Đó là Trần Hồng Chương, quê Hà Tĩnh, đã ở tù được 12 năm. Có thể nói, Chương là một tài năng “quái kiệt”, rất thông minh và có đầu óc tổ chức, giá như anh ta đem hết năng lực trí thức và tài năng của mình ra phục vụ cho đất nước trong lĩnh vực kinh tế và truyền thông thì con đường sự nghiệp và tương lai của anh ta khá sáng lạn. Nhưng có lẽ cũng vì ham muốn làm giàu quá nhanh, Chương đã sa chân vào một đường dây ngầm đưa người trốn ra nước ngoài và kết cục lâm vòng lao lý với bản án nghiêm trọng.
Xuất thân từ một sinh viên nghèo, ham học
Nhiều đêm, trong trại giam, phạm nhân Trần Hồng Chương thao thức không ngủ được, quá khứ cuộc đời và ám ảnh tội lỗi như một cuốn phim quay chậm, cứ lặng lẽ mở ra rồi khép lại và lại mở ra chầm chậm như một cuốn tự truyện với bao nỗi trằn trọc, xót xa trong tâm khảm anh ta. Sau nhiều đêm thức trắng tại buồng giam, mở đầu những trang tự truyện về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình, Chương viết: “Màn đêm buông xuống! Cả không gian tối đen như mực, bầu trời lặng yên cảm nhận hơi nóng của trái đất! Chẳng một cơn gió nhẹ đưa, không một tiếng động nào vang lên trong đêm tối! Đêm mùa hè nóng nực, oi nồng.
Trong căn phòng tất cả cửa sổ đều mở toang, ánh đêm hắt từng tia sáng le lói qua ô cửa sổ đã hoen rỉ bởi thời gian làm in hình vệt sáng giữa sân nền xi măng như thể nét vẽ màu vàng nhạt bằng cảm xúc của một họa sỹ theo trường phái “ấn tượng”. Ngồi lặng yên bên trong cửa sổ, tôi hướng đôi mắt quầng sâu nỗi đau nhìn ra bầu trời thăm thẳm màu đen! Cũng không hề biết mình nhìn cái gì, để kiếm tìm điều gì giữa mịt mù tăm tối ấy, khi bên cạnh tôi có những đồng cảnh đến từ tứ xứ đã lặng yên đi vào giấc ngủ say nồng.
Rất có thể ai đó đang thao thức… nhưng hầu hết họ đã ngủ có lẽ đó là những phút giây thảnh thơi nhấttrong cuộc đời họ. Còn tôi, ngồi lặng yên nghe nỗi đau đớn xót xa vò xé tâm can. Đã hơn 10 năm tù qua rồi, hơn 3.650 ngày, tôi đều dành một ít thời gian lặng yên như vậy để nghiền ngẫm những mất mát đau thương. Để tự mình xót xa, ân hận về tội lỗi gây ra. Và những khát khao đang ngày một trào dâng mãnh liệt trong tôi! Đã nhiều lần trái tim nức nở, đã nhiều lần nước mắt tuôn rơi đến nỗi trái tim đã chai lỳ nỗi đau, lệ khô từ bao giờ không hề hay biết…”.
Ảnh minh họa
Trong những đêm không ngủ đó, Chương hồi tưởng nhớ lại thuở hàn vi, nghèo khó đầu đời khi anh mới tốt nghiệp đại học về công nghệ thông tin và đang lang thang đi kiếm việc làm ở Sài Gòn. Thời gian ấy, Chương dành hết thời gian rảnh rỗi đạp xe đến các nhà sách trong vai người đi mua sách, nhưng thực tế anh đến đây để đọc và học vì không đủ tiền mua các loại sách chuyên ngành có giá lên tới 200.000-300.000 đồng/cuốn. Được bạn bè giới thiệu, Chương tới một công ty xin phỏng vấn tìm việc làm. Người của công ty đặt câu hỏi: “Hồ sơ của anh tôi đã đọc, vậy anh cho biết vì sao anh xin vào đây để làm việc?”.
Chương trả lời: “Thứ nhất vì tôi học xong không có việc làm, gia đình nghèo cần có việc để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình; Thứ hai là vì công nghệ thông tin, vốn là niềm đam mê của tôi và công nghệ thông tin đang rất thịnh hành, và lĩnh vực đó trong tương lai là một yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp”. Câu hỏi tiếp: “Anh có thể làm việc bao nhiêu tiếng một ngày?”. Chương đáp: “Ngoài giờ ăn, nghỉ, ngủ thời gian còn lại tôi có thể làm việc với điều kiện được trả lương xứng đáng”.Câu hỏi cuối: “Theo anh, thích trả lương theo hình thức tính công hay tính sản phẩm?”. Chương trả lời: “Tất nhiên, tôi thích được trả lương theo giá trị sản phẩm”.
Sau cuộc phỏng vấn chớp nhoáng nói trên, Chương lọt vào vòng hai 7 ngày sau đó để thi về kiến thức kinh doanh. Ở vòng này các đối thủ chỉ còn lại 300 người, thi viết theo câu hỏi bốc thăm ngẫu nhiên, cứ 20 người một lượt thi 20 phút. Câu hỏi mà Chương bốc thăm được: “Từ chiếc gạt tàn thuốc lá, bạn hãy liên hệ với sự phát triển của nền kinh tế thế giới”. Chương đã viết cặm cụi đúng 20 phút một bài. Hôm sau đến xem kết quả, anh nằm trong số 14 người được chọn vào vòng cuối cùng, trực tiếp được gặp người phụ trách Trung tâm thông tin thương mại gặp gỡ, tìm hiểu và quyết định.
Thật may mắn cho Chương, ngay từ vòng 3 khi vào phòng làm việc trực tiếp gặp người lựa chọn, Chương được gặp một người đồng hương. Ông này trong bộ veston màu đen sang trọng, đầu cắt tóc cao gọn, mặt hiền từ phúc hậu, đôi mắt sáng. Biết Chương là đồng hương Hà Tĩnh, lại có hoàn cảnh khó khăn nên ông đã nói: “Tôi sẽ cho cậu một cơ hội, cậu hãy cố gắng để có thể khẳng định tài năng”. Chương rối rít cảm ơn và cảm thấy thật may mắn. Sau đó 3 ngày, Chương chính thức được nhận vào Trung tâm thông tin thương mại chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, trực thuộc bộ Thương mại với hợp đồng thử việc 3 tháng, mức lương 2.200.000 đồng một tháng. Anh sung sướng hạnh phúc khi ngày đầu tiên đi làm ở trung tâm của một Bộ thời thượng.
Chương được phân công vào Phòng Kinh doanh phát triển thị trường của Trung tâm này. Công việc chủ yếu là trực tiếp thu thập thông tin, xây dựng chương trình dự án phát triển kinh tế chủ yếu trong ngành công nghệ thông tin. Đó là thời điểm mạng VINANET ra đời. Với 7 chức năng cụ thể, Trung tâm đã mở rộng quan hệ với những doanh nghiệp, địa phương. Và khi nhận tháng lương đầu tiên 2,5 triệu đồng, Chương đã chiêu đãi bạn bè cùng mấy cô gái đồng hương một chầu tại quán karaoke dân ca hết 700.000 đồng. Chương đưa cho bạn 800.000 đồng góp thêm tiền thuê chung nhà. Số tiền còn lại Chương hỏi một người bạn nên làm gì?
Anh ta bảo mua 2 chỉ vàng để làm vốn. Chương nghe bạn mua 1 cái nhẫn 1 chỉ, còn 500.000 đồng dùng để chi tiêu hằng ngày, trong thâm tâm thầm mong sẽ có ngày mua được cái xe máy đi làm. Tháng thứ hai, Chương được cấp trên đưa đi làm tổ chức hội chợ ở đền Bà, An Giang nên ngoài tiền lương, anh còn thu nhập thêm được 25 triệu đồng. Chương mua một chiếc xe máy hết 4,5triệu đồng, số tiền còn lại mua được 2 cây vàng. Công việc thuận buồm xuôi gió, cho đến tháng thứ ba, Chương được chính thức làm dự án có tên “Văn phòng điện tử”, có nghĩa là xây dựng văn phòng được kết nối mạng LAN, mạng nội bộ khách hàng đầu tiên là Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Sau 3 tháng đầu tư, tổ chức thực hiện, Chương thu hồi vốn và có khoản lãi trong mơ: 120 triệu đồng. Chưa bao giờ Chương dám mơ có một khoản tiền như thế, và anh ta nghĩ không nên gửi tiền về cho gia đình mà đầu tư vào việc mua nhà cũ, về tân trang bán nhà mới…
Công danh sự nghiệp thuận buồm xuôi gió
Một thời gian sau, Chương đã thực hiện thành công một số dự án về thông tin, hội chợ, báo chí, cùng việc mua bán nhà cũ tăng trưởng đều đều. Chỉ sau thời gian gần 3 năm làm việc ở Trung tâm thông tin thương mại chi nhánh TP. HCM, Chương đã có một khoản vốn kha khá, một chiếc Toyota Camry đời 96, một chiếc Dream II, một laptop và 600 triệu đồng. Tháng 7/1999, Chương quyết định lập dự án: “Tiềm năng và cơ hội đầu tư khu vực miền Trung”. Được sự nhất trí của giám đốc Trung tâm, Chương được phép ra Hà Nội, liên kết cùng một nhà xuất bản và công ty điện toán truyền số liệu tổ chức thực hiện dự án.
Để được triển khai dự án này, Chương buộc phải xin phép Trung tâm thông tin thương mại – Bộ Thương mại. Qua gặp gỡ tiếp xúc, dự án của Chương đã được ông phó giám đốc Trung tâm hết sức chú ý, qua ông này, Chương đã ký được hợp đồng lao động và được tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp anh ta về miền Trung thực hiện dự án. Đó là lần đầu tiên Chương trở về quê hương Hà Tĩnh sau khi ra đi với lời thề khi nào giàu sẽ về quê hương. Cả nhà Chương ai cũng phấn khởi, đặc biệt là cha, mẹ và những người thân. Đêm ấy, cả làng, cả xóm đến mừng cho cha mẹ Chương và Chương. Chương thấy thật hãnh diện và thầm nhủ sẽ sống thật tốt với xóm làng, những người đã luôn bên cạnh cha mẹ, gia đình anh lúc khó khăn nhất. Sau mấy ngày hàn huyên, Chương đã thực hiện cuộc hành trình qua 7 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… để thực hiện khảo sát cho việc mở văn phòng và triển khai dự án.
Sau nhiều lần tính toán, đắn đo, Chương chọn Hà Tĩnh để đặt văn phòng, mặc dù có thể tính kinh tế không cao so với thành phố khác nhưng vì một phần ở Hà Tĩnh có nhiều mối quan hệ quen biết hơn, phần khác vì sức cạnh tranh ở tỉnh này chưa cao, một phần muốn gắn bó với quê hương. Sau khi đặt văn phòng, Chương bắt đầu tuyển chọn nhân sự theo cách của anh ta.
Chương không chọn những người đã được đào tạo mà đa số là thanh niên con nhà nghèo ở các huyện có tư chất thông minh, mắt sáng, trán cao, nếu là nữ thì ngoại hình duyên dáng, là nam thì phải có chí cầu tiến. Sau hơn 2 tháng, Chương đã có trong tay một đội ngũ nhân viên trong tay tràn đầy sức trẻ và khát vọng vươn lên. 12 người của Chương chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 6 người vào Trường Điện toán Cadasa đào tạo các chuyên ngành văn phòng, sửa chữa nâng cấp phần cứng, kỹ thuật viên phần mềm, Autuket, phục chế ảnh… Nhóm còn lại 6 người gửi ra trường đại học Quản trị kinh doanh Hà Nội đào tạo các ngành: Quản lý nhân sự, marketting, kế toán, tâm lý quản lý. Sau 2 năm, những người này cam kết làm việc theo mức lương thỏa thuận với Trung tâm do Chương phụ trách ít nhất 5 năm. Khi mọi người bước vào học các chuyên ngành, Chương đã mua sắm thiết bị văn phòng bằng chính vốn liếng của mình: Gần 40 máy tính Compart, 1 máy Fax, 1 máy Scanner, 1 máy Photocopy, 1 máy chủ trị giá hơn 200 triệu đồng.
Sau đó, Chương tự mình đi thu thập thông tin tại các đơn vị sở, ban, ngành, qua đó tới tận các doanh nghiệp, cơ quan xí nghiệp Nhà nước… Sau 2 tháng làm việc, Chương đã thu thập được một ngân hàng dữ liệu về “Tiềm năng cơ hội đầu tư khu vực miền Trung”, trong đó nổi bật là mỏ sắt Thạch Khê, cảng biển Vũng Áng, bãi biển Thiên Cầm, cửa khẩu Cầu Treo giới thiệu các sản phẩm cam bầu Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch… Chương trình dự án này đã thực sự thành công… trong sự nhìn nhận của quan chức, mọi người, đặc biệt là bạn bè cùng trang lứa, xóm giềng: Chương là người thành đạt. Đi đến đâu mọi người cũng vui vẻ đón tiếp anh. Những chuyến về thăm quê của Chương nhiều hơn, anh sửa nhà cho cha mẹ, giúp chị em ổn định kinh tế, lâu lâu có ai mời đến liên hoan cho con đi học đại học hay có chuyện gì Chương luôn hết lòng giúp đỡ…
Dù chưa thực sự chính thức vì thủ tục chưa hoàn chỉnh nhưng bước đầu Chương đã tổ chức thực hiện một số dịch vụ mà qua đó anh thêm doanh thu, khi số vốn đã dồn hết vào thiết bị, dự án… Chương định hình các mối quan hệ liên doanh liên kết. Trong một lần công tác tại sở Khoa học công nghệ Hà Tĩnh, Chương đã gặp Hồng Anh, một nữ cán bộ phòng Công nghệ sinh học, qua một số lần tiếp xúc, Chương đã phải lòng Hồng Anh và thành thật cho Hồng Anh biết về hoàn cảnh của anh. Hồng Anh thấu hiểu rồi nhận lời yêu Chương. Cuộc đời Chương bước vào những ngày tháng hạnh phúc…
Sa chân vào con đường tội lỗi
Trong một buổi tối đầy kỷ niệm, Chương cùng Hồng Anh rong ruổi trên con đường từ thị xã Thạch Hương để về ra mắt, thưa chuyện với cha mẹ Hồng Anh, Chương đã thành thật nói về hoàn cảnh gà trống nuôi con của mình (Chương đã có một đời vợ, có một con gái, rồi hai người chia tay). Chương xin phép gia đình Hồng Anh cho được tìm hiểu và cưới Hồng Anh làm vợ. Nhưng thật buồn, không ai đồng ý, thậm chí còn phản đối gay gắt, song lòng Chương đã quyết, dù thế nào chỉ cần Hồng Anh yêu thương, chấp nhận là sẽ cưới được em.
Tháng 12/2000, Chương đã tổ chức đám cưới tại khách sạn Công Đoàn. Sau đám cưới, Chương và vợ thuê căn nhà ở Lý Tự Trọng để ở, vừa để chuẩn bị cho tương lai, vừa lại là địa điểm mở văn phòng. Chương luôn dành tất cả yêu thương và bù đắp cho vợ. “Hạnh phúc gia đình được đơm hoa kết trái khi vợ báo tin đã mang thai đứa con đầu lòng, có biết bao kỷ niệm ngọt ngào giữa họ, những tưởng sẽ là mãi mãi, gia đình hai bên vui mừng, phấn khởi, thầm mong cho chúng tôi thật sự hạnh phúc”.
Đúng thời điểm này, Chương nhận được yêu cầu của Trung tâm thông tin thương mại buộc phải nộp đủ 400 triệu đồng để đảm bảo độ an toàn của dự án. Trong những chuyến công tác dài ngày, Chương vắng mặt gia đình thường xuyên hơn, rồi vào Nam, ra Bắc, vất vả ngày đêm chỉ mong sao có thêm nguồn tiền để thực hiện khát vọng đổi đời… Và trong một đêm tại khách sạn Công Đoàn, Hà Nội, Chương đang uống bia giải sầu một mình thì gặp một người đàn ông tên là T. khoảng chừng 35 tuổi, cao ráo, đẹp trai, phong độ, rất sang trọng. Qua câu chuyện, Chương biết ông có thể đưa người sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đông Âu, Mỹ, Nga. Lúc đầu Chương còn e ngại, song dần dần anh cũng thấy hấp dẫn vì quê hương mình cũng nhiều người muốn đi ra nước ngoài làm ăn, sinh sống. Như biết được ý định của Chương, ông ta nói:
- Nếu cậu có người cấn đi thì giới thiệu ra, tôi sẽ trích hoa hồng cho cậu.
Chương hỏi thật: Một người như vậy tôi được bao nhiêu?
Ông trả lời: Khoảng 200 USD.
Chương hẹn với T. khi có anh sẽ liên lạc. Lúc ra về, T. cho anh số điện thoại của ông và hẹn gặp lại. Sau đêm đó, về khách sạn Chương không ngủ được và suy nghĩ về người đàn ông này rất nhiều.
Sau khi về Hà Tĩnh, Chương có nói qua với vài người về chuyện có một đường dây đưa người ra nước ngoài như vậy, có một vài người đến hỏi han chuyện đi Đức, Hàn, Nhật… Chương quyết định gửi cho người đàn ông mới quen biết nói trên 2 người, với giá thỏa thuận, trót lọt thì Chương sẽ nhận 400 USD hoa hồng trên một người. Chương đưa hai người cùng quê ra Hà Nội giới thiệu gặp T. Qua T. Chương đã gửi 4.000 USD, số còn lại 6.000 USD, ngay khi hai người tới Hàn Quốc điện về, Chương sẽ cùng gia đình họ nộp luôn. Sau đó, Chương về Hà Tĩnh tiếp tục các dự án của mình. Ba ngày sau, T. gọi điện cho Chương thông báo rằng một tiếng nữa cho gia đình họ nghe điện thoại. Sau khi cả hai gia đình nhận được điện thoại của người thân ở Hàn Quốc gọi về, họ đã giao 6.000 USD cho Chương. Ngay chiều hôm đó, Chương đã chuyển khoản cho họ 5.200 USD, 800 USD còn lại là phần hoa hồng Chương được hưởng. Cứ thế, một tuần Chương đưa ra Hà Nội từ 2 đến 5 người giao cho T. Gần như sau 3 ngày, chậm nhất là 5 ngày, họ đã sang nước ngoài như yêu cầu.
Trong gần 2 tháng, Chương đã thu hoa hồng của gần 30 người, tương đương 12.000 USD, một khoản tiền tương ứng và khá lớn đối với anh. Toàn bộ số tiền này, Chương đổ dồn đầu tư vào mua sắm trang thiết bị văn phòng và tạo dựng các mối quan hệ để dọn đường cho việc tổ chức các dự án sau. Uy tín của Chương về việc đưa người đi Hàn Quốc ngày một cao, nhiều người từ Quảng Bình, Hà Tây, Phú Thọ… cũng về gửi gắmn
Duy Việt (ghi lại)
Kỳ 2: Trở thành nhân vật quan trọng của đường dây ngầm