Trong số các thiết bị nằm trong danh mục nới lỏng lần này có thiết bị bảo vệ và lều quân dụng, ngoại trừ các loại vũ khí sát thương.
Theo một quan chức bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây là biện pháp nhằm tiếp thêm sinh lực cho ngành công nghiệp quốc phòng trong nước vốn đang gặp nhiều khó khăn bằng việc mở rộng đối tượng khách hàng ngoài Bộ Quốc phòng nhờ đó mà thúc đẩy sản xuất đại trà giúp giảm chi phí sản xuất.
Việc nới lỏng các quy định đấu thầu theo dự kiến của Bộ Quốc phòng nước này được cho là một trong những biện pháp nhằm xem xét lại việc cấm vận vũ khí của Nhật Bản.
Nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe sẽ sớm xem xét lại lệnh cấm vận này.
Cái gọi là “ba nguyên tắc” trong xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản được cố Thủ tướng Eisaku Sato đưa ra vào năm 1967 và các nguyên tắc này được đưa vào trong một lệnh cấm hồi năm 1976.
Năm 2011, Nhật Bản đã thực hiện những thay đổi mạnh mẽ để nước này có thể cùng tham gia vào các chương trình sản xuất và phát triển vũ khí cùng với các nước khác.
Trước đó, vào đầu tháng 7, nước này đưa ra kế hoạch sửa đổi Hiến pháp 1946 doThủ tướng Shinzo Abe khởi xướng. Kế hoạch đang được các ứng viên tham gia tranh cử hưởng ứng nhiệt tình.
Máy bay của lực lượng phòng vệ Nhật tại khu vực quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Lực lượng phòng vệ thành quân đội chính quy?
Theo ông Abe, ý định sửa đổi hiến pháp nhằm xác định Lực lượng phòng vệ Nhật Bản thành một đội quân chính quy và cho phép lực lượng này can dự vào phòng vệ tập thể, theo đó lực lượng vũ trang Nhật Bản sẽ tham gia bảo vệ một đồng minh khi bị tấn công vũ trang.
Theo điều tra của hãng tin Kyodo, trong số những người dự kiến tranh cử của Đảng dân chủ tự do (LDP), 97,1% cho biết Hiến pháp cần phải được sửa đổi và không ai trong số này nói rằng không nên sửa. Trong số này, 64,7% muốn tăng cường quyền lực của Thủ tướng trong tình huống khẩn cấp và 63,2% quan tâm đến quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản.
Những điều này cho thấy Nhật Bản đang chứng minh một quá trình thay đổi chậm rãi nhưng chắc chắn theo hướng cứng rắn hơn trong ngoại giao và quân sự, trước sự mạnh lên nhanh chóng của Trung Quốc.
Sự thay đổi thể hiện cả trong các vấn đề xã hội, được bộc lộ rõ ràng nhất ở chính sách đối ngoại và chiến lược quân sự. Xu hướng này một phần được thúc đẩy bởi sự mạnh lên nhanh chóng của Trung Quốc, bên cạnh nhận thức của giới cầm quyền về việc tái thiết lập tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực sau hai thập niên đi xuống.
Những thay đổi của Nhật Bản được thể hiện trong sự gia tăng vai trò của Lực lượng Phòng vệ cũng như nỗ lực của các chính trị gia hàng đầu nhằm chỉnh sửa hiến pháp và quan điểm trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực biển Hoa Đông, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hồi tuần trước đã thể hiện "mối quan ngại sâu sắc về nguy cơ xảy ra xung đột".
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng nhấn mạnh rằng, Nhật Bản, ngay cả khi đang dần ngả về hữu khuynh, vẫn chưa thể hiện rõ ràng trong lĩnh vực quân sự. Theo họ, Nhật mới đang chỉ chuyển dần sang trung dung, sau nhiều thập niên là một quốc gia tha thiết theo đuổi hòa bình.
Một cuộc thăm dò được thực hiện hồi đầu năm nay cho thấy, người dân Nhật Bản đang ngày một quan tâm hơn tới các vấn đề an ninh. Họ biết đất nước của mình đang đối mặt với những mối đe dọa từ bên ngoài.
Dữ liệu do chính phủ Nhật Bản cung cấp cho hay, 25% người dân Nhật Bản cho rằng nên tăng cường sức mạnh quân sự. Cách đây 3 năm, con số này chỉ là 14%, trong khi vào năm 1991, chỉ có 8% người dân đồng tình với ý kiến trên.
Bằng chứng lớn nhất về quyết tâm từ bỏ chủ nghĩa quân phiệt sau Thế Chiến thứ hai của Nhật Bản được thể hiện ở Điều 9 trong Hiến pháp của nước này, với lời hứa sẽ không bao giờ duy trì lực lượng lục quân, hải quân và không quân. Nội dung Điều 9 chưa bao giờ được thay đổi, nhưng sự giải thích điều này đã được nới lỏng, đặc biệt vào năm 1954, khi Nhật Bản thành lập tổ chức lực lượng phòng vệ vì mục đích phòng vệ.
Theo TTXVN