Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa cho biết ông chưa đưa ra quyết định về việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, dự kiến diễn ra ở Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 11 này, nhưng điều này là có thể.
“Tôi chưa biết. Tôi không loại trừ khả năng này. Trước hết, tôi sẽ tính đến thực tế ngày nay”, ông Putin nói trong cuộc gặp với người đứng đầu các hãng thông tấn quốc tế do hãng tin Nga TASS tổ chức bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 27 tại Saint Petersburg hôm 5/6.
“Nói một cách thẳng thắn, điều đó sẽ phụ thuộc vào tình hình trong nước, tình hình của chúng tôi trên hướng Ukraine và tình hình toàn cầu nói chung”, nhà lãnh đạo Nga bổ sung.
Tổng thống Nga đã dành hơn 3 giờ để trả lời câu hỏi của các hãng thông tấn quốc tế. Đây là cuộc gặp đầu tiên như vậy của người đứng đầu Điện Kremlin kể từ khi khai màn “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Tổng cộng, nhà lãnh đạo Nga đã được hỏi hàng chục câu hỏi. Hầu như tất cả đều được dành cho chương trình nghị sự quốc tế. Ông Putin được hỏi về mối quan hệ với phương Tây, các giải pháp khả thi cho vấn đề Palestine, thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như các vấn đề thời sự khác.
Về tình hình Ukraine, ông Putin lưu ý rằng Moscow luôn sẵn sàng đàm phán, nhưng mong muốn này cần phải đến từ cả hai phía. Người đứng đầu nhà nước Nga cũng kêu gọi truyền thông nước ngoài đưa thông tin này đến với độc giả, đồng thời phàn nàn rằng truyền thông Nga ở phương Tây liên tục bị cản trở.
Nói về phản ứng của Nga trước các cuộc tấn công tầm xa, Tổng thống Nga lặp lại những bình luận trước đó của ông rằng Ukraine khai hỏa, nhưng Mỹ và các đồng minh đang cung cấp thông tin tình báo và nhắm mục tiêu.
Nga sẽ đáp trả bằng cách tăng cường phòng không và phá hủy những quả tên lửa này, người đứng đầu Điện Kremlin nói, cảnh báo rằng nếu phương Tây tiếp tục leo thang, những hành động như vậy “sẽ phá hủy hoàn toàn quan hệ quốc tế và làm suy yếu an ninh quốc tế”.
Về quan hệ Moscow-Bắc Kinh, ông Putin cho biết, Nga và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung và sẽ tiếp tục làm như vậy. Hai bên cũng đang làm việc trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự.
Phía Nga có rất nhiều ưu đãi để cung cấp cho phía Trung Quốc, và “những người bạn Trung Quốc của chúng tôi rất quan tâm đến làm việc chung trong lĩnh vực này”. Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trên trường quốc tế là yếu tố răn đe và ổn định, ông kết luận.
Về các đòn trừng phạt của Mỹ, Tổng thống Nga mô tả quyết định của Washington về sử dụng đồng USD làm công cụ trừng phạt là một sai lầm lớn, vì nó làm suy yếu niềm tin vào đồng tiền Mỹ.
“Theo tôi, một trong những sai lầm to lớn của Mỹ là cấm sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế và biến nó thành một công cụ để đấu tranh. Điều này hoàn toàn vô nghĩa, họ đang làm suy yếu niềm tin vào đồng USD”, ông nói.
Về vấn đề vũ khí hạt nhân, ông Putin cho biết, Nga sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể nếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị đe dọa.
“Vì lý do nào đó, phương Tây tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng nó. Nhưng chúng tôi có học thuyết hạt nhân của mình. Hãy xem học thuyết này nói gì. Nếu hành động của ai đó đe dọa đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi tin rằng có thể sử dụng mọi biện pháp chúng tôi có. Điều này không nên bị coi nhẹ. Điều này cần được xử lý một cách chuyên nghiệp”, ông nói.
Tại cuộc gặp với đại diện của các cơ quan thông tấn quốc tế do TASS tổ chức hôm 5/6, ông Putin cũng đã được hỏi tại sao 3 lá cờ – của Nga, Liên Xô và Đế quốc Nga – lại được treo tại tòa nhà chọc trời Lakhta Center, còn được gọi là Tháp Gazprom, ở Saint Petersburg, nơi cuộc họp đang diễn ra.
“Tôi có thể nói với các vị rằng đó không phải là một quyết định chính trị của chính phủ hay của chính quyền Tổng thống. Quyết định này được đưa ra bởi Gazprom”, ông Putin nói và cho biết thêm rằng CEO Gazprom Alexey Miller đã thông báo trước cho ông về quyết định này, gọi những lá cờ là “một phần của lịch sử”.
“Tôi quyết định không cản trở việc này, bởi vì mọi thứ xảy ra đều có lý do. Chính là vậy. Không cần phải tìm kiếm bất kỳ hàm ý nào, bất kỳ loại tham vọng đế quốc nào trong vấn đề này. Không có gì cả”, nhà lãnh đạo Nga nói thêm.
Lần gần nhất ông Putin nói chuyện với giới truyền thông quốc tế theo hình thức này là vào năm 2021. Những cuộc họp như vậy theo truyền thống được TASS tổ chức bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) – thường được truyền thông phương Tây gọi là “Davos của Nga”.
Minh Đức (Theo TASS, RT)