Bầu trời mênh mông với những tầng mây bãng lãng trôi… Từng cánh chim hải âu sải dài trên đường chân trời... Những cánh buồm no gió căng phồng, như đang bứt phá mọi lực cản để nhấc tung con tàu lướt trên bao lớp sóng cuộn trào… Bức tranh sống động như một khuôn hình trong một bộ phim 3D, khiến khó ai tin vào mắt mình khi biết: đó là tranh được tạo tác trên nền của những phiến lá thốt nốt!...
Từ đám lá dãi dầu mưa nắng…
Người nghĩ ra điều không tưởng ấy, người biến những chiếc lá thốt nốt bình dị trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo ấy, chính là nghệ nhân Võ Văn Tạng ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn (An Giang).
Vốn đã thích vẽ tranh từ nhỏ nhưng không có điều kiện theo học bộ môn mình đam mê, ông Tạng đi học rồi đi làm trong ngành ngân hàng. Công việc bộn bề ngốn hầu hết quỹ thời gian, tuy nhiên ông vẫn tự mày mò học vẽ thêm. Ông thích nhất là kỹ thuật vẽ tranh bằng bút lửa (que hàn điện).
Những năm 90, khi công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh huyện Thoại Sơn, ông Tạng thường xuống những vùng thôn xã của địa phương để tìm hiểu và giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Trong những lần đi thực tế ấy, ông để ý thấy nhiều đám lá thốt nốt chất đống ở góc sân nhà dân, dù dãi dầu từ mùa mưa này sang mùa nắng khác mà vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, không hề mục rữa.
Tìm hiểu thêm, ông Tạng được biết lá cây thốt nốt không chỉ được phơi khô rồi dùng để nhóm bếp, mà người Khmer còn dùng lá thốt nốt làm đồ thủ công mỹ nghệ, viết kinh Phật... vì lá thốt nốt rất bền, không bị mối mọt, tuổi thọ có thể lên đến cả trăm năm. “Sao mình không dùng lá thốt nốt để làm chất liệu vẽ tranh”? - Ông Tạng chợt nghĩ…
Đến lão nghệ nhân “múa lửa” trên từng phiến lá…
Chọn chất liệu lá thốt nốt để làm nền vẽ tranh đã là lạ đời, ông Tạng còn chọn cọ vẽ là… que hàn điện thì đúng là khó tưởng tượng! Ấy vậy mà, với lá khô dễ cháy và bút lửa “vô tình”, lão nghệ nhân đã tạo nên những bức tranh có họa tiết độc đáo đến mức tinh xảo trên những phiến lá thốt nốt.
Bức tranh “Tùng Hạc” và bộ tranh Tứ quý “Mai, Lan, Cúc, Trúc” chính là những bức tranh đầu tiên vẽ trên lá thốt nốt của ông Tạng. Khi nói về bộ tranh mà hiện giờ ông vẫn còn lưu giữ ấy, cũng như khi nhắc đến những bức tranh ông tạo tác suốt 20 năm qua, người nghệ nhân già như còn nguyên lửa trong đáy mắt: “Lá có thể sử dụng để vẽ tranh phải được chọn từ những tàu lá của cây thốt nốt từ 8 đến 10 năm tuổi. Phải chọn đoạn lá non, đẹp nhất mới giữ nguyên được màu sắc của lá sau khi phơi khô. Phải chọn cắt lá vào mùa nắng, phơi khô đúng thời gian, xử lý kỹ thuật cẩn thận rồi ghép lại một cách khéo léo mới làm nền vẽ tranh được”.
Vẽ bằng que hàn điện nên tranh lá thốt nốt chỉ có 3 màu chủ đạo là đen, nâu và vàng. Sắc độ đậm nhạt của nét vẽ tùy thuộc vào độ nóng của “bút lửa”. Vì vậy người vẽ không phải chỉ cần biết vẽ, mà còn phải có kinh nghiệm và sự am hiểu về loại lá thốt nốt, để không “quá tay” làm cháy phiến lá.
Sau gần hai thập niên “múa lửa” trên những phiến lá thốt nốt, đến nay nghệ nhân Võ Văn Tạng đã có cả chục ngàn bức tranh đủ kích cỡ, nhiều chủ đề. Từ tranh thư pháp, tranh Tứ quý đến tranh phong cảnh, chân dung... Trong đó, ông tâm đắc nhất là bức chân dung Bác Hồ, Bác Tôn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Năm 2010, ông Võ Văn Tạng được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục: “Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam” và bức tranh “Di chúc Bác Hồ làm bằng lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam”. Năm 2016, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì những cống hiến trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống.
Và cơ nghiệp từ cái tâm người cầm bút lửa
Từ những bức tranh đầu tiên vẽ cho thỏa niềm đam mê sáng tạo, tranh lá thốt nốt của ông Tạng ngày càng được nhiều người biết đến và dần trở thành những tác phẩm nghệ thuật được săn đón trên thị trường tranh vẽ. Đó cũng là lúc lão nghệ nhân nghĩ đến việc truyền nghề cho thế hệ sau, để lưu giữ và quảng bá thể loại tranh độc đáo của mình.
Ông bảo con cháu trong gia đình, đứa nào yêu thích nghề vẽ tranh trên lá thốt nốt của ông thì cứ theo học, ông truyền hết mọi bí quyết và kỹ thuật. Ông còn mở lớp dạy vẽ tranh trên lá thốt nốt, ưu tiên tuyển người địa phương. Không những dạy nghề, ông còn trả lương học việc và tạo công ăn việc làm, giúp họ có thu nhập ổn định cuộc sống khi đã có tay nghề.
Thấy được tâm huyết của lão nghệ nhân, anh Phạm Văn Út là cháu của ông Tạng, quyết định phát triển cơ sở vẽ tranh trên lá thốt nốt của người chú thành một công ty hẳn hoi. “Tôi không có năng khiếu hội họa, nhưng tôi rất quý trọng sự sáng tạo và những tác phẩm độc đáo của chú Tạng. Tôi thành lập công ty Minh Phú Châu với mong muốn khẳng định thương hiệu tranh lá thốt nốt độc nhất vô nhị của chú tôi, đồng thời quảng bá dòng tranh nghệ thuật độc đáo làm từ lá thốt nốt của chú tôi nói riêng và của quê hương tôi nói chung trên thị trường trong và ngoài nước.”- Anh Út chia sẻ.
Là Giám đốc công ty, anh Út dốc sức lo hết mọi việc lớn nhỏ của công ty để người chú có thể tập trung vào niềm đam mê sáng tạo đối với những bức tranh lá thốt nốt của ông. Anh Út vui vẻ cho biết: “Nhân dịp CLB Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức chương trình Caravan Hoa Biển lần 2 (từ 29/06 đến 01/07/2018), Công ty Minh Phú Châu đã tài trợ chương trình 7 bức tranh lá thốt nốt. Tôi hy vọng sự đón nhận trân trọng từ Ban tổ chức cũng như các vị lãnh đạo và các đơn vị phối hợp tổ chức chương trình dành cho những tác phẩm này, sẽ làm những nghệ nhân có thêm niềm vui để tiếp tục cống hiến cho dòng tranh lá thốt nốt mộc mạc, mang màu sắc quê hương yêu quý của chúng tôi”.
Gia Minh