Dù vất vả thật đấy, gian nan thật đấy, thậm chí còn phải đối mặt với hiểm nguy nhưng đó chính là động lực tuyệt vời nhất để cá nhân tôi giữ được ngọn lửa yêu nghề ngày càng mãnh liệt.
Nghĩa tình sâu đậm
Gắn bó với nghề báo, với Đời sống & Pháp luật đến nay cũng đã gần 3 năm. Đối với nhiều người, 3 năm là quãng thời gian không quá dài, nhưng với tôi, gần 3 năm ấy chứa đựng nhiều thử thách, áp lực cùng niềm vui trong công việc, cuộc sống.
Có lẽ, hồi hộp và lo lắng là tâm trạng chung của nhiều phóng viên trẻ như tôi khi bước những bước chân đầu tiên vào làng báo. Tôi còn nhớ như in những tháng ngày đầu tiên bước chân vào tòa soạn với tư cách một phóng viên thử việc.
Những ngày đầu làm việc ở Đời sống & Pháp luật quả thật là không hề dễ dàng với tôi. Thời điểm ấy, ngồi trong một tòa soạn bề thế, quy mô, chứng kiến các anh chị hăng say làm việc, tôi như một cánh chim lạc đàn. Tôi loay hoay, lúng túng không biết phải làm gì. Cảm giác lo lắng, bất lực cứ quanh quẩn trong tâm trí.
Sau một thời gian, tôi bắt đầu bắt nhịp được với công việc, làm quen được với nhiều anh chị đồng nghiệp hơn. Sự nhiệt tình, hòa đồng của các bậc tiền bối hay những anh chị đồng nghiệp trong tòa soạn đã vô hình đánh bay sự lạc lõng, bơ vơ ấy của tôi.
Tôi dần được giao những đề tài đầu tiên trong niềm hân hoan. Tuy nhiên, niềm vui ấy nhanh chóng bị sự băn khoăn, trăn trở chiếm cứ. Tôi lúng túng vì không biết bắt đầu từ đâu, viết như thế nào. Chính sự khắt khe của nghề nhiều lúc khiến tôi cảm thấy áp lực nặng nề.
May thay, những lời chỉ dạy, động viên quý báu của các cô chú, anh chị trong tòa soạn đã giúp tôi nhanh chóng quên đi tất cả. Những con người đáng kính ấy chỉ dạy tôi rất nhiều kể cả trong công việc lẫn cuộc sống.
Những người thầy ấy không tiếc gì khi bỏ thời gian quý báu của mình để chỉ dạy tôi từ những thứ lớn lao như cách tìm kiếm đề tài, khai thác rồi triển khai. Hay cách hành văn, đặt từng dấu chấm, dấu phẩy sao cho đúng.
Đến lúc này, khi đã cứng cáp hơn, trưởng thành hơn, mỗi khi trò chuyện với những người bạn của mình, tôi luôn nói rằng: “Nếu không có những người thầy, người đồng nghiệp nhiệt tình, tận tâm ấy, sẽ không có tôi bây giờ”.
Từng chuyến đi là từng bước trưởng thành
Gắn bó với nghề cũng chưa phải là dài, nhưng những kỷ niệm của nghề báo khó mà kể hết. Còn nhớ, kể từ khi là thành viên chính thức của đại gia đình Đời sống & Pháp luật, tôi theo dõi và làm tin bài về mảng Thể thao. Công việc chính của tôi là tìm kiếm, ghi nhận những vấn đề liên quan đến thể thao trong và ngoài nước. Dù khá vất vả, nhưng thực sự vui vì tôi được làm đúng sở trường của mình.
Sau một thời gian, với sự định hướng của tòa soạn cùng mong muốn “làm mới” bản thân, tôi dần chuyển hướng sang mảng Đời sống. Ở một mảng hoàn toàn khác so với lĩnh vực mình từng làm suốt một thời gian dài, những lúng túng trong việc tìm kiếm, khai thác cũng như triển khai đề tài là điều không tránh khỏi.
Vốn là người thích khám phá, ngay khi tìm kiếm được đề tài, dù còn nhiều lo lắng nhưng tôi vẫn xách ba lô lên và đi. Hành trang của tôi ngoài những lời hướng dẫn, động viên nhiệt tình của trưởng ban chính là khao khát được thử sức, được khám phá.
Những chuyến đi tác nghiệp ở địa phương trở nên thường xuyên hơn, tiếp xúc với nhiều nhân vật hơn, viết được nhiều dạng đề tài mà trước giờ tôi luôn nghĩ mình không làm được. Cũng chính nhờ những chuyến đi ấy, tôi trưởng thành hơn, biết đau hơn với những nỗi đau đến tột cùng của những mảnh đời bất hạnh.
Cứ sau một chuyến đi như vậy, gặp gỡ, tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh tôi càng thấu hiểu hơn cuộc sống vất vả, cơ cực mà đâu có vẫn có những người từng ngày, từng giờ phải đối mặt.
Nhờ những chuyến đi ấy, đã cho tôi một cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về mọi mặt của cuộc sống, con người thay vì những cái nhìn tràn ngập màu hồng như trước kia.
Hiện nay, mô hình tác nghiệp đa phương tiện trở thành xu hướng tất yếu nên tôi phải trau dồi, tích lũy thêm nhiều kỹ năng hơn. Ngoài việc là phóng viên viết, tôi phải đảm nhiệm luôn phóng viên ảnh, phóng viên quay phim.
Cũng chính vì “một người phải đóng nhiều vai” nên nhiều khi đồ đạc mà tôi mang theo khá cồng kềnh như: Laptop, máy ảnh… và một thứ không thể thiếu là điện thoại. Cũng chính vì thế, ngoài việc đảm bảo nội dung tin bài, tôi và tôi và những đồng nghiệp khác phải lĩnh thêm một trọng trách cực kỳ quan trọng khác: Bằng mọi giá phải bảo vệ máy móc.
Nhiều kỷ niệm dở khóc, dở cười khi trời mưa to, nắng gắt trên đường tác nghiệp thường được tôi nhắc lại. Còn nhớ, trong một lần đi tỉnh, trời bỗng dưng mưa lớn, tôi phải lấy cái áo mưa duy nhất ra để “bảo vệ” máy móc thật khô ráo, thật an toàn còn mình thì đành chịu ướt nhẹp thì đầu đến chân.
Những kỷ niệm khó quên
Nhiều người từng hỏi tôi, tại sao lại chọn cái nghề đặc thù và vất vả này, không có ngày nghỉ, thời gian làm việc thất thường, có khi đi làm từ sớm tinh mơ rồi hì hục xuyên đêm để gõ bài. Đối với tôi, nghề nào cũng có những khó khăn, vất vả đặc thù. Không thể khẳng định hay so sánh được nghề nào nhàn hạ hơn nghề nào.
Có lẽ, điểm khác biệt duy nhất của nghề báo nằm ở việc các phóng viên luôn phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía. Công việc nhiều khi không kể thời gian, địa điểm. Nhiều lúc, khi mọi người đã nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả thì tôi cũng như bao đồng nghiệp khác chỉ kịp ăn vội gói mì hay bát cơm là lại bắt tay vào viết bài để kịp thời chuyển về tòa soạn rồi lại bắt tay vào tìm kiếm đề tài mới ngay sau đó.
Tuy vất vả, khó khăn nhưng ngọn lửa nghề vẫn luôn bùng cháy trong tôi cùng những xúc cảm riêng biệt của từng chuyến đi là chất xúc tác không thể tuyệt vời hơn để tôi nỗ lực hết mình.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh căn nhà tồi tàn, xuống cấp trầm trọng cùng thân hình gầy guộc, ánh mắt bất lực của người vợ đau ốm gồng mình chăm người chồng sống thực vật. Rồi bữa cơm thân mật, ấm cúng mà cô Kham Trưởng thôn Thanh Cu, (xã Ngọc Thanh, Kim Động, Hưng Yên) - đã chuẩn bị một cách gấp rút khiến tôi thực sự bất ngờ và xúc động.
Hay chuyến đi Thái Nguyên đầy bão táp, kỷ niệm. Có lẽ, đó là lần đầu tiên tôi sẵn sàng để những cơn mưa xối xả dội thẳng lên người mình để quyết không để máy ảnh bị ướt. Đi xe máy trong điều kiện quần áo ướt sũng gần 100 km quả là cực hình.
Có lẽ bởi trời mưa to, cản trở tầm nhìn, cũng một phần do sự chủ quan của bản thân, mà tôi và cô em thực tập chút nữa là “nằm gọn trong vòng tay yêu thương của anh Công te nơ” ở một khúc cua.
Cũng ở đợt tác nghiệp ấy, hai lần rơm rớm nước mắt khi cảm nhận được tình cảm chân thành, mộc mạc của người dân nơi đây. Lần cứ nhất là khi tôi được chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của chị “người mẹ khờ” Nguyễn Thị Ngát (SN 1965) và con trai mắc bệnh động kinh ở xóm Bản Cái (xã Ôn Lương, Phú Lương, Thái Nguyên).
Trong căn nhà sàn xập xệ không có bất cứ món đồ gì đáng giá. Cuộc sống thường ngày của chị nhờ nhờ cậy vào cha mẹ già yếu. Nghèo khó là thế nhưng khi thấy có người đến thăm, họ coi tôi như con cháu trong nhà. Khi tôi chuẩn bị ra về, không hiểu họ họ vay mượn từ đâu được chai mật ong rừng và vài cân gạo nếp và yêu cầu tôi nhận bằng được.
Dù hai món quà này không đáng gì nhưng đây là tấm lòng, là tình cảm mà những con người chân chất ấy dành tặng cho tôi.
Trong một chuyến đi khác, hai cô em thực tập liên tục phì cười khi chứng kiến cảnh tôi hai tay bám chặt thành con đò nhỏ, mặt đầy lo lắng. Lúc ấy, tôi được người đàn bà có đôi chân không bao giờ chạm đất chở ra chiếc thuyền, nơi mà bà sinh sống bao năm qua ở xóm chài Điệp Thôn (Mê Linh, Hà Nội).
Đối với một phóng viên từng tác nghiệp ở rốn lũ Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) năm 2018, tôi ít nhiều đã có kinh nghiệm trong việc di chuyển bằng đường thủy.
Bởi vậy tôi không còn quá sợ khi tác nghiệp ở làng xóm chài Điệp Thôn. Tuy nhiên mấy con người cùng ngồi trên một chiếc đò nhỏ chòng chành cũng khiến tôi có chút lo lắng bởi trên người tôi nào là laptop, máy ảnh. Có lẽ, chính bởi vậy, giờ đây, mỗi khi có dịp tôi lại bị hai cô em thực tập trêu đùa.
Còn rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ dọc đường tác nghiệp vui, buồn đủ cả nhưng không thể nào kể hết. Những kỉ niệm ấy cùng khao khát được thỏa đam mê với nghề là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, nỗ lực trau dồi bản thân để hoàn thiện hơn trên chặng đường phía trước.
Uông Đàm Linh