Nghệ thuật chạm khắc "bậc thầy"
Theo những ghi chép để lại đến ngày nay, đình Phù Lão được xây dựng vào năm 1688 (vào thế kỷ thứ XII), ở đời vua Lê niên hiệu Chính Hòa thứ 14. Đình tọa lạc trên một giải đất cao, thoáng, đẹp ở phía đầu làng Phù Lão. Lưng đình xây quay ra phía ngoài, mặt đình hướng vào trong làng. Đình thờ hai vị tướng thời của vua Hùng là Cao Sơn và Quý Minh. Ngoài ra, đình còn thờ ông quan Quận (Đào quận công) và bà Đào Thị Hiền là người đã bỏ tiền ra xây dựng đình.
Kiến trúc bên ngoài của ngôi đình được xây dựng theo thuật phong thủy cổ của người xưa. Trước mặt đình là hồ nước rộng, được tạo theo thuật tụ thủy với mong muốn con cháu sau này sẽ được thịnh vượng, đủ đầy. Giữa hồ là nhà thủy đình có cầu dẫn, bắc ngang qua. Từ hồ nước, đi một đoạn là tới nhà tiền tế rộng 3 gian, án trước tòa đại đình. Đại đình ban đầu được xây dựng theo lối chữ nhất, gồm 7 gian với tổng chiều dài là 23m, chiều rộng là12m. Mãi sau này, người ta mới xây dựng thêm hai gian hậu. Hình dáng của tòa đại đình trông giống như một chiếc nhà sàn của người miền núi, hai bên có lát sàn ván, gian giữa để lối đi ra vào theo kiến trúc kiểu chồng rường - giá chiêng và có các cánh cửa che nắng, che mưa. Phía bên trái đình là tấm bia tứ diện, ghi công bà Đào Thị Hiền, người trong làng đã bỏ tiền ra xây đình.
Điều làm nên giá trị của ngôi đình này, trước nhất phải kể đến lối kiến trúc độc đáo, đặc trưng cho lối kiến trúc dân gian thế kỷ XVII. Ông Dương Nguyên Khuê (một người cao tuổi trong làng) đã sôi nổi giới thiệu với về những di sản đặc sắc của ngôi đình. Theo ông Khuê, nét nổi bật nhất của đình Phù Lão chính là kỹ thuật chạm khắc tinh tế, phong phú. Nó thể hiện một cách sâu rộng và đa dạng những sinh hoạt cộng đồng của dân làng trước kia. Từ những sinh hoạt gia đình, riêng tư cho đến những sinh hoạt cộng đồng, tất cả đều được các nghệ nhân dân gian miêu tả chân thực, sống động, làm nên bức tranh xã hội đầy màu sắc và ý nghĩa.
Đình Phù Lão nhìn tổng thể.
Kỹ thuật chạm khắc của đình Phù Lão được thực hiện theo lối "chạm lọng". Nghĩa là, những hoa văn được khoét sâu vào lòng cây gỗ, sao cho hình nổi hẳn lên theo lối tượng tròn. Đây là kỹ thuật chạm khắc theo lối biểu cảm nhất, mang lại chiều sâu không gian và hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Theo ông Dương Nguyên Khuê, để xây ngôi đình này, thợ chạm được thuê từ xứ Nam (trấn Sơn Nam, nay gồm các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình), còn gỗ được lấy từ xứ Thanh (Thanh Hóa) và trải qua hơn 8 năm xây dựng mới hoàn thành.
Về mặt kiến trúc, ngôi đình được các nghệ nhân xây dựng theo kiểu "hương án giữ mặt tiền". Tất cả đều phô ra phía trước, dễ quan sát và rất có trình tự, lề lối. Quan sát kỹ sự sắp xếp những bức chạm khắc, những nghệ nhân khó tính nhất thời nay cũng phải công nhận, từng hình ảnh được phân bố rất hợp lý. Tùy vào chức năng và mức độ quan trọng của cảnh đó với đời sống xã hội mà người nghệ sỹ sẽ sắp đặt cho phù hợp. Ở gian giữa, người thợ tập trung mô tả những bức tranh như: Rồng chầu nguyệt, tranh tứ linh, tranh vẽ tiên, rồng... Tính chất Nho giáo khá đậm nét và thể hiện rõ tính quy chuẩn của Nhà nước phong kiến trong các bức chạm khắc. Hình ảnh tiên và rồng được các nhà điêu khắc khai thác với đầy đủ những tư thế phóng khoáng, rõ nét từng phân cảnh. Từ hình ảnh rồng mẹ, rồng con vây quanh một bà tiên có cánh cho đến cảnh rồng chầu nguyệt, long ly quy phụng sánh với tòa sen... ở phía trên nóc đình, đều rất hoàn hảo, sắc nét. Thế nhưng, những bức chạm khắc càng ở xa, yếu tố dân gian càng nổi trội và chiếm lĩnh không gian cơ bản của ngôi đình. Từ bức hình nàng tiên tắm đầy táo bạo, cho đến cảnh hội hè của người dân Phù Lão xưa, cảnh xử án, rồi cảnh sinh hoạt vợ chồng, cảnh đánh ghen... đều phản ánh rõ nét đời sống vật chất, cũng như đời sống văn hóa tinh thần của người xưa.
So với những ngôi đình Bắc Bộ khác, đình Phù Lão có những đặc sắc riêng không thể trộn lẫn. Tính phá cách trong nghệ thuật chạm khắc thể hiện ở sự xuất hiện đậm nét những chi tiết, hình khối mang tính phồn thực. Cuộc sống sinh hoạt gia đình, cảnh ân ái, cảnh vui chơi, cảnh đánh ghen... tất cả đều được thể hiện, đầy phóng khoáng. Chưa có ngôi đình nào có được sự phá cách mạnh mẽ như ngôi đình nơi đây. Chỉ xét riêng về ý nghĩa này thôi, đình Phù Lão cũng xứng đáng trở thành một trong những ngôi đình độc đáo nhất Việt Nam.
Những bức điêu khắc biết... "kể chuyện"
Trải qua gần 4 thế kỉ, với biết bao thăng trầm của lịch sử và biến thiên của thời gian, ngôi đình đã chứng kiến sự đổi thay của nhiều thế hệ người dân tổng Đào Quán trước đây và xã Đào Mỹ hôm nay. Nơi đây vẫn là nơi diễn ra các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt của cộng đồng làng xã. Đình Phù Lão đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều truyền thuyết dân gian, những câu chuyện thú vị về cuộc sống xung quanh của người dân. Đó như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt thời gian, đi vào cõi tâm linh của mỗi người dân. Mỗi một bức điêu khắc trong đình đều ẩn chứa một câu chuyện thú vị. Cả ngôi đình, vì thế là một câu chuyện dài về lịch sử của vùng đất văn hiến.
Người dân Phù Lão vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về ông Đào quận công bằng niềm tự hào vô bờ. Đào quận công tên thật là Đào Đức Độ, người thôn Trang, Phù Lão. Ông là người tài cao, học rộng nên được nhà vua yêu mến, phong làm Đề đốc tráng quận công Đào tướng công. Sau khi ông chết, được phong làm Phúc thần bảo vệ sự bình yên của xóm làng. Đây có thể coi là sự tích về Thành Hoàng làng thường thấy ở làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Nhưng khác với mọi nơi, trong khi câu chuyện thường được ghi vào thần phả của làng thì ở đây, câu chuyện được những nghệ nhân thể hiện sinh động bằng chính những bức điêu khắc tinh tế trên nóc đình.
Thú vị hơn nữa là cảnh xử án. Cho đến bây giờ, người dân ở đây vẫn truyền tai nhau câu chuyện về cô gái với mối tình chung thủy và cái kết buồn của cuộc tình ngang trái. Bức chạm trong đình kể về cô thôn nữ tên Lụa, xuất thân trong một gia đình dòng tộc ở địa phương. Do cô Lụa có nhan sắc và tính tình nết na nên được rất nhiều cậu ấm của làng trên, xã dưới ướm hỏi. Thế nhưng, cô từ chối tất cả để yêu một người con trai nhà nghèo và trót có mang. Theo lễ giáo ngày xưa, người con gái chửa hoang phải cạo đầu bôi vôi. Nhưng làng thương tình cho ra bờ tre sinh nở. Dẫu vậy, cô vẫn không tránh được án phạt và phải kết thúc bằng cái chết bi thảm. Bằng trí tưởng tượng tuyệt vời của mình, các nghệ nhân đã chạm khắc nên một bức tranh toàn cảnh mô phỏng lại lễ giáo phong kiến xưa. Từ hình ảnh cô Lụa bụng mang dạ chửa, bên cạnh là người mẹ đang ngồi xõa tóc đến hai ông hộ pháp người cầm đe, người mang búa tượng trưng cho hình phạt của lễ giáo phong kiến và rất đông dân làng tụ họp... Các nghệ nhân đã tài tình khắc khọa cả một xã hội thu nhỏ nơi làng quê Bắc Bộ, đồng thời thể hiện ước vọng được tự do yêu đương của nam nữ trong xã hội xưa.
Ngoài những câu chuyện trong đời sống cộng đồng, ông Dương Nguyên Khuê cũng cho biết: "Những bức điêu khắc trong đình phản ánh lịch sử, tự nhiên, xã hội của người dân Phù Lão xưa một cách đầy đủ và chân thực. Hiện nay, tuy những sinh hoạt ngày trước đã mai một nhưng hình bóng của nó vẫn thấp thoáng trong lễ hội làng diễn ra vào hai ngày 14 - 15 tháng 8 âm lịch hàng năm".
Suốt chiều dài lịch sử đình Phù Lão cũng trải qua quá trình tôn tạo nhiều lần. Không những vậy, trong thời kháng chiến, đình phải "kiêm nhiệm" rất nhiều "chức năng" như: Lớp học bình dân, kho vũ khí của quân đội, hội trường hợp tác xã, trường cấp hai... Lâu ngày, đình xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị sập. Vào năm 1989, UBND tỉnh Hà Bắc (cũ) đã cấp hơn 30 triệu đồng cho việc trùng tu, sửa chữa ngôi đình. Nhờ vậy mà ngôi đình đã được "cứu thoát". Lần thứ hai là vào năm 2011, đình lại được trùng tu với quy mô lớn. Số tiền được cấp lên tới 14 tỉ đồng, được trích từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia về Văn hóa.
Thế nhưng, theo đánh giá của ông Khuê và cụ từ đình Nguyễn Văn Chữ, bên cạnh những mặt tích cực của việc tu bổ, đó còn là sự tổn thất về mặt văn hóa. Những chi tiết, những hoa văn bị thay vô tội vạ, những bức hình bị vỡ, bị gãy khá nhiều. Thậm chí, các khung xà bị đặt sai vị trí so với ban đầu, nhiều bức tượng bị đục nham nhở. Vẫn theo lời hai ông, quá trình thi công không được sự giám sát của những đơn vị quản lí văn hóa và những người có chuyên môn nên mới xảy ra như vậy. Hiện có những chi tiết đã biến mất hoàn toàn so với lúc trước khi trùng tu. Đây là một điều rất đáng buồn và là sự áy náy lớn của người dân địa phương. |
Tuệ Linh - Phạm Thiệu