Những bộ phim truyền hình đình đám của màn ảnh nhỏ năm 2017

Những bộ phim truyền hình đình đám của màn ảnh nhỏ năm 2017

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 4, 20/12/2017 06:00

Làng phim truyền hình Việt Nam 2017 đã khép lại một năm nhiều thành công. Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng,... đã giúp đưa khán giả trở lại với màn ảnh nhỏ.

2017 là năm đánh dấu bước chuyển mình rõ rệt của phim truyền hình Việt. Nhiều bộ phim được khán giả yêu thích, trở thành chủ đề bàn tán, tranh luận trên mạng xã hội. "Chưa bao giờ phim truyền hình Việt được quan tâm như vậy" là nhận xét được nhiều người đồng tình.

Người phán xử - Đạo diễn Danh Dũng, Mai Hiền, Khải Anh

Sự kiện - Những bộ phim truyền hình đình đám của màn ảnh nhỏ năm 2017

Người phán xử là bộ phim truyền hình chuyển thể nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả trong năm 2017.

Người phán xử do VFC sản xuất, có kịch bản được làm lại từ một bộ phim truyền hình ăn khách của Israel, thuộc thể loại tâm lý tội phạm.

Bề ngoài, tập đoàn Phan Thị do Phan Quân (vai Phan Quân) điều hành là một công ty làm ăn đàng hoàng, nhưng kỳ thực nó lại là tập đoàn tội phạm với tổ chức khá rối rắm.

Để triệt phá Phan Thị, cảnh sát đã cài Bảo Ngậu vào làm nội gián. Cùng lúc này, những thế lực thù địch với Phan Quân xuất hiện và gây ra tai họa cho ông trùm. Không thể tấn công trực diện Phan Quân, thế lực này lại lần lượt nhắm vào những đứa con của ông trùm. 

Xuyên suốt 47 tập phim, liên tục những tình tiết lắt léo, bi kịch đã đổ ụp xuống Phan Hải, Lê Thành và những người thân cận.

Người phán xử có sự tham gia của nhiều diễn viên gạo cội như NSƯT Thanh Quý, NSƯT Hương Dung, NSƯT Trung Anh, Chu Hùng. Đặc biệt, sự góp mặt của NSND Hoàng Dũng, người được cho là “quái kiệt” trong vai phản diện đã góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim.

Những diễn viên trẻ như Việt Anh, Doãn Quốc Đam, Anh Đức cũng để lại nhiều ấn tượng về mặt diễn xuất. 

Sống chung với mẹ chồng – Đạo diễn Vũ Trường Khoa

Sự kiện - Những bộ phim truyền hình đình đám của màn ảnh nhỏ năm 2017 (Hình 2).

Sống chung với mẹ chồng cũng là bộ phim nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả truyền hình.

Không cần phải bàn cãi, Sống chung với mẹ chồng là một trong những phim truyền hình ăn khách nhất năm 2017. Sống chung với mẹ chồng có kịch bản chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc, phim do NSƯT Vũ Trường Khoa làm đạo diễn. 

Khi thực hiện ở Việt Nam, bên cạnh việc tôn trọng nguyên tác về xây dựng mối quan hệ căng thẳng, gay gắt, thậm chí coi nhau như kẻ thù giữa mẹ chồng - nàng dâu, đạo diễn Vũ Trường Khoa cũng đã chủ động cải biên, thay đổi vài tình tiết để phim bớt khốc liệt so với bản gốc.

Sống chung với mẹ chồng gây bão ngay từ khi lên sóng tập đầu tiên. Sức nóng của Sống chung với mẹ chồng đã góp công không nhỏ trong việc kéo khán giả trở lại phim truyền hình Việt.

Tất nhiên, khi trở thành tâm điểm của dư luận, tranh cãi là điều khó tránh khỏi. Suốt ba tháng phát sóng, có không ít lời khen cho diễn xuất của các diễn viên (NSND Lan Hương, Bảo Thanh), những câu thoại đầy sức nặng của kịch bản hay bàn tay “thắt, mở nút” lành nghề của đạo diễn.

Nhưng, nhiều khán giả cũng đã bỏ xem phim vì cho rằng, phim thiếu văn minh, đẩy bi kịch quá đà, xây dựng tuyến nhân vật chính tương đối tiêu cực, truyền tải sự bi quan về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu và không còn phù hợp với thời đại của Facebook, Zalo.

Kết thúc năm 2017, Sống chung với mẹ chồng đã mang về cho diễn viên chính Bảo Thanh giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại VTV Awards 2017.

Thương nhớ ở ai – Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Bùi Tiến Thọ

Sự kiện - Những bộ phim truyền hình đình đám của màn ảnh nhỏ năm 2017 (Hình 3).

Thương nhớ ở ai chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Bến không chồng.

Chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, Thương nhớ ở ai lấy bối cảnh ở làng Đông - một vùng quê Bắc Bộ điển hình trong giai đoạn 1954-1975.

Theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Thương nhớ ở ai khắc họa số phận bi kịch của những người phụ nữ nông thôn thời hậu chiến. Làng Đông là một làng quê Bắc Bộ điển hình.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi làng vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Thông qua những nhân vật như Nhân (Ngọc Anh), Hơn (Hồng Kim Hạnh) hay Hạnh (Trà My)… phim đã tái hiện cuộc sống đau khổ của những người phụ nữ nông thôn.

Họ không chỉ chịu nỗi đau mất mát người thân mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, hủ tục hà khắc, phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân.

Xem phim, khán giả sẽ thấy cây đa, bến nước, sân đình, kho bãi… những không gian đậm chất làng quê Việt Nam. Để có được những hình ảnh đẹp và chân thực nhất, ê-kíp sản xuất đã phải lặn lội đi khảo sát và quay phim tại 18 ngôi làng khác nhau.

Gia đình là số 1 – Đạo diễn Trung Lùn

Sự kiện - Những bộ phim truyền hình đình đám của màn ảnh nhỏ năm 2017 (Hình 4).

Gia đình là số 1 chuyển thể từ sitcom High kick của Hàn Quốc.

Gia đình là số 1 có kịch bản chuyển thể từ sitcom High kick đình đám của Hàn Quốc. Phim do đạo diễn Trung Lùn phụ trách, với các diễn viên gồm: Thu Trang, Tiến Luật, Việt Anh, Phi Phụng, Gin Tuấn Kiệt, Anh Tú, Diệu Nhi, Phát La, Quang Tuấn,...

Gia đình là số 1 xoay quanh gia đình ông Nguyễn Đức Nghĩa - một bác sĩ có phòng khám đông y rất đông khách. Dẫu vậy, tay nghề của Đức Nghĩa lại khá tệ, người giúp cho phòng khám ăn nên làm ra lại là Hoàng Anh - cô con dâu tài giỏi trong gia đình ông Đức Nghĩa.

Mỗi tập phim của Gia đình là số 1 là câu chuyện tách biệt với những phần còn lại. Thông qua từng tình huống phim, những câu chuyện ý nghĩa về tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè đã được truyền tải. 

Tuy làm lại từ sitcom ăn khách nhất lịch sử Hàn Quốc nhưng Gia đình là số 1 vẫn giữ được phong độ ổn định. Bằng cách Việt hóa kịch bản thông minh, Gia đình là số 1 đã mang đến món ăn tinh thần thú vị cho các gia đình Việt.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.