Xã hội phát triển khiến các quan niệm thay đổi theo thời gian. Nếu như cách đây 15-20 năm, tấm bằng đại học là chiếc vé duy nhất lên tầu thành công cho giới trẻ thì nay còn nhiều loại vé dành cho bạn trẻ bước lên chuyến tầu này.
Nhìn trái chiều, hiện tượng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp dài dài tại các thành phố lớn, sinh viên dấu bằng xin những công việc binh thường trong xã hội, sinh viên đi học nghề lại bỏ bằng đại học. Quan trọng hơn nữa là các bạn thanh niên sống mòn với những công việc trái ngành nghề đào tạo hoặc không phù hợp niềm đam mê. Tất cả những thông tin đó khẳng định sự thật hiển nhiên – tấm bằng đại học không còn là con đường thành công duy nhất của mỗi cá nhân trong tổng số gần 90 triệu người dân Việt Nam.
Một suy nghĩ đơn giản nếu như toàn bộ xã hội Việt Nam toàn bộ dân tốt nghiệp bằng đại học và điều gì sẽ xảy ra. Xã hội có phân chia lao động và mỗi cá nhân có năng lực, sở thích và hoàn cảnh gia đình để tìm cho mình một con đường thành công. Con đường thành công của mỗi cá nhân không nhất thiết được lập trình bằng một công thức một cho tất cả - đại học. Các bạn trẻ cần nhận thức con đường thành công chỉ xảy ra khi nó phát huy và phù hợp với bản thân năng lực, tính cách, điều kiện gia đình và các yếu tố khác của các bạn. Thành công giống nhau nhưng con đường tới thành công có muôn hình vạn trạng. Các bạn trẻ có thể cân nhắc những nẻo đường sau đây không nhất thiết cần bằng đại học.
01- Đi làm ngay: Sự thật trong xã hội có rất nhiều nghề các bạn trẻ có thể đi làm sau khi tốt nghiệp lớp 12 hoặc thậm chí cấp 2. Các nghề này yêu cầu các kỹ năng, năng lực căn bản cho người lao động trên 18 tuổi. Để thành công trong nghề này các bạn chỉ cần chăm chỉ, kỷ luật, tận tụy trong công việc. Các công việc có thể là một số dịch vụ căn bản như bán hàng, trông coi tiệm net hoặc một số nghề đơn giản có thể vừa học nghề vừa làm như nghề in lụa, phụ nấu ăn v/v. Các bạn trẻ xuất thân từ các gia đình không có điều kiện kinh tế nên tập trung cho lựa chọn này càng nhanh càng tốt.
02- Học một nghề đơn giản: Nếu như các bạn trẻ có điều kiện đầu tư hơn và có thiên hướng một nghề cụ thể phù hợp, các bạn có thể đang ký học các chương trình đào tạo ngắn hạn nghề từ 4-6 tháng ví dụ nghề bán hàng, nghề sửa chữa máy tính, phục vụ phòng. Các nghề này có đặc điểm chung đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống và không đòi hỏi kỹ năng, kiến thức và tay nghề cao. Các bạn trẻ thực hiện chọn lựa này cần xem xét thật sự mình có yêu thích và gắn bó trong khoảng thời gian 1-2 năm với nghề hay không. Các bạn trẻ cũng có thể sử dụng giải pháp này cùng với việc luyện thi đại học cho năm kế tiếp
03- Học nghề dài hạn- trung cấp nghề: Nếu thật sự các bạn trẻ có đam mê và năng khiếu về một nghề nào đó, các bạn có thể mạnh dạn đăng ký các chương trình nghề dài hạn có thời gian đào tạo từ 1 năm trở lên. Có một giải pháp tương tự đó là các bạn đi làm tại các cơ sở và học nghề khi làm. Nghề sửa chữa xe máy hoặc làm tóc là những ví dụ cụ thể cho trường hợp này. Quan trọng trong học nghề dài hạn đó là bạn phải thật sự đam mê và yêu mến nghề bạn đã chọn lựa. Nếu như bạn không có tận tụy trong việc học nghề dài hạn, các bạn sẽ thất bại.
04- Tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình: Kế tục và phát triển cơ sở kinh doanh của gia đình không phải là một chọn lựa tồi. Cơ sở kinh doanh đã giúp nuôi sống gia đình bạn và chính bạn. Các bạn nên cân nhắc việc tham gia thật sự sâu sắc trong công việc kinh doanh của gia đình. Mọi cá nhân trong xã hội đều có chung mẫu số thực hiện các công việc lương thiện nhằm tạo giá trị cho bản thân và xã hội. Quản lý kinh doanh cho gia đình sẽ tạo cho các bạn những thuận lợi tốt cho khởi nghiệp sau này.
05- Khởi nghiệp: Đây cũng là một lựa chọn cho các bạn trẻ có điều kiện. Nếu như các bạn có nguồn tài chính và có thiên bẩm kinh doanh. Tuy nhiên đây cũng là lựa chọn rủi ro nhất vì các bạn phải đầu tư và khả năng thành công của cá nhân tốt nghiệp cấp 3 trong khởi nghiệp là khá thấp do các bạn chưa có kinh nghiệm, trải nghiệm và các kiến thức căn bản.
06- Học cao đẳng: Đây là lựa chọn gần với học đại học nhiều nhất. Tuy nhiên nó cũng sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro tương tự như học đại học. Các bạn cần phải đánh giá nhu cầu 2-3 năm nữa của ngành các bạn đang học, năng lực thật sự của mình có phù hợp với ngành chọn lựa hay không. Quan trọng hơn chương trình cao đẳng các bạn định học có nằm trong những chương trình tốt hay không. Các lựa chọn khác có thể cho phép các bạn vừa làm vừa luyện thi. Lựa chọn học cao đẳng sẽ giới hạn việc bạn học thi đại học cho năm tới do chương trình học cao đẳng thật sự cũng áp lực không kém việc học đại học.
07- Thi lại đại học: Tất nhiên lựa chọn cuối cùng đó là thi đại học năm sau. Giải pháp này cần các bạn trẻ đánh giá hướng nghiệp , tình hình tài chính gia đình và khả năng thi đỗ của bản thân sau một năm. Luyện thi đại học lại cũng có những thuận lợi khi các bạn có nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên các bạn sẽ phải đối mặt các thách thức về tâm lý, chi phí đầu tư gia đình và sự ủng hộ của gia đình và bạn bè . Các bạn có thể đọc thêm các bài hướng nghiệp tại http://ngayhoivieclam.wordpress.com/
Không vào đại học không có nghĩa là hết cửa. Chẳng qua các bạn chậm hơn một năm để chuẩn bị thi lại hoặc xác định cho mình những con đường khác dẫn tới thành công cho bản thân. Các bạn đang ở tuổi 17-19 và còn 30-40 năm trước mặt trong cả cuộc đời. Tại sao chỉ có một sự kiện nhỏ nhoi các bạn và gia đình đánh mất cơ hội thành công cho cả cuộc đời của mình. Điều quan trọng nhất các bạn hãy xác định những lựa chọn thông qua đánh giá cá nhân, gia đình và các yếu tố hoàn cảnh khác để chọn ra cho mình một con đường phù hợp nhất. Các bạn trẻ có thể vừa đi làm vừa ôn thi đại học. Có thể nghỉ hẳn ở nhà để luyện thi hoặc nhiều con đường khác nhau.
Tuy nhiên theo con đường nào các bạn trẻ cũng cần phải suy nghĩ chọn lựa cẩn thận, tư duy tích cực, chăm chỉ học hoặc hành, tận tụy trong cuộc sống, tránh xa những tiêu cực sống lành mạnh, thành công chắc chắn sẽ lại tới các bạn trẻ. Chúc các bạn trẻ thành công.
Ths. Vũ Tuấn Anh – Viện Quản lý Việt Nam