất nẻo luôn kín phòng đã minh chứng cho sự gia tăng đáng báo động của “tình công sở”. Ngoại tình chốn công sở được coi như việc giải tỏa stress và trở thành sở thích, trào lưu của rất nhiều người.
Người thì cho rằng vì cuộc sống hiện đại; vợ, chồng quá bận rộn khiến người ta không còn thời gian quan tâm và hiểu hết cái giá trị đích thực của nhau như người làm việc cùng cơ quan. Thêm nữa, đời sống ngày càng ổn định về vật chất nhưng lại phức tạp về tinh thần và thường có nhu cầu chia sẻ cao. Sau khi kết hôn một thời gian, tình cảm vợ chồng bước vào giai đoạn bình lặng. Lúc đó, nhu cầu tìm kiếm sự mới lạ, khác biệt trỗi dậy và nếu gặp những điều kiện thích hợp thì nó sẽ bén rễ và phát triển thành ngoại tình công sở.
Nhà nghỉ là bãi đáp lý tưởng cho “tình một trưa”
Tình... một trưa
“Tình một trưa” là cách gọi mới của dân công sở về những mối tình cùng cơ quan. Những giây phút thân mật chỉ chớp nhoáng, tranh thủ giờ nghỉ trưa để qua mắt đồng nghiệp. “Tình công sở” đôi khi chỉ bắt đầu một cách đơn giản từ bữa cơm trưa văn phòng, từ những cái liếc mắt tình tứ khi chạm mặt trong công việc.
Việc “tìm hiểu nhau” trong nhà nghỉ xem như là lẽ tất yếu của những cuộc tình kiểu này. Các phố Trần Duy Hưng, Đầm Trấu (Hà Nội)… và đặc biệt là dọc tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội) mà dân trong nghề thường gọi vui là “Lâm gia trang” hiện nay mọc nhan nhản các biển treo nhà nghỉ với những cái tên đầy “khêu gợi”: Ngõ vắng, Du ca, Mộng mơ… Anh Tuấn Anh (chủ một nhà nghỉ đóng tại ngõ 102 phố Trần Duy Hưng) cho biết: “80% các cặp đôi đến thuê phòng là bồ bịch, buổi trưa là thời điểm đông khách nhất.
Chi phí khoảng từ 120.000 - 200.000 đồng/giờ tùy theo độ “xịn” của phòng ốc. Với thu nhập như thế, chúng tôi không được bỏ túi hết mà tiền rải lót đường cho công việc kinh doanh nhạy cảm này cũng khá nặng”.
Tuy nhiên, cái thời dập dìu vào nhà nghỉ giờ đã “xưa như diễm” bởi nhiều điểm kinh doanh nhà nghỉ còn yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân cũng như chi phí khá “chát”. Xu hướng mới của bãi đáp giờ đây biến tướng sang một hình thức có phần “nghiêm túc” hơn nhưng hiệu quả “tới bến” cũng không hề thua kém.
Được một cô bạn làm kinh doanh mách rằng, “tình công sở” bây giờ không chỉ có khách sạn, nhà nghỉ mà “bãi đáp” khá lý tưởng là những quán cà phê rèm, một buổi trưa, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp mục sở thị một quán “cà phê rèm” trên phố P. Quán không quá rộng được ngăn thành những ô nhỏ chừng 4 - 6m2. Dù là ban ngày nhưng bên trong quán lại mờ ảo, tối thui, đặc biệt, quán được trang trí một loại rèm màu hồng nhạt.
Vừa thấy chúng tôi đến, thay vì hỏi “đi mấy người, uống gì?” như các quán cà phê thông thường, anh nhân viên phục vụ lại cười đầy ẩn ý và hỏi: “Anh chị nghỉ 1 hay 2 tiếng?”. Tại đây, các bàn nhỏ khá gần nhau nên dù không muốn nhưng những tiếng động lạ, những tiếng cười rúc rích, thậm chí là những tiếng thở dốc ở bàn bên cứ phát ra liên hồi. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng của thời gian nghỉ trưa, chúng tôi đếm sơ qua có gần 20 cặp ra vào. Có điều lạ là hễ ai vào hay ra khỏi quán đều có vẻ dè dặt, họ cố làm ra vẻ không quen nhau.
Một nhân viên tên T. của quán “cà phê rèm” này cho biết, quán đông khách nhất vào buổi trưa. Anh nhân viên này còn lém lỉnh rằng, vào đây, đa số mọi người đều uống “cà phê nằm” chứ không ngồi như thường thấy. “Hình thức kinh doanh cà phê biến tướng này hiện đang hút khách bởi chi phí khá mềm. Chỉ 50.000 - 60.000 đồng/2 cốc nước là các cặp đôi có thể thoải mái “trút bầu tâm sự” trong vòng 1 giờ đồng hồ. Chả ai nhịn được yêu, nhất là trong thời kỳ bão giá này, chỉ có cách ăn lãi ít, chi phí mềm là vẫn có thể đẹp cả đôi đường”, cậu T. vừa bật mí thêm vừa kèm theo cái cười tinh quái.
Không chỉ gặp éo le với những tai nạn không mong muốn, khi tình nồng đã đi đến đoạn kết thì các cặp đôi còn phải đối diện với nhiều phiền phức. Tuấn Anh, phó phòng kinh doanh của một công ty xây lắp ở Hà Nội đã lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười vì mối tình với nàng cùng cơ quan. Buổi trưa của hai người thường là một bữa ăn chóng vánh để dành chút thời gian ít ỏi cho nhau tại một nhà nghỉ khuất nẻo trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội).
Hôm ấy, vừa vi vu hơn 1 tiếng với nàng về tới cơ quan, Tuấn Anh soạn tin nhắn: “Hôm sau mình đi nhà nghỉ nào xa cơ quan một chút, Ly nhé” gửi cho bạn gái. Chẳng may, tin nhắn lại gửi nhầm đến số của cô thư ký với biệt tài “tám” chuyện. Chỉ một ngày sau, tin này lọt tới tai tất cả đồng nghiệp. Quá xấu hổ, Ly đã chọn giải pháp chuyển cơ quan. Tuấn Anh thì luôn bị mọi người soi mói, “tám” chuyện, châm chọc.
Thúy Hà (kế toán một công ty trên đường Láng) cả tuần nay không biết làm thế nào để tránh mặt người tình công sở mà cô vừa chia tay. “Ngày nào tới cơ quan chúng tôi cũng giáp mặt nhau. Ngồi đối diện nên hễ ngẩng lên là chạm mặt, anh ấy nhắn tin, gọi điện xin lỗi mãi không được thì giở chiêu bài ve vãn những cô gái khác ngay trước mặt tôi. Thật tôi chỉ muốn chuyển cơ quan để thoát khỏi tình cảnh này”, Hà than thở.
Chiêu độc của “gái cơ quan”
Câu chuyện của anh T.V.N (giám đốc một công ty truyền thông, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy) có lẽ sẽ là một chiêu nhớ đời cho những ai lỡ vướng vào “tình công sở”. Anh N. dù đã có vợ đẹp, con ngoan nhưng vẫn tìm mọi cách chiếm được cảm tình của cô thư ký chân dài tên Châu. Trưa nào cũng vậy, nếu không kịp đi tìm chốn riêng tư thì sau bữa ăn, hai người thân mật ngay tại phòng làm việc của anh.
Một thời gian sau, khi đã “đào mỏ” từ giám đốc nhiều tiền và tài sản quý giá, Châu trở mặt đòi chấm dứt “tình công sở” và trắng trợn yêu cầu giám đốc N. gửi cho cô 30 triệu đồng để… cưới chồng. Anh N. càng sốc hơn khi Châu tuyên bố đang giữ trong tay clip ân ái của hai người trong những buổi trưa tại nhà nghỉ.
Không chỉ riêng N., nhiều quý ông trung niên đã bị tống tình, tống tiền, làm mất danh dự, thậm chí còn bị ngồi tù vì tất cả những gì mặn nồng nhất đều được ghi lại làm vũ khí. “Các cụ ta đã chẳng nói “con thầy, vợ bạn, gái cơ quan”, tôi thấy câu này chẳng sai tẹo nào” - Hà Mạnh Tường, nhân viên kinh doanh một công ty truyền thông tại Hà Nội mở đầu khi kể về giai thoại cặp kè với gái cơ quan và những tình huống hãi hùng mà anh gặp phải.
Tường và Lan làm cùng công ty và yêu nhau chừng hai năm nay. Thời gian đầu, cả hai đều thấy mãn nguyện vì được ở cạnh nhau. Lâu dần, Tường bắt đầu thấy bí bách, khó chịu vì nhất cử nhất động của mình đều bị Lan theo dõi. Tường muốn đi cà phê với đám bạn hay đơn giản là liên lạc với nữ nhân viên khác cùng cơ quan lập tức bị Lan tra khảo. Oái oăm thay, một cô bạn cùng cơ quan dù biết Tường có Lan nhưng vẫn thường xuyên gọi điện tán tỉnh. Thậm chí, cô này còn lấy số điện thoại của Lan để gọi điện đánh ghen ngược, phát tán những bức hình nhạy cảm giữa hai người làm Tường bẽ mặt với cả cơ quan.
Tỏ ra là người khá “cao tay”, H.H (Q.Hoàng Mai) cặp bồ với sếp nhưng lại rất thân với vợ sếp làm cùng cơ quan. Lúc thì H. đi shopping, đi ăn với vợ sếp như người bạn tâm giao, ngay hôm sau lại tranh thủ buổi trưa đi “đổi gió” với sếp ở một khách sạn mà không lo bị phát hiện. Vì không muốn gặp rắc rối với những cặp đôi công sở, một số cơ quan đặt ra những quy định nghiêm ngặt, cấm yêu “nội bộ”. Nguyên nhân có thể do thời gian gần nhau đến 8 tiếng một ngày, ảnh hưởng lớn đến công việc.
Tuy nhiên những mối tình công sở kiểu này thường không “thọ” được lâu, nhất là những “tai nạn nghề nghiệp” từ “trên trời rơi xuống” do sự bất cẩn của các nhân vật chính. T.An, phóng viên của tờ báo nọ kể, có lần đi thực tế ở một quán cà phê rèm để chụp ảnh làm tư liệu. Đến khi về kiểm tra ảnh cô bạn đồng nghiệp ngồi cạnh thì vô tình phát hiện ra nhân vật trong ảnh không ai khác là bà chị dâu quý hóa của mình. Kết quả thế nào thì ai cũng biết rồi. Nói đến đây, T.An lắc đầu kết luận: “Những tưởng náu mình tại các quán cà phê rèm sẽ kín đáo nhưng đời ai học được chữ ngờ. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. |
Tuệ Linh - Yến Dương